Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
64 tuổi, chỉ có một người con ruột nhưng bà Lạc tự hào khoe có cả trăm, cả ngàn người con. Các con bà đều trẻ trung và đang làm đủ nghề. Nhiều người đã kết hôn, sinh con đẻ cái. Nhiều bạn còn đang là sinh viên, có cả người nước ngoài.
Và dĩ nhiên số con ấy chưa dừng lại ở đó, bởi tất cả là một chuỗi hành trình nghĩa tình vẫn đang tiếp diễn.
"Má Lạc" - cái tên mà bao thế hệ sinh viên TP.HCM, thậm chí cả sinh viên Malaysia, Thái Lan, Lào hay Campuchia, thân thương gọi về bà Trần Thị Hồng Lạc (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM).
"Má về, má về ..." - tiếng gọi trìu mến của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở II TP.HCM rộn lên khi ánh đèn xe của bà Lạc rọi tới cổng. Bà trở về nhà sau ngày dài làm bếp trưởng tại Trường tiểu học Dương Văn Lịch (huyện Nhà Bè).
Vừa gạt chân chống, bà đã ôm một đống rau muống, cải thảo từ xe máy xuống. "Má cứ để con", một cậu sinh viên nhanh nhẹn chạy ra đỡ lấy.
Nghe thế, bà cũng đùa trả lời: "Tao U70 rồi nhưng dư sức làm ba việc này. Tụi bây đi làm cả ngày về mệt rồi, nghỉ đi". Gọi má xưng con, thế nhưng họ chỉ vừa quen biết nhau từ đầu tháng 7 này.
Luôn miệng nói mình khỏe để tranh việc với các con, nhưng khi được hỏi đã nuôi quân Mùa hè xanh từ khi nào thì bà Lạc chỉ cười, "già rồi, đầu óc lú lẫn chẳng thể nhớ nổi". Bà chỉ nhớ gần 30 năm trước, từ những mùa đầu Mùa hè xanh về Nhà Bè thì bà đã nuôi nhận sinh viên.
Thời điểm đó, gia đình bà còn ở căn nhà nền đất vách lá trên đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè), đối diện căn nhà hiện tại. Để "thêm mắm thêm muối" cho bữa ăn các con là sinh viên, bà Lạc lặn lội tìm đến các chùa, doanh nghiệp mà bà quen để xin thêm nắm rau, con cá mang về.
"Thời đó nghèo lắm, cơm ăn chẳng no, nhưng ông bí thư xã ngỏ lời muốn gửi nhờ nhóm sinh viên là tui chẳng nghĩ nhiều mà ok luôn. Thiếu đồ ăn thì tui đi tới mấy chỗ quen, kể tụi nhỏ sinh viên ăn uống thiếu thốn, họ cũng cho ngay", bà Lạc cười nhớ lại.
Bà tâm niệm, bản thân đã "bén duyên" với sinh viên tình nguyện trong nghèo khó thì nay không lý do gì để từ chối. Cứ thế, hễ sinh viên Mùa hè xanh về huyện Nhà Bè, "xã cứ alô là tôi sẵn sàng".
Năm nay, bà nhận nuôi 21 bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở II TP.HCM. Hè những năm trước, nhà bà đông rợp người, có năm lên tới 45 - 50 bạn. Nhận nuôi riết thành quen, thành thử bà cũng chẳng cần biết nhóm tiếp theo về ở nhà mình là người nước nào. Từ đó mà trong "ngàn đứa con" của bà có rất nhiều bạn là người Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia...
Với bà Lạc, để kể kỷ niệm với sinh viên Mùa hè xanh thì "một tuần cũng chưa xong". Nhưng có hai kỷ niệm khiến bà nhớ nhất, đó là nhiều năm trước, bà đón một đoàn sinh viên Malaysia, Thái Lan về ở cùng.
Lo sinh viên nước ngoài sang Việt Nam sẽ buồn, bà bày đủ cách làm thân. Cả căn nhà rộng gần 100m2 được bà giao chìa khóa luôn cho nhóm, duy nhất chỉ yêu cầu một điều: "Sinh viên nữ không được ngủ ở phòng thờ".
Yêu cầu tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu đối với nhóm sinh viên Malaysia nhưng lại khiến nhóm nữ sinh Thái Lan tỏ ra không vui.
Bà kể, năm đó nhóm các bạn nữ sinh viên Thái Lan không đồng tình phải lui về phía sau nhà khi ngủ. Họ kể văn hóa ở Thái, mong nhận được sự đồng cảm của chủ nhà.
Đổi lại, bà Lạc chủ động tâm sự để mọi người hiểu về lý do, ý nghĩa của việc làm đó. Bà phân trần đó vẫn là phong tục tập quán bao đời của mình.
Bản thân bà sẵn sàng nhường cả miếng ăn của mình cho các bạn, nên việc tôn trọng phong tục gia đình cũng nên theo lẽ phải. Giải pháp cuối cùng: nhóm sinh viên nữ Thái Lan chọn ngủ ở dãy hành lang dẫn lên nhà trên, cũng không phải quá sau và xem như vẹn đôi đường.
Rồi có năm cán bộ huyện về nhờ bà Lạc tập gói bánh tét cho đoàn sinh viên Malaysia. Dù sống đời với nghề nấu nướng nhưng gói bánh tét thì bà chưa từng kinh qua.
"Tui cũng liền ok. Lúc đó vội lắm rồi, chạy sang nhờ tụi sinh viên Việt mình mở mạng lên xem người ta gói sao, tui về làm lại y chang, thế mà có cậu sinh viên Malaysia khóc lu loa xúc động vì được dạy gói bánh", bà Lạc cười kể.
Mọi nẻo đường ở huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) vào mùa hè tháng 7 này đâu đâu cũng hiện diện các sinh viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện. Từ làm đường, xây nhà tình thương, chỉnh trang nghĩa trang cho tới hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản VNeID, định danh điện tử mức 2...
Nay là năm đầu tiên gia đình ông Nguyễn Thành Công (huyện Mỏ Cày Nam) đón sinh viên tình nguyện về "ăn cùng, ở cùng, làm cùng" với lý do ông tâm đắc chiến dịch Mùa hè xanh.
Đêm trước khi đón sinh viên về ở, ông Công đã thức trắng đêm. Theo dự kiến, gia đình nhận nuôi nhóm 20 sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) về ở trong một tháng.
Ông lo nhà chật, chỉ có một phòng tắm, thiếu trước thiếu sau khiến các con là sinh viên sẽ không thoải mái. Nhiều hàng xóm khi nghe nhà ông nhận nuôi quân cũng phấp phỏng chờ.
Thay vì hái mớ mướp hương đã tới vụ mang ra chợ bán thì họ chở luôn tới nhà ông "góp chút cho mấy cháu nấu canh". Thấy các sinh viên đi bộ vất vả nên nhiều gia đình tự sơn sửa lại cả chục chiếc xe đạp để cho đoàn mượn "tới lúc về hẵng trả".
Với ông Công, việc nhận nuôi sinh viên tình nguyện là cách đơn giản nhất để gia đình, bà con làng xã đồng hành cùng chiến dịch Mùa hè xanh. Ông tâm sự ở quê thiếu thốn đủ đường nên mỗi khi thấy các bạn trẻ về là cả làng lại "vui như Tết". Đâu đâu cũng thay đổi, ai nấy cũng phấn khởi lộ rõ ra mặt.
"Không phải chỉ các bạn ở trong nhà tui thì mới thương đâu à nha! Thương tất, xem như con ruột thịt của mình. Dân ở đây cũng vậy, phấn khởi lắm", ông Công cười.
Mùa hè của cô bé Nguyễn Yến Vy (7 tuổi, con ông Công) năm nay cũng thật đặc biệt. Trong số các anh sinh viên tình nguyện ở lại nhà mình năm nay, Vy thân nhất với Trần Lê Trọng Văn (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM). Hằng ngày sau giờ làm, Văn thường xuyên dạy Vy học tiếng Anh.
Khi nghe rằng kết thúc chiến dịch các anh chị sinh viên sẽ về TP, Vy khóc òa. Cô bé xin cha mẹ nhận nuôi các anh, sẵn sàng "nghỉ ăn kẹo", kể cả phải nghỉ học thêm, để tiết kiệm tiền mua gạo. Có đêm cô bé đòi xếp quần áo bỏ sẵn ở ba lô để cùng lên TP với các anh.
Đều đã ngoài 80 tuổi, thế nhưng hễ năm nào có sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh về thì ông Nguyễn Thanh Minh, bà Phạm Thị Khâu (ngụ huyện Mỏ Cày Nam) vẫn xung phong nhận nuôi quân. Ông Minh kể vanh vách: "Tui nhận nuôi ba đợt, năm 2008 có 20 đứa, năm 2016 thì nhiều hơn, 21 bạn, năm nay 2023 là 20 bạn".
Để sinh viên tình nguyện được thoải mái, ông bà giao luôn một số phòng trong nhà cho nhóm tự quản lý. Sinh viên tự quyền phân chia chỗ ăn ngủ, công việc, tự đi chợ, nấu ăn, giờ giấc. Những hôm khỏe người, bà Khâu trực tiếp ra vườn hái rau rửa sạch để sẵn cho các bạn.
Có lần nhóm sinh viên cười đùa trong đêm muộn làm vợ chồng ông Minh khó ngủ, nhưng bà dặn ông "đừng rầy la tụi trẻ". Sớm mai, bà tìm gặp trưởng nhóm, thủ thỉ khéo về chuyện giờ giấc, không quên nói đùa "xưa tao trẻ phá còn hơn tụi mày".
--------------
Từ năm 2001, phong trào thanh niên tình nguyện TP.HCM tiếp nhận thêm thanh niên các nước Mỹ, Malaysia... cùng tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam.
Kỳ tới: Đi tình nguyện để thêm thương mến Việt Nam
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận