Bài nghị luận xã hội cảm xúc của nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh

Thứ tư, 09/10/2024 15:28 (GMT+7)

Mực Tím giới thiệu đến bạn một bài văn nghị luận xã hội chứa đầy sự thổn thức về các tác phẩm văn học nổi tiếng.

Bài nghị luận xã hội cảm xúc của nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh- Ảnh 1.

Bạn Nguyễn Lê Thảo Anh (lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) - Ảnh: NVCC

Dưới đây là bài nghị luận xã hội của bạn Nguyễn Lê Thảo Anh (lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai)

Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm, từ những trang văn cuốn hút trong Nếu biết trăm năm là hữu hạn đến những giọt nước mắt lắng đọng trên trang giấy khi cảm nhận Một lít nước mắt. Mỗi một tác phẩm đều mang đến cho tôi những cảm xúc khác nhau, ấy vậy nhưng tác phẩm Tiếng thở dài qua rừng kim tước luôn mà một điều rất đặc biệt. Nó mang đến cho tôi những cảm xúc rất riêng, vừa đau đớn, vừa tuyệt vọng.

Bài nghị luận xã hội cảm xúc của nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh- Ảnh 2.

Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành - Ảnh: NVCC

Tiếng thở dài qua rừng kim tước là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, lấy bối cảnh ở đất nước Ấn Độ khi món hồi môn chính là thứ bóp nghẹt sự sống của những người phụ nữ.

Câu chuyện theo chân Nilam, từ một cô gái xinh đẹp làm bao chàng trai say như điếu đổ đến một người phụ nữ vì sinh con gái nên bị nhà chồng thiêu sống. Bởi vì thứ hồi môn ấy quá to lớn, nó đủ sức làm kiệt quệ gia sản của một gia đình.

Thế nên, Nilam đã tự tay chôn chính đứa con gái của mình và “giúp đỡ” những hộ gia đình khác theo cách tương tự. Mỗi một sinh mạng ra đi, Nilam đã ươm trên mồ những đứa trẻ một hạt kim tước.

Thấm thoát cả một quả đồi phủ đầy kim tước, mỗi cây là một trinh nữ được đưa về trời từ lúc lọt lòng mẹ. Ôi thật xót xa làm sao! Phải chăng xã hội đã quá thờ ơ trước mỗi số phận của con người? Những đứa trẻ tội nghiệp ấy còn chưa thực sự được sống, còn chưa được nằm trong vòng tay ấm áp của người mẹ, còn chưa được thấy cảnh vật bên ngoài xinh đẹp ra sao thì đã phải chết vì món nợ hồi môn.

Tôi chợt nhớ đến chi tiết một người mẹ có con nhỏ phải tự tay dìm chết con mình trong đầm lầy để tiếng khóc của bé không làm lộ vị trí tiểu đội trong tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svetlana Alexievich.

Thiên chức của người phụ nữ là đưa những sinh linh nhỏ bé đến cuộc sống này, nhưng cũng chính họ là người tự tay bóp nghẹt sự sống của những sinh linh ấy. Liệu đây có phải một chi tiết vô lý? Không, đấy chính là hiện thực vẫn đang diễn ra, một hiện thực quá phũ phàng, quá đau đớn đã làm cho những người phụ nữ đáng thương giết chết những đứa con của mình.

Đó là một thực tế đau đớn đến mức phi lí. Làm gì có người mẹ nào không thương con? Bởi vì một chữ “thương” cao cả mà họ buộc phải làm như thế, họ hiểu rằng khi những đứa bé lớn lên thì nó cũng phải trải qua một cuộc đời đau khổ như chính cuộc đời của họ mà thôi.

Màu sắc siêu thực đã làm trái tim tôi như bị bóp nghẹt, tôi thấy thật bất lực, bất lực vì số phận đáng thương của những người phụ nữ khi sống trong một xã hội không có tiếng nói, bất lực vì những đứa trẻ vô tội chết đi vì sự xấu xa của thế giới ngoài kia.

Và cuối cùng, một cơn bão đã cuốn bay tất cả khu rừng kim tước, mang đi những linh hồn đáng thương về phương xa. Tác phẩm như một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta phải đấu tranh cho sự bình đẳng, đấu tranh xóa bỏ những phong tục cổ hủ để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Là người hướng dẫn trực tiếp bạn Thảo Anh, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân TP.HCM) nhận xét: “Tác phẩm em lựa chọn và đoạn văn em viết rất “chạm” vào cảm xúc của thầy. Thầy khá bất ngờ về một cô bé lớp 10 nhưng lại đọc và cảm hiểu sâu sắc về tác phẩm khó của nhà văn Hồ Anh Thái. Thầy nhìn thấy một tâm hồn đa cảm cùng đam mê văn chương trong mỗi câu em viết. Và thầy chờ đợi một quả ngọt sẽ chín ở các kỳ thi sắp tới”.

Bài nghị luận xã hội cảm xúc của nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh- Ảnh 4.

Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân TP.HCM- Ảnh: NVCC

Gợi ý sách: Hiểu và thêm yêu Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ qua trang hồi ký

Để giúp bạn đọc hiểu nhiều hơn, rõ nét hơn về tác phẩm cũng như về con người thường nhật của các tác giả mà mình mến mộ, tác giả Lưu Tuấn Anh (con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh) đã khai bút những dòng hồi ký về người thân yêu của mình vào mùa thu năm 2004. Nhưng phải đến chín năm sau, bản thảo mới hoàn thiện rồi dần trở thành Những ô cửa gió lộng các bạn đang cầm trên tay.

Bài nghị luận xã hội cảm xúc của nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh- Ảnh 5.

Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành - Ảnh: NXB KIM ĐỒNG

Trong thiên hồi ức này, ở vị trí gần gũi nhất, bạn đọc sẽ thấy một Xuân Quỳnh, một Lưu Quang Vũ, một bé Mí, một nghệ sĩ Lưu Tuấn, một Lưu Minh Vũ rất thân thiết với tình thương yêu tinh tế và lẽ sống giản dị.

Cuốn sách không nhiều trang nhưng mỗi dòng chữ chứa đựng cả ân tình với những hình ảnh lần đầu tiên được công bố.

Hy vọng Những ô cửa gió lộng sẽ giúp bạn hiểu hơn và tiếp tục khám phá thêm những giá trị tiềm ẩn mà Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm trong các tác phẩm cũng như cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa của mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: