150 giờ tình nguyện ở điểm nóng COVID - 19

Chủ nhật, 20/06/2021 18:48 (GMT+7)

Với 16 ngày hỗ trợ, hơn 150 giờ tham gia các đội hình tình nguyện, Trần Hoàng Hạ (sinh viên năm 3, Cao đẳng Quân Y II) đã trải qua tất cả các công việc như: nhập liệu, lấy mẫu, truy vết dịch tễ, trực chốt giao thông, trực khu cách ly...

Mời bạn đọc click vào đây để nghe âm thanh cuộc trò chuyện

Kì nghỉ hè vừa bắt đầu cũng là lúc TP.HCM ghi nhận những chuỗi lây nhiễm mới của dịch bệnh COVID - 19. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, Hạ thu xếp hành lí chuẩn bị về quê với gia đình. Nhạc chuông điện thoại vang lên. Biết thông tin thành phố đang rất thiếu người tham gia phục vụ công tác hậu cần, đầu dây bên kia ba mẹ khuyên Hạ nên tạm thời ở lại thành phố để hỗ trợ giúp đỡ.

Ngay sau đó, đội hình tình nguyện do Thành Đoàn TP.HCM, Hội LHTN và Hội Sinh viên Việt Nam vận hành mang tên "Go Volunteer" xuất hiện. Chưa đầy 2 ngày đã có gần 4.000 lượt tình nguyện viên (TNV) đăng kí tham gia đội hình phòng chống dịch COVID - 19, trong đó có Hoàng Hạ.

Go Volunteer có thông báo mới " Siêu khẩn cấp, tuyển TNV hỗ trợ trực cách ly, lấy mẫu tại..., số lượng 35 bạn...". 5 phút sau khi đăng tải, số lượng TNV đã vượt hơn 100 lượt đăng kí, Hạ là những người đầu tiên được BTC chọn hỗ trợ nhiệm vụ.

Khu vực lấy mẫu của Hạ liên quan F0 và rất nhiều người nằm trong diện nghi nhiễm. Công việc vì thế mà cũng kéo dài đến trưa. Nhiệm vụ của Hạ là hướng dẫn người dân xếp hàng, ngồi theo từng dãy ghế giãn cách. Sau khi gọi tên người dân vào lấy mẫu, Hạ sẽ chạy thật nhanh vào bàn giao giấy tờ có điền đầy đủ thông tin cho cán bộ y tế. Trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ lúc này là 37 độ C. Sau 4 tiếng làm việc, các TNV hỗ trợ lấy mẫu đều bị sốc nhiệt, bên trong lớp đồ bảo hộ, nhiệt độ cơ thể đã tăng cao, mồ hôi đổ ròng ròng như tắm. Đầu Hạ bắt đầu quay cuồng vì choáng, chân cũng không còn đứng vững.

Những ngày số lượng ca nghi nhiễm tăng cao, công việc vì thế cũng sẽ vất vả hơn khi đội hỗ trợ phải chạy khắp nơi kiếm từng người nếu đã đến lượt mà người dân chưa xuất hiện.

"Bác N.V.T (53 tuổi) số nhà/hẻm/ ..." có ở đây không ạ", "Chị A ơi, chị còn ở đó không" - tiếng thông báo đều đều vang lên.

Hoàng Hạ và các đồng đội của mình bên những chiếc áo bảo hộ thực hiện nhiệm vụ.

0g ngày 31/05, TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, riêng Quận Gò Vấp và Phường Thạnh Lộc, Quận 12 thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Những ngày đó, lúc nào có lệnh tuyển TNV, đều thấy Hoàng Hạ đứng trực chốt. Hỗ trợ người dân khai báo y tế và nhiệm vụ chính của Hạ.

"Mình khai báo như vậy nè cô/ Bác ơi, Bác làm được chưa, để con hướng dẫn nhé/ À, là phải khai báo y tế mới được qua trạm, anh chị khai báo trên điện thoại giúp em nhé". Những cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong giây lát, thế nhưng Hạ phải bình tĩnh và nhẫn nại để hỗ trợ từng người. Vài ba lớp khẩu trang dày cộp thắt chặt trên mặt và lớp kính chống giọt bắn buộc Hạ phải cố gắng diễn tả bằng hành động, nói thật to hơn nữa để mọi người nghe rõ.

Các chiến sĩ Công an đang phân luồng, điều tiết giao thông nơi Hạ trực chốt.

Hôm nay, công việc có phần căng thẳng hơn, Hoàng Hạ sẽ cũng các TNV khác và nhân viên y tế tiến hành truy vết dịch tễ các ca liên quan đến F0 ở TP.Thủ Đức. Mọi người đều biết rằng, nếu không truy vết thật nhanh, thật kĩ thì tốc độ lây nhiễm sẽ tăng rất chóng mặt. Công việc là liên lạc với các F0, F1 để tìm ra F2, F3... xác định những người tiếp xúc gần để khoanh vùng khu vực và lập danh sách người dân. Mọi người bắt đầu chia nhau xấp giấy tờ khai báo, chăm chú đọc thật kĩ.

Tiếng chuông điện thoại vang lên liên tục, cuộc gọi này nối tiếp cuộc gọi khác. Người dân gọi đến để thông báo rằng mình đã tiếp xúc với F1 vào thời điểm đó, có thể mình đang là F2. Hạ ghi chép lại cẩn thận thông tin, không sót một chữ nào.

Hết ca trực, Hạ thay đồ, khử khuẩn rồi trở về phòng trọ của mình. Giấc ngủ đến với Hạ nhanh chóng sau một buổi sáng làm việc vất vả. Điện thoại vẫn để chuông lớn, Hạ để sát bên chỗ nằm, khi nào đội tình nguyện ca chiều có việc gấp, các anh chị phụ trách có gọi thì Hạ đi ngay. Cũng đã nhiều lần như thế, Hạ trực luôn 2 ca sáng chiều khi đội hình thiếu người.

Thành phố đã bước vào tuần giãn cách thứ ba. Những sợi dây phong toả, đồ bảo hộ xanh trắng, hàng ngàn người xếp hàng chờ lưu thông qua chốt phong toả... đã quá quen thuộc với Hạ. Hoàng Hạ đã có 16 ngày đồng hành cùng Go Volunteer với hơn 150 giờ tình nguyện và trải qua tất cả các công việc như: nhập liệu, lấy mẫu, truy vết dịch tễ, trực chốt giao thông, trực khu cách ly...

Hạ nhận ra rằng đằng sau sự vất vả nỗ lực ấy các bạn TNV, nhân viên y tế, người dân... đã có một sợi dây vô hình nào đó kết nối mọi người lại với nhau dù không quen biết nhau ban đầu.

Trần Hoàng Hạ đã trải qua tất cả các công việc như: nhập liệu, lấy mẫu, truy vết dịch tễ, trực chốt giao thông, trực khu cách ly...

"Trong một lần trực chốt giao thông ở Chợ Cầu (Gò Vấp), trời chuyển mưa rất lớn, tối đen cả trời. Trong chốt nhỏ, mọi người đứng nép lại, nhường chỗ cho nhau để tránh bị ướt. Lúc ấy, có 2 cô chú đã lớn tuổi cầm áo mưa đi phát cho bọn mình, mỗi người một cái. Sau đó, 2 cô chú còn tranh thủ di chuyển sang những chốt trạm khác để đưa áo mưa tiếp cho TNV mặc cho cơn mưa rất nặng hạt. Hình ảnh ấy khiến mình cảm thấy xúc động, mình cảm giác được sự yêu thương đang lan toả trong cộng đồng"

Hạ chia sẻ thêm: "Đi tình nguyện có bao giờ buồn đâu, bọn mình được mọi người quan tâm lắm. Đồ ăn nước uống rất đầy đủ, có cả tráng miệng nữa. Chưa nói đến những ngày trực cách ly, người dân thấy mình đứng ngoài nắng, có gì ngon cũng mang ra cho, cái bánh hay ly nước pha sẵn, thấy ấm lòng lắm".

Đối với Hạ, đây là kì thực tập bổ ích nhất đối với mình. Hạ được biết thêm về những kiến thức xã hội không có trên sách vở. Hạ được lắng nghe câu chuyện của các bạn TNV khác, hiểu được tâm lí và suy nghĩ của người bệnh trong khu cách li. Càng làm việc mình càng hiểu được vấn đề quan trọng nằm ở đâu và tự rút ra được những kinh nghiệm tiếp xúc với F1, F2 để bảo vệ bản thân mình an toàn hơn. Ở góc phòng của mình, Hạ cũng như các bạn TNV khác luôn xếp sẵn quần áo, vật dụng cá nhân trong chiếc vali nhỏ vì không biết khi nào mình sẽ là F mấy của một ca nhiễm nào đó. Nếu lỡ có thông báo còn đi cho kịp.

Hạ nói rằng mình sẽ tình nguyện đến khi nào thành phố hết dịch. Hạ và các đồng đội của mình sẽ cố gắng thật nhiều để xây dựng một hậu phương vững chắc hỗ trợ cho các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch.

TÂM HUỲNH

Thiết kế: KHÁNH MIN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: