Cách GenZ quản lý chi tiêu thời “bão giá”

Thứ sáu, 22/04/2022 08:07 (GMT+7)

Vật giá ngày càng leo thang khiến nhiều bạn sinh viên không khỏi lo lắng phải “bóp bụng” để thích nghi và quản lý sao cho hợp lý.

Trước những khó khăn mà sinh viên gặp phải vì cơn bão giá ngày càng tăng một số sinh viên phải chật vật lo toan cuộc sống qua ngày.

Hạn chế ăn vặt

Dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, vui mừng phấn khởi vì có thể quay trở lại thực tập và làm việc nhưng giờ phải đối mặt với việc giá hàng hóa tăng biến động, Nguyễn Thị Huyền Trân (sinh viên năm cuối, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) chia sẻ: “Mọi người thường hay bảo nhau ra đường tiền đầy túi con người ta sẽ tự tin hẳn nhưng tình trạng của mình hiện tại thì chỉ cần ‘xăng đầy bình’ thôi cũng đủ vui cả ngày”.

Nguyễn Thị Huyền Trân, sinh viên năm cuối ĐH Ngân hàng TP.HCM

“Sở thích uống trà sữa của mình cũng giảm dần hơn và đi ra ngoài ít hơn. Đặc biệt, mình ngại ra đường hơn nên các mối quan hệ bạn bè cũng trở nên xa cách. Mỗi khi ra ngoài mình đều tranh thủ thời gian để chọn đi xe buýt vừa được ngắm cảnh, mát mẻ, vừa tiết kiệm xăng” - Trân bộc bạch.

Tương tự, Nguyễn Trần Tuyết Nhi, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM bày tỏ: “Lúc trước, mình thường hay họp mặt bạn bè ở các quán cà phê, ăn uống trò chuyện nhưng gần đây chúng mình chỉ nhắn tin, gọi điện hỏi thăm nhau qua mạng xã hội thay vì hẹn gặp trực tiếp”.

Nguyễn Trần Tuyết Nhi, sinh viên năm nhất ĐH KHXH&NV TP.HCM

Hơn nữa, Nhi cũng hạn chế mua thêm đồ ăn vặt như trước chỉ ăn các bữa chính. Với Nhi, việc quản lý chi tiêu trong tình hình hiện tại như thế này dù không giúp nữ sinh tiết kiệm được nhiều tiền nhưng ít nhất nó cũng sẽ giúp bản thân duy trì được chi phí sinh hoạt trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, một số tân sinh viên lo lắng và khá lúng túng cho các khoản chi tiêu hàng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, vì còn đang trong giai đoạn sống xa nhà và hình thành thói quản lý chi tiêu cá nhân nhưng lại trùng hợp ngay thời điểm “bão giá”.

Nguyễn Ngân Hà, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tâm sự: “Thu nhập cuối tháng nhà mình bị thu hẹp lại do chi tiền xăng, tiền ăn uống là bắt buộc nên việc giá cả hàng hóa leo thang cũng làm tăng chi phí sinh hoạt. Nếu bình thường khoản dư đó sẽ được đưa vào quỹ tiết kiệm, nhưng nay bị thâm hụt một phần hoặc không còn nếu tình hình bão giá cứ tiếp tục diễn ra”.

Nguyễn Ngân Hà, sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Còn Tuyết Nhi chia sẻ: “Ba mình làm nghề chuyên chở hàng hóa, nên giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của gia đình. Hơn nữa, gia đình mình nhiều thành viên, có cả người già, trẻ nhỏ nên chi tiêu cho việc mua sắm vật dụng, thức ăn cho gia đình trong tình cảnh hiện tại lại càng phải chi nhiều hơn. Nếu giá cả tiếp tục tăng như thế này trong thời gian dài, rất có thể gia đình mình phải kiếm thêm một công việc làm thêm hoặc sẽ bước vào hoàn cảnh rất khó khăn”.

Thích ứng, tạo thói quen chi tiêu

Khi biết xăng tăng giá, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ lại bình ổn giá. Thế nhưng, đợt này xăng tăng giá quá lâu, nhiều bạn phải đau đầu “thắt lưng buộc bụng” để giải bài toán chi tiêu trước cơn bão giá.

Huyền Trân cho biết, sinh viên thực tập tiền trợ cấp chỉ đủ tiêu cho ăn uống còn mọi chi tiêu khác phải tự cân đo đong đếm sao cho hợp lý. Trân nói: “Đơn vị thực tập ở trong nội ô thành phố, giá cả ăn uống cao thế nên để tiết kiệm mình thường sẽ tự nấu cơm ở nhà mang lên văn phòng”.

Theo Ngân Hà, việc quản lý chi tiêu cá nhân sẽ cần nhiều thời gian để hình thành, áp dụng, theo dõi và đánh giá nhằm đưa ra được những phương pháp thích hợp và hiệu quả với tình hình tài chính mỗi người không thể tự làm eo hẹp tài chính của bản thân hay tiêu dùng không kiểm soát.

Với tình hình biến động thất thường của giá thị trường như hiện tại, Hà chia sẻ: “Mỗi người nên tự tạo cho mình thói quen quản lý chi tiêu từ sớm là cần thiết và quan trọng, đặc biệt là đối với sinh viên - khi nguồn tài chính của bản thân còn phụ thuộc phần lớn vào gia đình".

Hà nghĩ, việc hình thành và duy trì việc quản lý chi tiêu càng sớm sẽ giúp chúng ta tiêu đúng chỗ và dùng đúng lúc, hiểu được giá trị đồng tiền và sẽ chi tiêu hợp lí, đồng thời biết đánh giá và giải quyết được vấn đề giữa món hàng "cần mua" và "muốn mua".

Một số bạn sinh viên đã tìm cách xoay sở để vượt qua những ngày bão giá nhưng với tình hình hiện nay hầu như buộc mọi người đều chọn phải thích nghi và tự tạo cho mình một thói quen quản lý chi tiêu sao cho phù hợp.

Bài: KIẾN VĂN

Ảnh: NVCC

(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: