Cẩn thận với dịch sốt xuất huyết

Thứ năm, 01/10/2020 21:56 (GMT+7)

Vừa qua, thông tin bạn học sinh 16 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bước vào mùa cao điểm, dịch sốt xuất huyết đã ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe của teen.

Bỗng nhiên… bị sốt

“Hôm đó, mình đang đi học thì có cảm giác sốt nóng lạnh. Vì quá lạnh trong người nên mình phải mượn nhiều áo khoác của các bạn trong lớp để quấn tạm cho hết giờ rồi đón taxi về nhà. Tối hôm ấy, mình sốt cao đến 40.5 độ nên được ba mẹ đưa đi cấp cứu. Vào đó mới biết mình bị sốt xuất huyết và cần nằm viện gần một tuần. Suốt tuần đó mình phải uống nước và truyền dịch liên tục, cách một hai tiếng là trở cơn sốt, người lúc nào cũng lừ đừ, mệt mỏi và vị giác không tốt. Nửa đêm mình hay bị mất ngủ vì sốt nhưng bác sĩ nói may mắn là mình chưa có biến chứng xuất huyết nên hậu quả không nghiêm trọng. Sau lần đó, mình sụt tận 4 kg do không ăn uống gì được. Nhớ lại khoảng thời gian trước khi mắc bệnh, mình ngủ không mắc mùng, hay để cửa sổ mở toang, chắc cũng từ đây mà mình bị muỗi đốt” - bạn Quỳnh Phương (THPT chuyên Lê Hồng Phong) chia sẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, thời tiết nắng nóng tại TP.HCM xen lẫn các đợt mưa bất chợt, tạo độ ẩm và môi sinh thuận lợi cho lăng quăng sinh sống, số lượng muỗi tăng lên kéo theo nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, những bệnh nhân sốt xuất huyết ở lứa tuổi học sinh THPT (15 - 18 tuổi) có tỉ lệ khoảng 27% - 30%.

Nguy cơ tiềm ẩn

Tháng 8/2020, tại TP.HCM đã có trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi (ngụ quận 7, TP.HCM) tử vong vì sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân có cơ địa dư cân, nhập viện tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào ngày thứ 6 của bệnh, khi đã ở trong tình trạng nặng. Sau đó, vì khả năng không thể cứu sống được bệnh nhân sau khi đã điều trị tích cực nên gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà.

Theo bác sĩ Vân Anh, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm và tần số mắc bệnh nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 10, dịch thường xảy ra vào mùa mưa. Nhiễm virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) đa phần không có triệu chứng. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh từ thể bệnh nhẹ đến nặng. Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Kèm theo đó, bạn sẽ có những triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn... Ở giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết dưới da, niêm mạc, nội tạng... Vì thế, bạn cần phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ vấn
đề trong từng giai đoạn để giúp việc chẩn đoán, điều trị đúng và kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn tư vấn của bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).

NGẠN LÂM - Infographic: KIM NHUNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: