3 điều teen cần lưu ý nếu muốn thi vào Nhạc viện TP.HCM

Thứ tư, 21/05/2025 15:00 (GMT+7)

Khi theo học tại Nhạc viện TP.HCM, các sinh viên sẽ có những trải nghiệm đặc biệt, không giống những ngôi trường khác.

Nhạc viện  ngôi trường của âm thanh - Ảnh 1.

Hải Minh hiện đang là sinh viên Nhạc viện TP.HCM, bạn đam mê đàn tranh từ khi còn nhỏ - Ảnh: NVCC

Phải xác định đam mê từ sớm

Vì là ngôi trường chuyên đào tạo về năng khiếu, nên để trở thành học sinh, sinh viên Nhạc viện TP.HCM, các bạn cần xác định từ sớm cũng như có kế hoạch học tập, luyện thi cụ thể.

Nguyễn Hải Minh (sinh viên chuyên ngành đàn tranh, khoa Âm nhạc truyền thống) chia sẻ bạn đã học đàn tranh khoảng 7 năm trước khi đủ tuổi thi vào Nhạc viện.

Nhờ tiếp xúc âm nhạc từ nhỏ nên bạn tích lũy kha khá kiến thức về nhạc lý. Đó là khoảng thời gian đủ để bạn có thể thi đầu vào Nhạc viện.

Nhạc viện  ngôi trường của âm thanh - Ảnh 2.

Hải Minh biểu diễn nhạc cụ sáo trúc - Ảnh: NVCC

Còn Lê Nguyễn Nguyên Phương (sinh viên khoa Thanh nhạc) lại có một khởi đầu khác. Năm 2019, bạn bắt đầu các khóa học cơ bản với cô Kiều Bích Hiền, người đã hướng dẫn bạn qua trình độ sơ cấp.

Sau đó, bạn biết đến thầy Thạc sĩ - NSƯT Phạm Thế Vĩ, hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc- người đã nâng cao kỹ năng thanh nhạc của bạn cho đến bây giờ.

Dù mỗi bạn có khởi đầu khác nhau nhưng đều có chung động lực to lớn, đó là niềm đam mê âm nhạc.

Hải Minh cho biết gia đình mình có truyền thống biểu diễn và dạy học đàn tranh, đến cô bạn đã là đời thứ 3. Bà ngoài và mẹ là hai người định hướng cho Hải Minh học đàn tranh từ nhỏ.

Chinh phục thử thách tại Nhạc viện TP.HCM

Bước chân vào Nhạc viện TP.HCM, nhiều bạn “choáng ngợp” khi lần đầu cảm nhận bầu không khí được bao trùm bởi âm thanh của nhiều loại nhạc cụ như: sáo trúc, kèn trumpet, đàn violon, piano, đặc biệt là tiếng luyện giọng của các học sinh Thanh nhạc.

Khi nhiều loại nhạc cụ cùng “lên tiếng” suốt từ sáng đến chiều, mỗi nhạc cụ lại chơi một bài khác nhau thì không khí Nhạc viện chắc hẳn là “có một không hai”.

Nhưng đó chỉ là những bỡ ngỡ ban đầu. Điều khiến các học sinh Nhạc viện bất ngờ nhất chính là cách học và cường độ luyện tập.

Nguyên Phương kể: “Giảng viên đưa ra hướng dẫn để từ đó bạn luyện tập. Vì thế, tụi mình luôn phải tập luyện với cường độ rất cao để có được kỹ năng cần thiết”.

Dẫu khó khăn, nhưng mỗi khi cảm thấy mình tiến bộ, tự tin hơn lúc thi và biểu diễn, các bạn lại có thêm động lực cố gắng.

Nhạc viện không chỉ có tiêu chuẩn đầu vào gắt gao mà quá trình học và ôn thi tốt nghiệp cũng “cam go” không kém.

Ở Nhạc viện sẽ chia ra hai phần học chính: các môn kiến thức học tập trung và học chuyên môn.

Các môn kiến thức tập trung sẽ bao gồm kiến thức về âm nhạc như: Nhạc lý cơ bản, Trích giảng âm nhạc, Ký xướng âm, Hòa âm, Âm nhạc Việt Nam, Lịch sử âm nhạc thế giới,.. Ngoài ra còn có các môn học chính trị như: Pháp luật, Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị...

Với môn chuyên môn (nhạc cụ theo học), các bạn sẽ học cùng giáo viên chuyên ngành của mình. Ngoài ra, một số ngành còn yêu cầu học thêm 1 nhạc cụ khác cùng khoa. Tất cả đều yêu cầu tính chuyên cần, chăm chỉ và điểm số tốt.

Các môn học cũng được chia theo khoa. Một số môn học chỉ phù hợp với một số khoa nhất định nên thời khóa biểu của các bạn khá phức tạp, cần tập trung cao độ để xem và biết mình học môn nào.

Một năm có thể được xếp thời khóa biểu rất dày, có lúc lại rất mỏng, nên một số bạn sẽ hoãn môn để học vào học kỳ sau nhằm hạn chế vấn đề trùng giờ học.

Quan trọng nhất vẫn là đam mê

Lịch học đã rất dày đặc, các sinh viên Nhạc viện còn sắp xếp thời gian luyện tập hợp lý. Với Nguyên Phương, cô bạn cho biết thời gian lý tưởng là luyện tập ít nhất 5 tiếng/tuần ngoài giờ học với các môn chuyên môn, 1-2 tiếng cho các môn khác.

Nhạc viện  ngôi trường của âm thanh - Ảnh 3.

Nguyên Phương trình diễn trong chương trình Bài ca không quên nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh: NVCC

Còn với Hải Minh, cô bạn thường chủ động tập bài mới tại nhà để đến trường thầy cô sửa bài và lưu ý các kỹ thuật quan trọng.

Mỗi ngày, cô bạn cũng dành thêm 1-2 tiếng để tập đàn. Trong những mùa luyện thi cao điểm, một số bạn còn luyện đàn suốt 8-10 tiếng mỗi ngày.

Nhạc viện  ngôi trường của âm thanh - Ảnh 4.

Nguyên Phương tin rằng luyện tập kiên trì sẽ đạt được thành công - Ảnh: NVCC

Dù vậy, học trong Nhạc viện không chỉ có áp lực mà ai cũng có cho mình những niềm yêu thích đặc biệt.

Hải Minh tâm sự: “Có lẽ mình thích nhất là những ngày học xong hoặc những ngày không có môn học, mình cùng các bạn cùng khóa xuống căng tin chơi, trò chuyện với nhau”.

Nhưng điều đặc biệt nhất có lẽ là niềm đam mê với âm nhạc. Hải Minh kể bạn đã gặp một số bạn sinh viên của các trường khác, họ hát hay, giọng hát cũng đẹp, nội lực, và một số bạn chơi đàn cũng đỉnh.

"Nhưng nếu hỏi các bạn có muốn theo đuổi con đường ca hát, diễn đàn chuyên nghiệp thì đa số đều là không. Các bạn chọn nghệ thuật là một phần giải trí, hoặc nghề tay trái của mình.

Sinh viên Nhạc viện thì muốn âm nhạc là con đường chính mà chúng mình sẽ đi, vì thế chúng mình mới quyết định đeo đuổi đam mê để thi vào và vẫn học Nhạc viện cho tới bây giờ”.

Ngoài thời gian học, các bạn cũng tranh thủ nâng cao kỹ năng trình diễn bằng các đi diễn, đi dạy và tham gia các hoạt động liên quan.

Hải Minh hiện đang là nghệ sĩ của chương trình Chào show - một chương trình âm nhạc truyền thống mới khai trương đầu tháng 3. Show diễn ra hàng tuần từ thứ 3 đến chủ nhật tại số 6 Nguyễn Siêu, quận 1.

Tại đây cô bạn cùng các anh chị, cô chú diễn 12 tác phẩm trong tổ khúc Giang sơn cẩm tú của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Còn Nguyên Phương thì đang dạy hát và nhảy cho các bạn nhỏ. Thỉnh thoảng, cô bạn nhận được show từ những người quen hay tham gia các hoạt động trong trường.

Với niềm đam mê âm nhạc và ý chí mạnh mẽ, cả hai bạn cũng như nhiều học sinh, sinh viên Nhạc viện khác vẫn từng ngày chinh phục đam mê và ước mơ của mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: