Chắc tay máy ảnh giữa chiến trường

Thứ tư, 27/07/2022 08:09 (GMT+7)

Nằm trong một con hẻm nhỏ ấp Nam Thới, huyện Hóc Môn, nhà cụ Cố Hỷ nhiều năm nay thường xuyên nhộn nhịp các bạn Đoàn viên đến thăm hỏi. Một chiều tháng 7 mát mẻ, các bạn lại í ới nhau ghé chơi, rồi say sưa nghe cụ kể chuyện.

Cụ Cố Hỷ thường xuyên được các bạn đoàn viên thanh niên của Huyện Đoàn Hóc Môn đến thăm nom

RỬA ẢNH RỒI… TREO TRÊN CÂY

“Cụ Cố 98 tuổi rồi mà vẫn còn minh mẫn, và kể chuyện hấp dẫn lắm. Mỗi lần mình đến là Cố lại kể chuyện thời chiến. Ông mình mất sớm nên mình ít được nghe những câu chuyện xưa như thế” - cậu bạn Nguyễn Văn Sỹ (trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Hóc Môn) cười tươi.

Văn Sỹ và Gia Hân (đoàn viên xã Thới Tam Thôn) tíu tít trò chuyện về chiếc máy quay AK 16 cụ dùng ngày xưa

Cố Hỷ là biệt danh của nhà lão thành cách mạng Trương Thành Hỷ, và cũng là cựu phóng viên nhiếp ảnh chiến trường của quân ta. Cuối năm 1947, khi đang làm trinh sát tại Trung đoàn 312 ở Hóc Môn, cụ Cố Hỷ được cử đi học nhiếp ảnh và từ đó xông pha chiến trường khói lửa, nhưng trên tay không phải khẩu súng, mà là... chiếc máy ảnh phim Kodak.

Vốn đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt là ảnh phim, hai bạn Văn Sỹ và Gia Hân say mê nghe cụ kể về những câu chuyện chụp ảnh trên chiến trường bằng chiếc máy phim cổ. Cụ Cố Hỷ kể rằng, người phóng viên chiến trường là người luôn phải đi trước trong mỗi trận chiến. Các chiến sĩ cầm súng thì nấp dưới chiến hào, nhưng người phóng viên thì đứng thẳng để bắt được những tấm ảnh bao quát trận chiến. Những trận chiến căng thẳng, khi quân ta xông lên tiến công, Cố Hỷ phải là người chạy lên nhanh hơn cả chiến sĩ để chụp lại được khoảnh khắc tiến công hào hùng của quân ta.

Lắng nghe chăm chú, Gia Hân liền hỏi cụ về chuyện hậu trường rửa phim, tráng rọi phim trên chiến trường. Cụ kể, mỗi lần chụp ảnh xong, cụ lại đợi trời tối rồi mang theo thuốc rửa ảnh, giấy in... ra góc tối để tráng rọi. Các chú bộ đội cũng thích ảnh lắm, mỗi lần cụ rửa xong là tụ lại để ngắm những tấm ảnh trắng đen mới ra lò bên ngọn đèn dầu leo lét. Sau đó, những tấm ảnh ấy được các chú treo lên các cành cây trên đường hành quân, để bộ đội và dân ta đi qua ngắm, từ đó cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ, cũng như người dân xung quanh.

VẾT THƯƠNG CỦA NGƯỜI KHÔNG CẦM SÚNG

Cụ Hỷ trầm ngâm, mỗi phóng viên chiến trường đều có một chiến sĩ đi cùng để hỗ trợ cho việc quay phim, chụp ảnh. Tuy vậy trong bom đạn khốc liệt, cũng đã không biết bao nhiêu lần cụ hứng chịu những viên đạn bay qua người mình.
Đó là trong chiến dịch Bến Cát năm xưa, cụ Hỷ đang cầm máy chụp ảnh thì bỗng nghe tiếng xẹt, tay cụ bỏng rát, đau buốt. Lúc đó cụ mới biết một viên đạn đã bay xuyên qua cánh tay đang cầm máy ảnh của mình. Dù vẫn muốn ở lại chụp ảnh nhưng quân y ta đã nhất quyết đưa cụ vào tuyến trong để băng bó vết thương. Có lần khác, khi đang cố đứng lên để chụp ảnh, cụ bị đạn xẹt qua trán và phải băng bó nhiều tháng.

Số ảnh hiếm hoi cụ còn giữ lại được. Phần lớn ảnh tư liệu thời chiến của cụ đã được bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh xin lại làm tư liệu trưng bày

Nhưng những vết thương da thịt ấy không thể so bằng nỗi đau khi cụ tận mắt chứng kiến đồng đội mình hi sinh. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, khi cụ Hỷ cùng hai đồng đội của mình vừa chạy theo làn đạn trên tuyến đầu, vừa vác chiếc máy quay phim AK 16 nặng nề. Cụ còn nhớ lúc đó, đồng đội bảo cụ đi vào bên hầm công sự khác để quay. Khi cụ vừa đi khỏi thì một quả bom B52 đã rơi xuống. Đồng đội của cụ hi sinh bên chiếc máy quay phim. Dù xúc động, cụ vẫn phải giữ chắc chiếc máy, hướng ống kính về mưa bom bão đạn để ghi lại từng thước phim tư liệu quý giá.

Bài, ảnh: NGUYÊN THẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: