Bạn có biết tháng 3 còn một hiện tượng thiên văn đáng chú ý?

Thứ hai, 17/03/2025 12:24 (GMT+7)

Sau cuộc diễu hành của các hành tinh, mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần, vẫn còn một hiện tượng thiên văn đáng chú ý xuất hiện cuối tháng 3.

Bạn có biết tháng 3 còn một hiện tượng thiên văn đáng chú ý?- Ảnh 1.

Hiện tượng nhật thực một phần sẽ diễn ra vào ngày 29-3 - Ảnh: REUTERS

Hiện tượng thiên văn đáng chú ý xuất hiện cuối tháng 3 là nhật thực một phần, diễn ra vào khoảng 15h50 phút chiều 29-3 (theo giờ Việt Nam), đạt cực đại lúc 17h47 và kết thúc lúc 19h43. Lần này, khi nhìn từ Trái đất, Mặt trăng giống như một bóng đen cực lớn, "ăn" gần trọn Mặt trời.

Châu Âu, Bắc Á, Bắc và Tây Phi, phần lớn Bắc Mỹ, phía Bắc Nam Mỹ, Đại Tây Dương, Bắc Cực sẽ nhìn thấy nhật thực một phần. Việt Nam không thuộc vùng quan sát.

Năm 2025 còn một lần nhật thực một phần nữa diễn ra vào ngày 21-9.

Nhật thực là gì?

Hiện tượng nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất. Khi quan sát từ Trái đất, chúng ta sẽ thấy Mặt trăng che khuất một phần hay hoàn toàn Mặt trời.

Bạn có biết tháng 3 còn một hiện tượng thiên văn đáng chú ý?- Ảnh 3.

Điểm cực đại của nhật thực có thể là một phần, hình khuyên hoặc toàn phần - Ảnh: TIME AND DATE

Thông thường có 4 kiểu nhật thực, được xác định nhờ các vùng bóng tối của Mặt trăng khi nhìn từ Trái đất.

- Nhật thực toàn phần: Xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất, che khuất hoàn toàn bề mặt Mặt trời. Bầu trời sẽ tối dần, như thể trời đang bình minh hay hoàng hôn.

- Nhật thực một phần: Xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất nhưng chúng không thẳng hàng một cách hoàn hảo. Chỉ một phần của Mặt trời bị che phủ, khiến nó có hình lưỡi liềm.

Bạn có biết tháng 3 còn một hiện tượng thiên văn đáng chú ý?- Ảnh 4.

Nhật thực một phần khi quan sát từ Trái đất - Ảnh: TIME AND DATE

- Nhật thực hình khuyên: Xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Mặt trời và Trái đất nhưng nó nằm ở điểm xa Trái đất nhất. Vì thế nên nó có vẻ nhỏ hơn Mặt trời và không che phủ hoàn toàn Mặt trời. Kết quả là Mặt trăng xuất hiện dưới dạng một đĩa tối nằm trên một đĩa sáng lớn hơn.

- Nhật thực lai: Vì bề mặt Trái đất cong nên đôi khi nhật thực có thể chuyển đổi giữa hình khuyên và toàn phần khi bóng của Mặt trăng di chuyển trên toàn cầu. Hiện tượng này được gọi là nhật thực lai.

Bạn có biết?

- Nhật thực và nguyệt thực thường xảy ra theo cặp: Khi có một lần nhật thực diễn ra thì có một nguyệt thực khác diễn ra trước hoặc sau đó 2 tuần, và ngược lại.

- Không được quan sát nhật thực bằng mắt thường. Việc nhìn trực tiếp vào Mặt trời, dù có nhật thực hay không, mà không có kính bảo vệ sẽ khiến mắt bị tổn thương, thậm chí mù lòa.

Thời điểm duy nhất có thể an toàn ngắm nhật thực mà không cần kính chuyên dụng bảo vệ mắt chính là khoảnh khắc Mặt trăng che khuất hoàn toàn ánh sáng Mặt trời (nhật thực toàn phần).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: