Ấm lòng dự án vẽ tranh minh họa Sài Gòn để gây quỹ cho bữa ăn của người lao động nghèo

Thứ năm, 22/07/2021 09:33 (GMT+7)

Anh Nguyễn Tăng Quang (cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM) cùng một số người bạn thực hiện dự án vẽ tranh minh họa Sài Gòn những ngày giãn cách nhằm góp quỹ để mang lại bữa ăn cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. HCM là một trong số đó.

Thời gian qua, khi nhìn thấy rất nhiều hình ảnh mà các anh chị làm từ thiện chia sẻ về những người dân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Quang đã quyết định sẽ thực hiện một bộ tranh khắc hoạ cuộc sống thường ngày của các cô chú lao động - những người âm thầm tạo nên một thành phố đáng yêu và đáng sống nhưng lại phải dừng công việc mưu sinh do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

“Khi những biến động xã hội, những khó khăn do đại dịch tiếp tục kéo dài, mình sợ rằng một số hình ảnh của các cô chú lao động sẽ dần biến mất. Chính vì thế, thông qua bộ tranh này, mình muốn truyền tải và lưu giữ nét đẹp mộc mạc, sờn cũ nhưng rất thơ của những người lao động trên thành phố. Đồng thời, ở một khía cạnh sâu hơn, bộ tranh còn là lời cảm ơn đến các y bác sĩ, chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo vệ thành phố, và công việc mưu sinh của rất nhiều thế hệ. Một phần nào đó, các anh chị đang bảo vệ bản sắc văn hoá cho Sài Gòn, cho những người dân thành phố sớm trở lại nếp sống thân quen.”, Quang chia sẻ.

Bộ tranh ký họa về những người lao động mưu sinh trên mảnh đất Sài Gòn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Dự án ban đầu chỉ mình Quang thực hiện, tuy nhiên khi thấy số lượng hình ảnh tư liệu rất nhiều, một mình khó có thể vẽ hết nên anh đã quyết định chia sẻ một bài post trên mạng xã hội để tìm thêm đồng đội cho mình. Nhờ đó, rất nhiều bạn trẻ mê vẽ và yêu quý Sài Gòn đã ngỏ lời xin tham gia vào dự án. “Có những em bé 10 tuổi, có bạn sinh viên năm nhất, có bạn là du học sinh (từ Tây Ban Nha và Úc), và cả cô ngoài 60 tuổi cũng góp sức. Tất cả đều chúng mình không phải là hoạ sĩ, ban ngày làm việc, tối vẽ tranh. Tuy lần đầu làm việc chung, nhưng mọi việc cũng diễn ra khá suôn sẻ, vì mọi người đều dành cho Sài Gòn những tình cảm đặc biệt”, anh nói.

Những nhân vật gần gũi,thân quen với những người dân Sài thành.

Tuy nhiên, bởi vì không phải là người Sài Gòn chính gốc nên khi viết nội dung cho từng bức tranh của dự án, Quang đã gặp phải một số khó khăn. Anh bộc bạch: “Vì không phải người Sài Gòn nên mình gặp nhiều khó khăn khi viết nội dung và tìm một mạch liên kết hết toàn bộ câu chuyện với nhau. Lúc viết, mình phải vừa viết vừa tra từ điển phương ngữ người Sài Gòn để có được sự gần gũi, chân thật. Các bạn ở miền Tây còn góp ý cho mình để câu văn nghe ra chất Nam Bộ. Nên đằng sau bộ tranh, tụi mình cũng có nhiều kỷ niệm vui cùng nhau, và nhờ vẽ tranh mà tụi mình đã giảm bớt sự lo lắng, suy nghĩ trong mùa dịch.”

Sau hơn một tháng thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 50 bức ký hoạ (size A4 hoặc A5) về cuộc sống của người lao động Sài Gòn khi giãn cách. Khi vẽ bộ tranh, anh luôn để các thành viên trong nhóm tự do lựa chọn đề tài, để có cảm xúc và vẽ tự nhiên nhất có thể. Sau đó anh sẽ là người tập hợp các tranh lại, rồi làm lay-out dựa trên những câu chuyện có sự tương đồng. Quang cho biết để các bức tranh có sự thống nhất trong nét vẽ và màu sắc, Quang và các thành viên đã thường xuyên trao đổi kỹ càng, đôi khi sẵn sàng vẽ lại từ đầu nếu tranh bị rời rạc so với các bạn khác.

Tình yêu Sài Gòn được các bạn thành viên dự án gửi gắm trong từng nét vẽ

Ban đầu, dự án chỉ dừng lại ở việc chia sẻ những câu chuyện về người Sài Gòn giãn cách thông qua những hình ảnh. Nhưng sau khi Quang đăng một vài hình vẽ, nhiều anh chị, bạn bè đã đề nghị phát triển dự án để có thể mang đến nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Từ đó một group các anh chị làm về truyền thông và marketing cùng tham gia với anh để kết nối dự án với các tổ chức cộng đồng. Từ sự hỗ trợ của các anh chị, bộ tranh được đến với Foodbank và Quỹ Hy Vọng. “Lúc đầu, tụi mình cũng khá lo lắng vì không biết những bức tranh nghiệp dư của tụi mình có phù hợp để đi cùng những chương trình khác hay không. Sau đó, mọi người thấy rằng một bộ tranh vẽ về những cuộc đời lao động hè phố Sài Gòn nếu có thể giúp đỡ được từng bữa ăn cho các cô chú gặp khó khăn thì thật phù hợp và ý nghĩa nên đã quyết định sử dụng tranh của tụi mình.”, anh Quang tâm sự.

Nguyễn Tăng Quang - người phụ trách chính dự án. Đợt dịch năm 2020, anh cũng từng ra cuốn sách tranh ký họa về cuộc sống, sinh hoạt tại khu cách ly ở Sài Gòn.

Thông qua bộ tranh, nhiều mạnh thường quân và tổ chức đã biết hơn về công việc của Foodbank và đã ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần cho “Bếp Yêu Thương” - chương trình cung cấp những suất ăn miễn phí cho người dân lao động bị mất việc, các mái ấm, nhà mở bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Sài Gòn mà tổ chức này đang thực hiện. Sau đó, những bức tranh của dự án sẽ được dành tặng cho các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho các đợt gây quỹ. Một vài đơn vị cũng xin phép Quang sử dụng tranh để in ấn và làm các tác phẩm, lợi nhuận sẽ được chuyển về cho Foodbank giúp mang đến nhiều bữa cơm hơn nữa cho người nghèo.

Ngoài ra Quang cũng chia sẻ trong quá trình thực hiện dự án, một bạn trong nhóm là thành viên của DRD – tổ chức hỗ trợ năng lực của người khuyết tật cũng đã sử dụng một số bức để bán gây quỹ cho cho tổ chức này.

KIM HỒNG

Nguồn ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: