Bỏ xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 thay đổi chiến lược học tập

Thứ năm, 24/04/2025 09:24 (GMT+7)

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hình thức xét tuyển sớm từ năm 2025, nhiều học sinh lớp 12 đã thay đổi chiến lược học tập để đạt kết quả tốt hơn.

Chiến lược học tập khi bỏ xét tuyển sớm - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: DUY DƯƠNG

Bỏ xét tuyển sớm, học sinh duy trì thái độ học tập nghiêm túc 

Ngay sau khi quy chế mới bỏ hình thức xét tuyển sớm, nhiều học sinh cho biết không bị quá ảnh hưởng vì vốn đã giữ thái độ học tập nghiêm túc trong xuyên suốt năm học.

Bạn Nguyễn Như Thiên Phúc (lớp 12A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) vẫn duy trì thói quen làm bài tập trên lớp và ôn tập cho các kỳ thi học kỳ. Khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bạn chỉ cần tổng hợp lại kiến thức đã ôn tập trước đó mà không phải nhồi nhét vội vàng.

Hà Ngọc Thiện (lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) chia sẻ, vì là học sinh cuối cấp nên bạn không cho phép mình “giải lao”, nhất là khi không còn hình thức xét tuyển sớm.

Theo đó, Thiện tập trung ôn thật chắc các môn thi tốt nghiệp, đặc biệt là kiến thức cơ bản. Bạn hiểu rằng dù với phương thức nào, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn đóng vai trò quan trọng.

Dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trước đây, bạn Lê Tiến Thành (lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang) còn khá thoải mái trong ôn tập mà tập trung “cày” điểm học bạ.

Tuy nhiên, sau khi bỏ xét tuyển sớm, bạn nhận thấy việc xét tuyển dựa trên học bạ không còn đảm bảo chắc chắn. Bạn đã chuyển trọng tâm sang kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt ở các môn xét tuyển đại học. 

Tiến Thành lập kế hoạch ôn tập cho từng môn. Bên cạnh bám sát đề minh họa, bạn còn tìm thêm các đề thi thử, đọc thêm sách.

Từ năm 2025, các trường đại học không còn được xét tuyển sớm và phải quy đổi điểm ở mọi phương thức về cùng một thang điểm theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy chế mới quy định khi sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Ngoài ra, trọng số tính điểm xét của kết quả học tập năm lớp 12 không dưới 25%.

Từ ngày 21-4 đến 17h ngày 28-4, thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Thay vì chỉ tập trung vào một vài môn thế mạnh như trước đây, bạn Lâm Bách Sơn (lớp 12A15, Trường THPT Bình Phú, quận 6) bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để củng cố kiến thức toàn diện. 

Sơn tập trung toàn lực vào các môn thi tốt nghiệp, học sâu kiến thức và rèn khả năng vận dụng thực tế. 

Điểm khác biệt lớn nhất so với cách học trước đây của Sơn là không còn chủ quan vào những thế mạnh sẵn có mà bạn nỗ lực cải thiện cả những môn còn yếu.

Trước đây, Diệp Ngọc Nhi (lớp 12A11, Trường THPT Ngô Gia Tự, quận 8) chỉ học đều các môn trên lớp và dành thời gian tập trung sâu vào việc luyện thi đánh giá năng lực. 

Hiện nay Nhi phải nhanh chóng thay đổi, cân đối lại thời khóa biểu và dành nhiều thời gian ôn tập kỹ các môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Bạn cũng ưu tiên học sâu các phần kiến thức trọng tâm và luyện đề thi thử theo cấu trúc mới với tần suất nhiều hơn so với lúc chưa bỏ xét tuyển sớm.

Để thích nghi với việc bỏ xét tuyển sớm, học sinh cần

Thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11) nhận định, việc bỏ xét tuyển sớm là một chủ trương đúng đắn, giúp học sinh duy trì thái độ học tập nghiêm túc suốt năm học.

Theo thầy, điều này không chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào đại học mà còn rèn luyện tư duy và ý thức học tập toàn diện cho học sinh.

Chiến lược học tập khi bỏ xét tuyển sớm - Ảnh 2.

Thầy Phạm Lê Thanh -Ảnh: DUY DƯƠNG

Theo thầy Lê Thanh, để thích nghi với việc bỏ xét tuyển sớm và có kết quả tốt, học sinh cần:

* Duy trì thái độ học tập nghiêm túc: Cần duy trì sự chuyên cần và tích cực đến cuối năm học, tránh lơ là hay chủ quan.

* Lập kế hoạch ôn tập khoa học: Xác định rõ nội dung trọng tâm, xây dựng lộ trình học phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT.

* Phát triển kỹ năng làm bài thi: Rèn luyện theo các dạng thức mới của đề thi, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

* Ổn định tâm lý, tránh hoang mang: Thay đổi là điều tất yếu, quan trọng là học sinh cần giữ vững tinh thần, tập trung vào việc học thay vì lo lắng quá mức.

* Tập trung vào 4 môn thi tốt nghiệp: Rà soát kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải quyết câu hỏi theo hướng vận dụng thực tế.

* Tham khảo và luyện tập các bài thi đánh giá năng lực: Làm quen với dạng đề, nâng cao tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: