Cậu bạn trẻ mê... đồ cổ

Thứ bảy, 16/05/2020 19:07 (GMT+7)

Thuộc thế hệ teen 2Y nhưng bạn Nguyễn Đức Huy (sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, ngành đồ họa) đã sớm “bén duyên” và có tình yêu lớn với những vẻ đẹp văn hóa truyền thống, từ đó nỗ lực không ngừng để góp phần lan tỏa nét đẹp thành phố đến mọi người.

* Chào Huy, từ đâu mà bạn “bén duyên” với những món đồ có số tuổi lớn hơn tuổi đời của mình?

- Mình “bén duyên” với vẻ đẹp văn hóa truyền thống là nhờ sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà cổ của gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, mình đã được tiếp xúc với rất nhiều món đồ cổ được ông bà ngày trước sử dụng và lưu truyền đến hiện tại như: tiền giấy xưa, đồ gốm sứ...

Đến khoảng năm lớp 5, lớp 6, mình được ba dắt đi chơi ở phố đồ cổ Lê Công Kiều nên nảy sinh niềm đam mê sưu tầm tiền cổ. Lớn thêm chút nữa thì được chú rủ tham gia vào hội nhóm sưu tầm gốm cây mai. Do lúc đó không có tiền nên mình chỉ có nhặt nhạnh những miếng gốm vỡ về nhà để sưu tầm và nghiên cứu. Lần đầu tiên được chạm tay vào những mảnh vỡ nhặt được tại lò gốm cổ Hưng Lợi (Q.8), mình không khỏi xúc động và yêu gốm cây mai đến giờ luôn.

* Điều gì ở gốm cây mai khiến bạn say mê đến vậy?

- Gốm cây mai ban đầu ra đời ở khu Chợ Lớn sản xuất để phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Hoa, chủ yếu được dùng để phục vụ loại hình công nghệ miếu vũ và tiêu biểu nhất là dùng trang trí tại các ngôi miếu Hoa gốc Quảng Đông. Theo dòng thời gian và sự phát triển của thành phố, loại gốm này dần trở thành một dấu ấn văn hóa không thể không nhắc đến của Sài Gòn xưa và nay.

* Vậy đó là lí do mà bạn tham gia vào việc xuất bản sách Gốm cây mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng?

- Đúng rồi đó! Ngay khi nghe bác Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ về ý tưởng là mình đã rất háo hức và mong muốn được cộng tác cùng bác trong việc biên soạn sách. Mọi người hay nghĩ các nhà nghiên cứu lớn tuổi thường khó tính, nghiêm nghị nhưng sau khi tiếp xúc và làm việc với bác Trảng thì mình thấy ngược lại. Bác rất vui vẻ, nhiệt tình chia sẻ kiến thức và luôn sẵn lòng hỗ trợ người trẻ trong việc nghiên cứu văn hóa. Điều mình học hỏi được từ bác là luôn cố gắng hoàn thành mọi việc ngay hôm nay khi có thể chứ không kéo dài từ ngày này qua ngày khác, rất dễ bị gãy gánh giữa đường. Bên cạnh đó, vì Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung không còn nhiều văn tự cổ, tư liệu nghiên cứu nên bác cũng rất hay đặt ra nhiều giả thiết và tự tìm cách xác minh giống như thám tử Conan vậy.

Làm việc nhiều với bác Trảng, mình tự rút ra được công thức nghiên cứu riêng cho mình, đó là “3Đ: đọc tài liệu - điền giả - đối chiếu”. 3 thứ đó giúp mình có cái nhìn toàn diện hơn về một vấn đề.

* Điều khó khăn nhất trong quá trình làm sách là gì?

- Do số lượng hiện vật bị mất cắp rất nhiều nên mình và các anh chị khác phải tốn nhiều công sức, thời gian để tra lại tài liệu, rồi sau đó mới chỉnh sửa ảnh và dàn trang. Nhưng mọi mệt nhọc đều bay biến hết khi được cầm cuốn sách in hoàn chỉnh trên tay, có đăng phần bài viết về gốm Thạch Loan do mình nghiên cứu trong gần 9 năm qua và được mọi người đón nhận nhiệt tình. Nhờ đó mà mình có thêm động lực để làm tiếp cuốn sách về nghề tranh kiếng, dự kiến ra mắt trong năm nay.

* Chơi đồ cổ từ lúc nhỏ, có bao giờ Huy bị trêu chọc là… ông cụ non chưa?

- Vài năm trước, khi biết mình có niềm đam mê chơi đồ cổ, bạn bè thường trêu chọc mình là ông cụ non nhưng bây giờ thì không còn nữa. Vì mình ít khi chia sẻ chuyện nghiên cứu với bạn bè, mà có nói cũng chưa chắc nhiều người hiểu, thay vào đó là trao đổi về ý tưởng đổi mới hướng tiếp cận với những giá trị xưa cũ sao cho thu hút hơn, chẳng hạn như tái hiện nghệ thuật hát bội theo phong cách chibi chẳng hạn.

• Cảm ơn Huy!

NAM KHA - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: