Anh “bác sĩ” của những chiếc máy bay

avatar DUY LÊ

Thứ ba, 17/01/2023 20:43 (GMT+7)

Đã từng được trải nghiệm hơn 13 loại máy bay khác nhau từ trực thăng cho đến thuỷ phi cơ… anh Nguyễn Hà Minh Hoàng (TP.HCM) sẽ bật mí cho teen chúng mình biết những “màu sắc” 4.0 đang lan toả và thay đổi ngành hàng không như thế nào.

Máy bay “bệnh” đã có bác sĩ lo

Thợ sửa xe, sửa điện thoại, sửa các thiết bị điện tử trong nhà… dường như đã quá quen thuộc, nhưng có bao giơ teen chúng mình biết đến thợ sửa máy bay? Đó cũng chính là công việc của anh Minh Hoàng.

Anh Minh Hoàng cho biết: “Với chứng chỉ hiện tại, công việc của anh sẽ kiểm tra các chuyến bay, bảo dưỡng khi bị hỏng hóc như thay lốp, thay phanh máy bay và tránh để máy bay delay lâu. Đôi lúc sẽ cùng kĩ sư cấp cao đi “cứu” máy bay ở xa đang bị trục trặc”.

Anh Minh Hoàng.

Gắn bó với công việc hơn sáu năm, anh Minh Hoàng đã trải qua nhiều kỉ niệm không thể quên. “Lần đó từ năm giờ sáng anh đã vào ca làm, lúc này một máy bay bị sự cố kĩ thuật nên mình phải bắt tay vào công việc ngay. Mọi người làm việc ngoài sân đỗ từ năm giờ sáng và đến khi chiếc máy bay “khoẻ” trở lại có thể cất cánh là ba giờ chiều để kịp tiến độ. Nghe qua công việc có vẻ căng thẳng nhưng đây là chuyện bình thường đối với một kĩ sư hàng không. Những lúc xảy ra sự cố mình buộc phải dành 100% năng suất cho công việc để thời gian delay ngắn nhất”.

Công việc này dạy cho anh Hoàng đức tính trung thực, có lỗi phải nhận không biết phải hỏi. “Khi mình làm việc không trung thực, máy bay cất cánh gặp sự cố vì một lỗi sửa chữa sai nào đó sẽ rất nghiêm trọng”, anh Hoàng chia sẻ.

4.0 của ngành hàng không

Cũng như nhiều ngành nghề khác, ngành hàng không cũng đang dần áp dụng nhiều công nghệ 4.0 hiện đại để vận hành các chuyến bay và cả phục vụ hành khách:

  • Đối với kĩ sư hàng không: Thời kì đầu tài liệu về máy bay rất thô sơ và hạn chế. Anh Hoàng nhớ lại: “Theo thầy anh kể sửa máy bay phải tra cứu tài liệu giấy rất vất vả, sau đó mới có tài liệu offline trên máy tính, khi cần phải mở máy tính ra xem”. Đến nay các hãng sản xuất máy bay đều có hệ thống dữ liệu online và họ sẽ cung cấp tài khoản cho mình, chỉ cần đăng nhập trên điện thoại là có thể tra cứu cách tháo lắp khối máy, truy tìm hỏng hóc để phục vụ sửa chữa.

  • Đối với Phi công: Teen chúng mình có biết mỗi chiếc máy bay điều có một cuốn sổ mang tên Technical log book – sổ nhật kí kĩ thuật dùng để cập nhật liên tục tình hình “sức khỏe” của máy bay. Khi hoạt động, nếu phát sinh hỏng hóc Phi công sẽ ghi nhận vào sổ này để bộ phận kĩ thuật kiểm tra, sửa chữa cuối mỗi chuyến bay. Từ trước đến nay quyển sổ này đều bằng giấy. Hiện nay nhiều hãng hàng không nước ngoài đã chuyển Technical log book thành E-Techlog và đây chính là điểm đến tương lai của ngành hàng không. Với E-Techlog, mọi công việc bảo dưỡng cũng như tình trạng máy bay sẽ được Phi công và kĩ sư cập nhật trực tiếp trên phần mềm. Ở Việt Nam cũng đang áp dụng hệ thống truyền tin trực tiếp ACARS. Hệ thống này cho phép tổ lái gửi thông tin tình trạng máy bay về trạm mặt đất trong khi bay. Nếu có vấn đề, đội ngũ kĩ thuật ở mặt đất sẽ có thời gian xem tài liệu và chuẩn bị vật tư, máy bay đáp xuống là sửa chữa ngay.
  • Đối với hành khách: Cũng có thể cài đặc phần mềm Flightradar24 trên điện thoại để theo dõi máy bay theo thời gian thật. Chỉ cần nhập số hiệu chuyến bay vào phần mềm khách hàng có thể theo dõi hành trình của chuyến bay để sắp xếp ra sân bay đón người nhà, không bị động thời gian.

Trải nghiệm từ những chuyến bay

Bên cạnh công việc chuyên môn, anh Hoàng nhận thấy Việt Nam còn có rất nhiều dịch vụ liên quan đến máy bay hiện đại. Những trải nghiệm mà anh “bác sĩ” máy bay Minh Hoàng không thể quên như: Đi thuỷ phi cơ ở Quảng Ninh bay một vòng ngắm Vinh Hạ Long trên cao, bay ngắm cảnh bằng trực thăng ở Đà Nẵng, đi Vũng Tàu - Côn Đảo bằng trực thăng Mi172, đến Ấn Độ trải nghiệm dòng máy bay DHC8, bay cùng Airbus A350 và Boeing 787 - hai loại máy bay chở khách thân rộng hiện đại nhất thế giới hiện nay…

Anh Minh Hoàng đã trải nghiệm nhiều loại máy bay khác nhau.

“Sau khi có cơ hội trải nghiệm khoảng 13 loại máy bay khác nhau, anh nhớ nhất là lần mình được đi Thuỷ Phi cơ Cessna Caravan C208B-EX tại Hạ Long vì cất - hạ cánh ngay trên mặt nước, bay ở độ cao khoảng 300 mét vừa bay vừa được lướt Facebook, TikTok. Trước đó anh đã có tám buổi học nhảy dù từ trực thăng một mình ở độ cao 1.200 mét”, anh Hoàng chia sẻ.

Trong dịp trải nghiệm bay trực thăng Bell 505 ở Đà Nẵng, anh còn được ngồi cạnh phi công, ngắm cảnh với cự li khá thấp. Và trong tương lai, anh Minh Hoàng dự định sẽ tìm cơ hội trải nghiệm thêm các dịch vụ hàng không ở nước ngoài.

Khi “thợ sửa máy bay” làm TikTok

Sau thời gian dành cho công việc, anh Minh Hoàng còn là TikToker nổi tiếng với trang cá nhân hơn 16M lượt yêu thích. Các nội dung triệu view được anh xây dựng vẫn là chủ đề về hàng không và du lịch.

“Anh muốn chia sẻ kiến thức kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này. Nhiều người rất tò mò về ngành hàng không, cho rằng có gì đó bí ẩn. Khi làm TikTok nhiều bạn hỏi các vấn đề rất hay, mình phải tra cứu lại tài liệu để trả lời như: Tại sao hành lí xách tay một số hãng quy định là bảy kí mà không phải con số khác? Nhờ vậy mình có thêm kiến thức cho bản thân”, anh Hoàng chia sẻ.

Teen chúng mình có thể theo dõi hành trình của anh Minh Hoàng tại kênh TikTok: Thỏ Hoàng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: