2 tựa sách mới chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Thứ ba, 21/06/2022 11:49 (GMT+7)

Nhân dịp kỉ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, NXB Tổng Hợp TP.HCM ra mắt 2 tựa sách mới về chuyện hậu trường báo chí và về nghề báo, là tài liệu thú vị, bổ ích để các bạn teen có định hướng theo nghiệp báo tham khảo.

Bỏ túi bí kíp chống tin giả

Khi đọc các trang sách Fake news và chống Fake news - Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? của tác giả Đỗ Đình Tấn, bạn sẽ biết thêm nhiều cuộc chiến chống tin giả (fake news) trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, cổng thông tin điện tử hàng ngày luôn có hằng hà sa số tin thật lẫn tin giả, làm sao để người dùng mạng xử lý thông tin một cách thông minh? Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức và cách phân biệt tin giả và tin thật, đồng thời lý giải nhiều câu hỏi liên quan đến tin giả như: Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? Vì sao cái giả dễ được tin là thật? Vì sao cái giả lại gây hậu quả và tác hại thật?

Những tờ báo xưa và chuyện chưa bao giờ kể

Đằng sau mặt báo tái hiện đời sống báo chí thuở ban đầu đến 1945. Có thể hình dung, báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến 1945 là một bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Cuốn sách chỉ dám gom góp “những mảnh vụn ký ức” của người đương thời mà thành hình tác phẩm này. Tiếng là “ký ức” nhưng nó không chỉ là những ký ức, hồi tưởng từ những hồi ký, ghi chép của những người đương thời, mà có thể là cả những bài viết trên báo chí dạo ấy về những vấn đề liên quan trực tiếp tới báo chí, ký giả đương thời như về chế độ kiểm duyệt, về nhận định, đánh giá tờ báo cụ thể nào đó trên báo bạn, về ký giả nào đó trong tranh luận văn nghệ…

Nói là “những mảnh ký ức rời rạc về báo chí”, cụ thể ở đây là những nhật ký, hồi ký, là bài viết trên báo của những người đương thời, là những văn thi sĩ, nhà báo sống ở thời đó trực tiếp viết ra. Họ là những Trương Vĩnh Ký (Gia Định báo, Thông loại khóa trình), Tản Đà (Giấc mộng lớn, An Nam tạp chí), Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí), Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (Phong hóa, Ngày nay)… cùng nhiều tên tuổi khác đã hiện diện trong làng văn, làng báo dạo ấy. Thế hệ này kế tiếp thế hệ kia cùng nghiệp cầm bút, và không ít thì nhiều, đều đã ghi tên mình trên nhiều trang báo.

Nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo được đề cập trong Phần II “Chuyện sau mặt báo qua ký ức người đương thời”, tạo sự hấp dẫn, chân thực về nghề báo với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút viết báo; giá bán báo; cách thức cộng tác báo.

MINH MINH

Theo Mực Tím

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: