Câu chuyện của một người thầy

Thứ năm, 10/11/2022 09:42 (GMT+7)

Những câu chuyện, những kỉ niệm ấm áp với học trò đã làm một người thầy nhớ mãi.

Thầy Tân Minh Thành chụp ảnh kỉ niệm cùng học trò trước ngày giã từ bục giảng vào năm 2021

HƯƠNG VỊ KHÓ QUÊN

Nhận kết quả đậu vào lớp 10 trường huyện, Hùng đã hét lên vì hạnh phúc bởi gia đình nhiều đời làm nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nay đã có một tia hi vọng thay đổi số phận nhờ con chữ. Ba Hùng vui lắm, ông thông báo cho họ hàng đến làm gà, vịt để mở tiệc ăn mừng vì sự học của cậu con trai nay đã có chút thành quả. Trên chiếc ghe đóng đáy của mình, ba Hùng đã chạy đi đón các thầy cô giáo đến nhà dự tiệc với lòng biết ơn vì công lao dạy dỗ. Tàn tiệc, các thầy cô khác đều lên ghe trở về thì thầy Tân Minh Thành, người trực tiếp ôn luyện môn Ngữ văn cho Hùng được gia đình giữ lại để tiếp tục chung vui đến hôm sau.

Anh Nguyễn Quốc Khánh (năm học 1995 - 1996) gặp lại thầy Thành (bìa phải) sau nhiều năm xa cách

Đó là những kí ức thật đẹp và khó phai mờ của thầy Tân Minh Thành (cựu giáo viên Ngữ văn trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng). Thầy tiếp tục kể: “Với tình cảm quý mến của gia đình em Hùng, thầy đã ở lại nhà để chia sẻ niềm vui cùng họ. Hôm đó, thầy được cùng mấy anh em của Hùng trải nghiệm một buổi đi đóng đáy, công việc thường ngày của gia đình em. Chiếc ghe cũ chênh vênh giữa sông cùng dòng nước chảy xiết nhưng hai anh em Hùng vẫn căng sức kéo đáy. Thấy thế, thầy cũng thử góp sức nhưng không thể kéo nổi. Ấy vậy mà mấy cậu học trò mới chỉ học cấp hai lại thoăn thoắt đôi tay để kịp bắt mớ tôm cá đã dính bẫy.

Giữa màn đêm mênh mông sông nước, Hùng có mang theo một chiếc đèn dầu để thắp sáng. Khi những con tép bạc tươi rói được bắt lên, em nhanh tay hơ lên ngọn đèn để nướng chín. Khói của đèn dầu khiến con tép trở nên đen ngòm, Hùng nhanh tay lột lớp vỏ bên ngoài rồi mời thầy. Hương vị của những con tép ngày ấy thật thơm ngọt như cái tình mà người học trò dành cho thầy. Thương nhớ các em!”, thầy Thành bộc bạch.

Giã từ sự nghiệp trồng người trong vòng tay yêu thương của học trò, thầy Tân Minh Thành kể về khoảng thời gian khó khăn khi mới về làm giáo viên trường làng: “Vào thời điểm năm 1986 đến 1992 khi thầy về dạy Văn ở trường THCS Nhơn Mĩ, tỉnh Sóc Trăng phải trải qua rất nhiều thử thách. Lớp học còn thô sơ, tường vôi cũ kĩ, học sinh đi học phải lội sông, lội ruộng mới đến được trường. Ấy vậy mà học sinh ngày đó vô cùng ngoan ngoãn, tôn trọng thầy cô hết mực”, thầy Thành kể.

THẾ HỆ HỌC TRÒ “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”

Sau năm 1992, thầy Thành về công tác tại trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thầy kể, đó là cái thời mà cây thước kẻ nằm chờ trên bàn giáo viên để răn dạy học trò. Cứ mỗi đợt họp phụ huynh đầu năm, thầy đều hỏi ý kiến về việc giáo dục học trò bằng “roi vọt” và các hình phạt như đi nhổ cỏ, nhặt rác nếu như vi phạm nội quy. Phụ huynh thời ấy không ai phản đối mà còn hết mực tin tưởng ủng hộ thầy Thành. Trên tấm bảng con để giữa lớp thầy Thành quy định khi có học sinh nào không thuộc bài và không làm bài tập hay mất trật tự trong giờ học thì sẽ tự động ghi tên để sáng thứ hai phân xử. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần thì sẽ bị ra cổng nhặt rác, nhổ cỏ để tự cảm thấy xấu hổ mà lần sau không dám tái phạm. Mỗi thứ hai hàng tuần, sau xem sổ đầu bài những trường hợp không thuộc bài có điểm từ 0 đến 2 sẽ bị thầy khẽ vào tay để nhắc nhở.

Những tấm ảnh chân dung của học trò thầy Thành lưu giữ lại vào năm 2001

Thầy Thành chia sẻ chính cách giáo dục nghiêm khắc, có thưởng có phạt một cách rõ ràng như thế mà những tập thể lớp chủ nhiệm của thầy điều rất nề nếp và chỉn chu trong việc học. Anh Nguyễn Quốc Khánh (Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - một học trò cũ của thầy Minh Thành - chia sẻ: “Anh là người bị thầy phạt nhiều nhất trong lớp, có lúc là bị khẽ tay, thỉnh thoảng bị quỳ gối học bài. Ngày xưa chỉ biết sợ chứ không bao giờ anh oán trách thầy. Giờ đây mỗi lần gặp lại thầy anh đều gọi các con ra để kể về sự nghiêm khắc của thầy và chính nhờ vậy mà anh mới nên người, mới gặt hái được những thành quả từ sự học mang lại. Ở thời điểm hiện tại, các em đã có nhiều điều kiện để học tập, thầy cô tâm lí và không đòn roi như trước. Dù cách giáo dục có thay đổi nhưng anh vẫn mong truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được các em coi trọng và giữ gìn”.

Trong suốt quãng thời gian dạy học, thầy Tân Minh Thành luôn là người nghiêm khắc có tiếng. Thầy rất coi trọng con chữ và tâm huyết với nghiệp dạy học nên những bài kiểm tra Văn định kì của học trò đều được thầy chấm từ nét chữ đến giọng văn hay chính tả. Những học sinh dù đã học lớp chín vẫn bị thầy bắt chép lại vở tập viết của học sinh lớp một, lớp hai trong suốt năm học đến khi nét chữ dễ nhìn hơn. Cứ một lỗi sai chính tả, học sinh của thầy Thành phải chép phạt mười lần để nộp lại.

“Ngày xưa học sinh cũng có những điều chưa hài lòng về giáo viên nhưng sự kính trọng dành cho người thầy là điều gần như tuyệt đối. Sẽ có những lúc thầy cô nghiêm khắc hơn mong muốn của các em. Nhưng thầy mong học sinh hãy hiểu thầy cô là thế hệ đi trước, việc định hướng hay hướng dẫn các em vào một khuôn khổ cũng chỉ mong các bạn nên người, chỉn chu trong sự học. Nếu có điều gì ấm ức, khó giãi bày các bạn có thể ngồi lại chia sẻ cùng thầy cô hay phụ huynh, không nên bày tỏ thái độ gay gắt, tiêu cực”, thầy Thành nhắn nhủ.

NGUYỄN ĐIỀN ghi

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: