Cách teen "hóa giải" áp lực cuối cấp

Thứ sáu, 14/04/2023 10:29 (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là một kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời của teen 2K5. Chính vì vậy, tâm trạng hồi hộp, lo lắng trước kỳ thi là điều khó tránh khỏi của mỗi thí sinh ngay lúc này.

Với học sinh cuối cấp, việc học cả ngày ở trường không còn là lịch trình duy nhất. Sáng học chính khóa, chiều ôn thi, tối đến lò luyện, tham gia khóa học online hay cặm cụi ngồi giải đề đến tận đêm khuya là chuyện không còn hiếm gặp. Tuy nhiên, các bạn học sinh đã có cho mình những chiến lược “đối phó” với căng thẳng rất hiệu quả.

Quản lý thời gian hợp lý

Khoảng thời gian đầu năm học, bạn Nguyễn Hùng Đan Anh (học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai) gặp vấn đề trong việc “chạy đua” với thời gian.

“Ban đầu, mình thấy hơi áp lực do mình tham gia khá nhiều hoạt động trong trường, cộng thêm việc lớp 12 thì bài vở nặng hơn và đòi hỏi mình phải dành nhiều thời gian hơn. Vậy nên, khoảng thời gian đầu mình cảm thấy hơi bấp bênh, lúc đó mình hơi nản chút.”, Đan Anh kể.

Nhưng khi làm quen hơn với tiến độ học tập, Đan Anh dần tìm ra cho mình phương pháp quản lý thời gian hiệu quả. Bạn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các câu lạc bộ để không bị trùng với giờ học thêm.

Sau một thời gian kiên trì, Đan Anh đã xuất sắc giành giải Nhì trong Kỳ thi HSG lớp 12 cấp tỉnh môn Ngữ Văn năm học 2022 - 2023 và đậu học bạ vào Viện Đào tạo quốc tế ISB - Đại học Kinh tế TP.HCM.

Đan Anh còn chia sẻ thêm, ngành truyền thông là ngành bạn sẽ đặt nguyện vọng trong thời gian sắp tới.

Đan Anh (thứ 4 từ trái sang) cùng bạn bè tận hưởng những ngày cuối cấp.

Vượt lên áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa xuất hiện khi bản thân chúng ta cảm thấy thất bại, kém cỏi hơn “con nhà người ta”. Nhưng, việc nhận định áp lực này theo cách tích cực hay tiêu cực cũng sẽ có sự ảnh hưởng rất lớn đến với thành công của mỗi người.

Năm lớp 10, Gia Bảo (hiện là sinh viên năm nhất trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, thủ khoa khối A00 tỉnh Đồng Nai năm học 2021 - 2022) từng cảm thấy bản thân học không bằng các bạn trong lớp.

Bạn kể: “Thấy các bạn đam mê Toán, mình cũng bắt chước học theo. Đến năm 11, mình đậu vào đội tuyển Toán của trường. Lúc này, mình mới phát hiện ra sự thú vị của môn Toán và bắt đầu đam mê nó… Mình cũng nhận thấy rằng, việc học toán giúp mình phát triển các kỹ năng tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Các bài toán đòi hỏi sự tập trung và khả năng phân tích, điều này cũng giúp mình rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày.”

Thái Nguyễn Gia Bảo giành được giải Nhì và giải Nhất trong kỳ thi HSG cấp tỉnh môn Toán năm học 2020-2021, 2022-2023.

Với thành tích đáng ngưỡng mộ của mình, Gia Bảo muốn nhắn nhủ: “Quá trình vươn lên từ áp lực đồng trang lứa không hề dễ dàng. Nhưng nếu bạn biết cách tận dụng động lực và sức ép để phát triển bản thân, bạn có thể vượt qua mọi thử thách và đạt được thành công mà mình mong muốn.”

Học tập không quên rèn luyện cơ thể

Nhiều bạn xem việc tập luyện thể dục thể thao là cách để cân bằng cảm xúc, giải tỏa áp lực hiệu quả.

Bạn Nguyễn Phú Thịnh (sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm TP.HCM) từng giành được số điểm 9.5 môn Toán tại Kỳ thi ĐGNL chuyên biệt trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2022, bộc bạch: "Mỗi người có một thế mạnh riêng, về thể thao thì mình giỏi ở bóng đá. Cũng nhờ bộ môn này mà từ một cậu bé không giao tiếp nhiều với mọi người, mình dần được mọi người chú ý hơn và hiểu mọi người hơn... Chơi thể thao còn giúp chúng ta vận dụng các kiến thức (toán, lý... ) vào thực tiễn một cách sinh động, làm giảm bớt sự khô khan của lý thuyết trong sách vở."

Theo các nghiên cứu khoa học, hoạt động thể thao giúp ta kích thích tế bào não sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh (endorphins và các opiate), làm cho chúng ta vui vẻ, yêu cuộc sống hơn. Đồng thời, khi vui chơi thể thao, chúng ta sẽ rũ bỏ được những mối lo hàng ngày, được gặp gỡ và giao lưu với bạn bè, từ đó mở rộng thêm các mối giao tiếp ngoài xã hội.

Phú Thịnh cũng là Á khoa Khối A00 tỉnh Đồng Nai năm học 2021-2022.

Học cách chia sẻ

Ở giai đoạn nước rút này, học sinh cuối cấp rất cần những sự động viên, ủng hộ của ba mẹ, thầy cô và bạn bè. Chính vì vậy, Đan Anh hạnh phúc khi nhận được sự đồng hành của ba mẹ.

“Ba mẹ mình là người rất tâm lý, ba mẹ sẽ không chọn cách gây áp lực lên mình, ba mẹ luôn chọn ủng hộ và làm chỗ dựa cho mình… Mình cảm thấy rất may mắn khi có phụ huynh như thế, nhờ vậy mà mình luôn an tâm và vững vàng thực hiện ước mơ của mình.”, Đan Anh nói.

Giống như Đan Anh, Phú Thịnh bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian có sự đồng hành của thầy cô và bạn bè: "Đối với mình, một người học giỏi không phải là người có một danh sách thành tích dài, mà là người có được sự ủng hộ từ tất cả mọi người. Bạn bè là động lực rất lớn giúp mình tiếp tục trên con đường thành một giáo viên dạy Toán"

NGỌC HÀ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: