Bắt nạt trên không gian mạng: bạo lực ảo – hậu quả thật

Thứ năm, 11/04/2024 21:00 (GMT+7)

Bạn có thể đang là nạn nhân của nạn bắt nạt trên không gian mạng? Bạn có sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình không?

Bắt nạt trên không gian mạng: bạo lực ảo – hậu quả thật- Ảnh 1.

Ngày nào đi học cũng bị các bạn chụp ảnh "dìm" rồi chia sẻ vào nhóm làm trò cười, bạn nữ này cảm thấy áp lực với việc đi học - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Đó là lời tâm sự của một tài khoản ẩn danh đăng trên một nhóm kín trên Facbook có tên Nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Bạn học sinh trong câu chuyện cho biết mỗi ngày đi học, bạn đều bị bạn bè chụp rất nhiều ảnh "dìm" rồi gửi vào nhóm chat để mua vui. Khi bạn bày tỏ thái độ khó chịu, họ đều cho rằng bạn đang "làm quá" lên. Lâu dần, bạn cảm thấp áp lực với việc đi học. 

Bạn N.T.D (sinh năm 2007, học sinh lớp 11) kể, lần đó, D tham gia cuộc thi gương mặt đại diện do một trung tâm tiếng Anh tổ chức. Tấm ảnh có lượt tương tác cao nhất sẽ đoạt giải. 

Sau khi đăng ảnh lên Facebook, nhờ vận động bạn bè ủng hộ, D dẫn đầu về lượt tương tác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không hài lòng với kết quả đã vào ảnh D để công kích, chê bai, dùng nhiều lời lẽ khó nghe với cậu bạn...

Đọc hàng chục comment chê bai, cười nhạo của những người lạ đáng tuổi cha mẹ mình, D sốc và bị ám ảnh suốt một thời gian dài.

Những câu chuyện nói trên là dấu hiệu của việc các bạn học sinh đang bị bắt nạt trên không gian mạng. Tuy nhiên, nếu các hành vi bắt nạt truyền thống dễ phát hiện và xử lý; thì hành vi đe doạ qua mạng lại khó nhận diện hơn, diễn ra phức tạp với nhiều hình thức khác nhau.

Bạn có đang bị bắt nạt trực tuyến hoặc vô tình trở thành người đi bắt nạt?

Ở Việt Nam, theo sự phát triển của mạng xã hội, hành vi bắt nạt trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, diễn ra với rất nhiều hình thức, nhất là trong cộng đồng thanh thiếu niên. Đôi khi chính người bắt nạt cũng không hay biết việc mình vừa vô tình thực hiện hành vi bắt nạt. 

Cụ thể, có rất nhiều group anti được lập ra để công kích một cá nhân bị cho là đáng ghét, không vừa mắt số đông. Một số thành viên trong nhóm đó sẽ "canh chừng" từng động thái của mục tiêu trên mạng xã hội. Sau đó reup bài đăng của nạn nhân vào nhóm, kèm theo những từ ngữ xúc phạm, mỉa mai, chê bai ngoại hình…

Bắt nạt trên không gian mạng: bạo lực ảo – hậu quả thật- Ảnh 2.

Tham gia các hội nhóm anti với mục đích giải trí, bạn đã vô tình tiếp tay cho hành vi bắt nạt trên không gian mạng - Ảnh: TẠO BẰNG AI

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ tham gia các nhóm kín như thế này với mục đích giải trí. Đôi khi, họ không ghét nạn nhân mà chỉ đơn thuần là tò mò, muốn vào "hóng chuyện". Thế nhưng, những hành động vô thức, "tiện tay" như bấm tham gia group, thả like góp vui cho bài viết… đã góp phần thúc đẩy, tăng tính sát thương cho hành vi bắt nạt trực tuyến.

Vì không có dấu hiệu "thương tích" rõ ràng nên phụ huynh có thể vẫn xem nhẹ ảnh hưởng của hành vi bắt nạt trên không gian mạng đối với con em mình.

Bạn B.N (sinh năm 2006, học sinh lớp 12) kể: "Mình kể với mẹ việc bị các bạn tạo nhóm chat nói xấu, đăng ẩn danh để hạ bệ mình trên confession trường, thậm chí là dùng tài khoản ảo bình luận rất khó nghe vào ảnh của mình... thì mẹ nói "Vậy thì đừng dùng mạng xã hội nữa, lo học đi!".

Đối với mẹ, mình chỉ đang làm quá lên thôi! Mình rất mệt mỏi, chỉ muốn mau chóng hết năm học."

Những con số "biết nói" về hành vi bắt nạt trên không gian mạng

Bạo lực mạng, hay còn biết đến với thuật ngữ cyberbullying – bắt nạt trên mạng, bắt nạt trực tuyến là những hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư, nhân phẩm, danh dự và uy tín của con người, được thực hiện thông qua không gian ảo – mạng internet.

Ngày 27-3 vừa qua, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo với tiêu đề "Hành vi sức khoẻ ở trẻ em độ tuổi đi học" nhằm phản ánh tình trạng trẻ em bị bắt nạt trên mạng.

Các nhà nghiên cứu phối hợp với văn phòng WHO ở châu Âu đã tiến hành khảo sát hơn 279.000 trẻ em ở các độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia và khu vực ở châu Âu, Trung Á và Canada.

Theo báo cáo, trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi 11 đến 15 từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - cao hơn tỷ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó. 1/8 thanh thiếu niên được khảo sát thừa nhận từng tham gia bắt nạt trực tuyến, tăng 3% so với năm 2018.

Bạn đã bao giờ phải trải qua một trong những tình huống dưới đây chưa?

+ Bị chụp ảnh, quay video "dìm hàng" gửi vào nhóm chat nói xấu, làm trò cười

+ Bị chỉ trích, nói xấu trên confession trường nhưng không biết người đăng bài là ai

+ Bị lập nhóm anti, mọi động thái của bạn trên mạng xã hội đều bị thành viên của nhóm "rình mò" và reup lại trong nhóm để cười cợt, bình phẩm

+ Bị bạn bè hoặc người lạ ẩn danh bình luận chê bai trang phục, ngoại hình... với danh nghĩa góp ý cho tấm ảnh mà bạn đăng trên Facbook cá nhân

+ Bị nhiều tài khoản ảo nhắn tin lăng mạ, chửi bới hoặc đe doạ

Chúng mình cần chung tay lên án bắt nạt trực tuyến, chỉ ra những ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi này đối với sức khoẻ tinh thần người bị hại, khiến vấn nạn này ngày càng được xã hội quan tâm và nhìn nhận đúng đắn hơn.

Nếu từng trải nghiệm hoặc chứng kiến một trong các tình huống tương tự hoặc những hình thức bắt nạt trực tuyến khác, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Mực Tím qua fanpgage: https://www.facebook.com/muctim.official hoặc địa chỉ mail: muctim@tuoitre.com.vn nhé!




Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: