Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Trong lớp, nếu xếp hạng học tập thì hắn thua duy nhất tên lớp trưởng “bốn mắt”, mà xếp hạng hài hước thì cũng chỉ thua mỗi tên Mưa (Vũ) nói hoài không biết mệt, và nếu xếp hạng về nhan sắc thì chắc chắn hắn thua thần-tượng-của-tôi!
Thua là cái chắc, con trai gì mà da trắng, cái môi “cong cớn”, mái tóc lại hoe vàng,... và một cái xấu nữa là hắn không bao giờ vẽ một bức tranh nên hồn dù rằng hắn có tài vẽ. Tôi biết rõ điều đó, bằng chứng là hắn vẽ bản đồ rất đẹp, trang trí tờ báo tường giúp lớp đạt giải nhì toàn trường. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao hắn lại gọi tôi và nhỏ bạn ngồi bên là “Tà Đạo và Ma Giáo”, còn hắn tự xưng mình là “Độc Ma Long Phụng Kiếm”. Có lẽ hắn mê phim kiếm hiệp?
Nhắc đến phim kiếm hiệp tôi cũng xin “bật mí” một chút về thần tượng của mình, tôi cũng là một fan cuồng của thể loại phim này đấy. Tôi đã “cày” suốt những ngày hè trước khi vào lớp 10. Ngày ấy bên cạnh nhà tôi có ông chú mua đầu máy về chiếu “vi-đê-ô” để phục vụ bà con chòm xóm. Phim toàn thu vào trong băng, mỗi tối chỉ chiếu một băng ba tập. Đang xem đến chỗ gay cấn, hồi hộp thì hết mất, đành phải chờ đến tối mai xem tiếp. Xem mãi rồi nghiền, rồi mê. Tôi đã xem qua phim Thanh đao huyền bí, Bích huyết kiếm, Tiểu Lý phi đao... và đặc biệt thích Anh hùng xạ điêu. Thần tượng của tôi là nam chính đóng vai Quách Tĩnh, tên thật của anh là Trương Trí Lâm. Anh đóng cặp cùng chị Chu Nhân, một đôi trai tài gái sắc không chê vào đâu được.
Đấy, tôi đã bảo hắn làm sao mà sánh được cơ chứ. Người ta vừa tài, vừa đẹp, vừa hiền lành, nho nhã, ai như... Nhớ lại tôi tự trách mình, sao hồi ấy ngốc thế nhỉ, không hỏi rõ nguyên nhân nhưng làm sao tôi dám khi mới chân ráo chân ướt bước vào lớp 10. Cái lớp hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
* * *
Tôi là một con bé nhà quê chính hiệu, ở một xã vùng ba xa lắc xa lơ, đạp xe gần 40km để ra thị trấn học cấp ba. Tôi còn nhớ như in ngày khai giảng năm học 97 - 98. Tôi như một cái chong chóng trong gió, chạy khắp sân trường để tìm lớp. Trường tôi năm ấy có đến năm lớp 10 nhưng tôi lại chẳng biết mình học ở lớp nào. Vì nhà tôi ở xa quá nên tôi không đi lao động cũng không đi nhận lớp. Ngày đi xem điểm thi vào lớp 10, tôi thấy mình được 13 điểm hai môn Văn, Toán. Số thí sinh tham dự là 310 người nhưng vì không có phòng học nên nhà trường chỉ nhận 250 học sinh cho năm lớp, còn lại 60 học sinh sẽ bị loại. Tôi cũng không mấy quan tâm, để ý xem 60 học sinh ấy rồi sẽ ra sao, chờ năm sau thi tiếp hay... Chỉ biết rằng khi ấy tôi đã rất vui, rất sung sướng khi biết rằng mình nằm trong danh sách 250 học sinh được học vào năm tới. Tôi đạp xe thẳng xuống chợ huyện, tự thưởng cho mình một li chè to bự, ngày ấy chè chỉ có 500 đồng một li thôi. Ăn uống no nê tôi ung dung cưỡi ngựa sắt trở về nhà.
Đấy, cứ vô tư vô lo để rồi ngày khai giảng mới mướt mát mồ hôi, chạy ngược chạy xuôi. May thay cuối cùng tôi cũng tìm được lớp của mình, lớp cuối bảng, 10E. Thật hú hồn, hú vía! Giờ nghĩ lại tôi thấy mình to gan, lì lợm thế không biết! Ngay từ buổi khai giảng, tôi đã trở thành tâm điểm của lớp. Một con bé lạ hoắc lạc vào một cái lớp có đến 49 thành viên là những người bạn đã quen biết trước. Tôi có nhược điểm đó là phát âm “L” thành “N”, mắc bệnh nói nhanh như chim.
Có lẽ vì tôi ở gần rừng! Bù lại hơi xinh xắn một chút, da trắng, môi hồng, nói cho dễ nghe hơn đó là “dễ thương”. Chỉ có mỗi một mình nên tôi thấy bơ vơ, lạc lõng. Tôi dần thu mình trong vỏ ốc, ngại giao tiếp, sợ nói ra các bạn sẽ trêu chọc. Nhưng rồi nhỏ bạn ngồi bên và hắn kéo tôi ra hòa nhập vào những trò chơi đá cầu, nhảy dây... cũng có khi chỉ là đi dạo vòng quanh sân trường trong giờ ra chơi. Tôi dần quen với ngôi trường mới, lớp của mình... Tôi thân với nhỏ bạn ngồi bên, hai đứa đi đâu cũng có nhau. Những lần như thế hắn nheo nheo mắt cười và nói: “Hello cặp bài trùng của lớp 10E!”.
Trong giờ học hắn toàn phi tàu bay giấy đến chỗ chúng tôi. Những bức tranh kinh dị vẽ tà đạo, ma giáo, tóc xù, mắt to, móng vuốt dài ngoằng... Nhưng những từ hắn viết ra thì “dịu dàng” quá đỗi! Ví như hôm ấy do tôi lười học, chủ quan nên bài kiểm tra chỉ được 4 điểm, hắn đã viết vào tàu bay giấy dòng chữ nắn nót: “Tà Đạo có buồn vì điểm thấp không? Cố lên, chúc vui vẻ!”. Nỗi buồn điểm kém cũng vơi bớt và tôi có thêm động lực để cố gắng.
* * *
Tàu bay giấy cứ lượn lờ trong giờ học, tất nhiên không phải ngày nào cũng vậy. Chúng tôi cũng ý thức được hành động của mình là không nên, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của lớp, đến các bạn khác. Nhưng lớp tôi rất ngoan, rất đoàn kết nên không bị thầy cô phát hiện. Và nhờ trò tàu bay của hắn mà có biết bao mối quan hệ khác được thiết lập. Tên lớp trưởng lượn tàu bay sang cho nhỏ lớp phó học tập, tên Mưa phi tàu bay xuống xóm nhà lá chọc ghẹo... Và hôm kiểm tra một tiết môn tiếng Anh để lại trong tôi một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi.
Những người bạn của tôi ở thị trấn hoặc gần thị trấn nên đã được bố mẹ cho đi học thêm từ hồi cấp hai hoặc trước khi lên lớp 10, vì thế tiếng Anh trong lớp đối với họ quá đơn giản! Còn tôi thì vẫn đang loay hoay với những câu hỏi Yes-No (có-không): “Is there a... in the bathroom?” (Có cái gì đó trong nhà tắm không?). Hỏi và trả lời bằng tiếng Việt thì dễ nhưng viết bằng tiếng Anh thì khó bởi tôi chưa nhớ nhiều từ vựng. Tôi biết nhiều thứ liên quan đến nhà tắm như dầu gội, gương, vòi sen... nhưng lại không nhớ rõ tiếng Anh viết như thế nào. Hắn ngồi ở dãy khác đã làm bài xong và nhanh nhẹn phi tàu bay sang chỗ tôi. Nhỏ Ma Giáo nhanh tay chụp lấy, mở ra và chép lia lịa, miệng không ngớt giục tôi rối rít:
- Mi chép đi, chép lụi đi, nhanh lên hết giờ bây giờ!
Tôi lưỡng lự rồi nhất quyết không chép. Tôi còn nhớ thầy giáo phê vào bài kiểm tra của tôi là “dùng từ tối nghĩa” do tôi đã làm thế này: “Is there a bicycle in the bathroom?” (Có cái xe đạp nào trong nhà tắm không?). Tất nhiên là không bao giờ có rồi, quá tối nghĩa ấy chứ! Tôi biết là không được đúng lắm nhưng lúc ấy bí quá không tìm ra từ nào để thay thế bicycle (xe đạp) quá quen thuộc đối với tôi.
Thứ bảy nào tôi chẳng về nhà bằng xe đạp và chiều chủ nhật nào tôi cũng lóc cóc đạp xe lên trường. Có hôm hứng chí tôi ở nhà thêm tối chủ nhật. Thứ hai bốn giờ sáng mới lọ mọ đạp xe đi trong ba giờ cho gần 40km, đường đất dốc ngắn, dốc dài. Một con bé 16 là tôi đã trải qua hành trình như vậy. Cuối cùng tôi vẫn trễ học và đứng lấp ló ngoài cổng trường chờ sau giờ chào cờ mới dám bước vào lớp, mồ hôi rơi ướt cả chân tóc. Tôi tung tăng tiến về nơi có những người bạn thân yêu của mình. Gió thổi mơn man mang những mệt nhọc của tôi bay xa.
Lại nói thêm về cái hôm làm bài kiểm tra. Hắn có nhã ý muốn giúp tôi nhưng tôi đã không chép tàu bay của hắn. Tôi thấy hắn có vẻ buồn một chút và quê quê sao ấy nhưng sau đó lại tỏ ra vui rất nhanh. Thật khó hiểu! Hắn lại vẽ tranh và nắn nót viết vào đó: “You are a beautyful!”. Lần đó tôi được điểm trung bình cho dù thầy phê là “dùng từ tối nghĩa” nhưng tôi vẫn không buồn mà ngược lại tôi còn cảm thấy rất vui vì đây là con điểm làm bằng tất cả khả năng của tôi. Ngẩng cao đầu, tôi lại chạy vào a dua cùng lũ bạn trong lớp và chơi trò phi tàu bay giấy.
* * *
Lên lớp 11, hắn bỗng nhiên không còn là “Độc Ma Long Phụng Kiếm” nữa. Tất nhiên là cũng không gọi tôi là Tà Đạo và không vẽ những bức tranh kinh dị... Hắn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Có lẽ do áp lực học tập, bài vở nhiều lên khiến hắn không còn thời gian rảnh. Và cũng vì lớn hơn chăng? Chuyện đó không làm cho tôi buồn. Một con nhóc hồn nhiên, vô tư như tôi sao có thể buồn được chứ? Tôi không cần biết sự thay đổi đó. Có ai trả tiền cho tôi tìm hiểu nguyên nhân đâu!
Hắn vẫn cong môi cười mỗi khi gặp Tà Đạo
- Ma Giáo giáp lá cà. Thỉnh thoảng vẫn theo chân tôi cùng nhỏ bạn lén lút ra phía cổng sau của trường để ăn kem, sinh tố... và thi bốn mắt nhìn nhau xem ai lâu chớp hơn. Tôi toàn bị thua. Nhưng muốn thắng hắn thì không khó, tôi đã dùng tiểu xảo. Chỉ cần cầm bút chỉ vào một mắt là hai mắt của hắn đột nhiên chớp lại. Tôi lại tha hồ cú đầu hắn rõ đau hoặc búng tai cho đỏ ửng.
Dù tôi thua, hắn luôn rất nhẹ tay.
Thần tượng vẫn là thần tượng. Tôi vẫn lục tung cả cái thị trấn nhỏ để tìm mua những tờ báo “màn ảnh sân khấu, điện ảnh”... Tuy cũ nhưng với tôi, chúng tôi thời ấy là rất quý giá. Cắt những hình nhỏ xíu rồi mang về dán lên tay, kẹp trong sổ viết... Hắn thì vẫn là hắn, còn tôi không còn là tôi hoàn toàn nữa. Cái con bé hồn nhiên, vô tư ấy đã biết vu vơ, lãng mạn, biết chép thơ tình vào sổ hay thả hồn trên mây.
Thế rồi tôi phát hiện ra một điều thú vị. Khi học xong những cách vẽ đồ thị. Hắn và tôi tạo thành một tiệm-cận-xiên. Không biết hắn có nóng lưng không bởi thường bị hai “hạt nhãn” của tôi “sưởi ấm”? Đừng tưởng bở là tôi có ý đồ với hắn. Hãy nghe tôi trình bày đây. Thường thường khi ai đó ngồi vào bàn học thì ngồi ngay ngắn, giữ cho lưng thẳng, mắt cách vở vừa phải. Còn hắn thì khác, lưng “cong như tôm”, mắt dí sát vở. Cô giáo dạy Văn còn tưởng là hắn bị cận. Hắn gãi đầu, gãi tai và cong môi cười giải thích: “Thưa cô đó chỉ là thói quen xấu của em mà em chưa thể sửa được!”. Tôi hay để ý hắn là chỉ muốn xem hắn có đang nói thật hay không mà thôi. Hắn sao có thể sánh tầm được với thần tượng của tôi nên làm sao mà tôi thích hắn được!
* * *
- Này, viết giùm lưu bút nhé! Nhớ cho một “pô” hình nữa đấy!
Hắn không trả lời làm tôi hơi cụt hứng nhưng vẫn dịu giọng:
- Bữa nay giả điếc hả?
Bất ngờ hắn lên tiếng:
- Ấy đang nói chuyện với ai?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Từ trước đến nay chúng tôi toàn nói không không như vậy có sao đâu? Bữa nay hắn còn bày đặt! Nhưng chợt nhớ ra là mình đang nhờ vả nên đành nhã nhặn:
- Tôi nói với cậu chứ còn ai nữa! Xí! Hắn phá lên cười:
- Câu vốn có chủ ngữ, vị ngữ cơ mà!
- Nhớ viết và cho hình đấy! Mặt hắn bỗng ỉu xìu:
- Tôi không có hình đâu, tại chụp xấu quắc! Tôi nghĩ bụng “người nào của nấy mà” nhưng lại nói:
- Có sao đâu, chỉ là “ảnh ảo” thôi mà. Hắn lắc đầu:
- Không đâu. Tôi chỉ vẽ với viết thôi!
- Thôi được, vậy cậu vẽ chân dung cậu vào đấy đi!
Hắn gãi gãi tai và có vẻ gật gù. Tôi quay đi, miệng thì lẩm bẩm: “Cậu chẳng là họa sĩ T-H-Ú-I còn gì!” và vội lấy tay che miệng cười khúc khích. Thật bất ngờ khi mở cuốn lưu bút tôi thấy một tờ giấy A4 rơi ra. Là một bức tranh hắn vẽ chân dung tôi. Phải công nhận là hắn vẽ rất đẹp, rất có hồn, dễ thương hơn tôi ngoài đời nhiều.
Tôi vui lắm! Tôi cảm ơn hắn rối rít, hắn không nói gì chỉ nhìn tôi cười cười. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hắn dễ thương!
Tôi cứ băn khoăn mãi chưa biết phải tặng hắn vật gì làm kỉ niệm cho dịp cuối năm này. Chúng tôi đã học với nhau , cũng có nhiều kỉ niệm vui buồn với nhau. Không thể nói chia tay thôi là được, phải có gì đó để làm kỉ niệm, để sau này mỗi lần nhìn thấy nó còn nhớ về nhau được chứ!
“Ô rê ca!”. Tôi reo lên sung sướng. Một ý tưởng nảy sinh trong đầu tôi. Sao tôi không vẽ chân dung hắn nhỉ? Hắn vẽ tôi bằng bút chì còn tôi sẽ vẽ hắn bằng những dòng thơ siêu quậy. Hắn vốn hài hước mà!
* * *
Ngày cuối cùng của năm học, tôi lấy hết can đảm để nhờ nhỏ Ma Giáo đưa tận tay cho hắn. Không biết cảm xúc của hắn thế nào khi nhận được món quà này? Có ngủ muộn hơn mọi khi như tôi đã từng không? Có cảm thấy vui vui, lâng lâng, có thấy nhịp tim mình đập nhanh hơn không? Tôi không hề biết câu trả lời. Bài vở bộn bề cho hai kì thi cuốn lấy chúng tôi đi xa, đi xa mãi! Hơn một lần tôi tự hỏi là do tôi đã để lạc mất hắn hay hắn đã vô tình đi qua tôi? Để rồi:
Dòng đời tấp nập người qua lại
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Không ai đứng lại phía sau
Gấp thật nhiều những tàu bay giấy...!
TRẦN THỊ HOA - Minh họa: THÀNH PHÁT
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận