Chàng trai đi qua 1.000 căn nhà gỗ

Thứ bảy, 21/01/2023 21:26 (GMT+7)

Cậu bạn Nguyễn Duy Linh (sinh viên trường ĐH Nam Cần Thơ) đã đến thăm và lưu giữ tư liệu hơn 1000 căn nhà cổ ở khắp miền Nam, từ TP.HCM đến tận Cà Mau.

Duy Linh (sơ mi trắng) chụp cùng gia đình nhà cổ họ Mai (Vĩnh Long)

Ảnh Linh chụp ngôi nhà cổ họ Lê (Tiền Giang) với tranh tường kiểu Pháp

“Bản đồ sống” của những căn nhà cổ

- A lô Duy Linh ơi, em biết ngôi nhà cổ nào hay hay dẫn anh tới được không?

- Dạ có anh ơi, để em dẫn anh về nhà cổ Huyện Hàm, mấy cô đang làm mứt gừng, mứt me vui lắm nè.

Đó là cuộc gọi quen thuộc mà Duy Linh thường xuyên nhận được. Linh chính là người dẫn dắt các đài truyền hình, nhóm sinh viên kiến tập, các hội lịch sử, khảo cổ... đến những căn nhà cổ khắp Nam bộ. Cậu bạn nắm trong tay bản đồ hơn 1000 căn nhà cổ mình đã tới thăm và quen biết, vì vậy hễ nơi nào cần là Linh liên hệ xin vào được ngay.

Duy Linh lớn lên trong một căn nhà xưa với kiến trúc ba gian truyền thống. Từ nhỏ cậu bạn đã được nghe ông nội mình là người có chức sắc trong làng kể chuyện. Cậu bạn hay lẽo đẽo theo ông, quan sát rồi hỏi ông đủ mọi thứ... Cả cách lạy ông bà tổ tiên, cách bày mâm quả, treo liễn, ông nội dạy một lần là Linh nhớ ngay. Anh chàng cũng có một bụng chữ Nho nhờ ông rèn từ nhỏ.

Ảnh Linh chụp ngôi nhà cổ họ Lê (Tiền Giang) với tranh tường kiểu Pháp

Duy Linh hiện sở hữu hơn 10.000 bức ảnh tư liệu nhà cổ

Năm lớp 10, trên đường đi học Linh đã thấy thấp thoáng những căn nhà cổ kín cổng cao tường nấp sau hàng cây. Lúc đó còn nhút nhát nên cậu bạn chỉ dám đứng nhìn từ xa rồi về nhà hỏi: “Ông nội ơi, nhà đó của ai?”. Sang lớp 11, có điện thoại di động riêng, Linh đánh liều vào mấy nhà cổ gần gần xin chụp ảnh. Cậu nói rằng mình là cháu ông Mười Lớn (tên thường gọi của ông mình), thế là trong vùng ai cũng biết, vui vẻ cho cậu bạn vào tham quan. Những ngày nghỉ, Linh đi xa hơn đến các ngôi nhà cổ nổi tiếng lẫn chưa ai biết ở Vĩnh Long, Cần Thơ và các tỉnh Nam bộ khác.

Mỗi ngôi nhà là một chốn thân thương

- Chìa khóa nè, mày coi gì thì coi đi.

- Mày vô ăn cho no đi rồi về. Hay tối ở lại ngủ không?

Cậu bạn đi nhiều tới mức, các cô chú chủ nhà thấy bạn là... giao luôn chùm chìa khóa, xem như con cháu trong nhà. Nhưng trước khi được chủ nhà tin và quý như vậy, cậu bạn cũng đã... lên bờ xuống ruộng, vì đa số các ngôi nhà cổ có nhiều đồ quý giá, chủ nhà thường khép kín, ngại người lạ.

Một căn nhà cổ mà Linh mất 3 năm để tiếp cận

Như căn nhà cổ họ Mai ở Vĩnh Long, Duy Linh kể: “Mình thấy ngôi nhà đó rất đẹp, tìm hiểu xung quanh thì biết cô chủ bán cháo trắng trước nhà nên mình sà vào ăn, sẵn xin tham quan chụp ảnh. Ấy vậy mà mình ăn đến tận... 3 năm, trở thành “mối” của cô rồi mà cô vẫn chưa đồng ý. Thế là mình phải liên hệ Trung tâm văn hóa tỉnh, nhờ họ dẫn vào”. Gặp Linh đi chung với đoàn lần đó, cô bật cười: “Tưởng ai, té ra là cái thằng khách ruột của tui”. “Thế là từ đó, cô niềm nở vui vẻ hẳn, cho mình tới chơi rất nhiều lần và còn giới thiệu nhiều món đồ cổ quý giá” - Linh hào hứng.

Duy Linh cặm cụi sửa chữa lại chiếc đèn dầu thời Pháp ở nhà họ Trần (Cần Thơ)

Duy Linh tự tay sơn sửa, dọn dẹp căn nhà cổ giúp chủ nhà

Còn ở nhà ông cai Tổng Trần Như Cang (Cần Thơ), cậu bạn thấy nhiều văn tự chữ Nho mà gia đình không ai hiểu nên đã xin phép chụp lại. Nửa tháng sau, cậu bạn mang lại bản dịch toàn bộ lịch sử của căn nhà, các đời ông cụ kị của gia đình đã làm gì, được vua phong ban ra sao... Chủ nhà vui quá nên tặng cậu hai bộ áo dài ngũ thân quý của ông Cai Tổng (có từ năm 1920).

Duy Linh hiện giờ được ông nội giao lại quyền quản lí căn nhà của mình, phụ trách toàn bộ việc dọn dẹp, sửa chữa cũng như các buổi lễ nghi cho gia đình. Cậu bạn còn nằm trong ban Kế tự, phụ trách dọn dẹp, trưng bày bàn lễ của các đình trong vùng. Mấy ngày cuối năm Duy Linh bận rộn lắm, vì những chủ nhà cổ gọi điện nhờ bạn đến chưng bông, xếp bàn lễ. Linh còn giúp sắp xếp bài vị chữ Nho theo thứ tự đời một, đời hai... mà con cháu sau này dọn ra rồi không biết sắp lại sao cho đúng. Có nhà treo câu đối bị ngược (treo đúng là từ phải qua trái, hợp vần bằng - trắc), cậu phải leo lên treo lại cho đúng.

Với Duy Linh, mỗi ngôi nhà cổ giống như một bảo tàng kí ức, nơi mà mỗi thế hệ đi qua đều để lại những di vật, câu chuyện riêng của thời đại đó.

Chứng kiến nhiều ngôi nhà cổ bị hư hại, Duy Linh lập trang fanpage, website Tản mạn kiến trúc để lưu giữ tư liệu, hình ảnh những ngôi nhà cổ. Ở mỗi ngôi nhà, Linh đều tìm hiểu bằng cách hỏi thăm người nhà, dịch các văn tự cổ trong ngôi nhà đó, rồi so sánh, đối chiếu với tư liệu trong các sách lịch sử, hội sử học, trung tâm văn hóa. Duy Linh vừa cộng tác xuất bản quyển sách Tản mạn kiến trúc Nam bộ với nội dung giới thiệu lịch sử, văn hóa của những ngôi nhà cổ đặc sắc miền Nam.

NGUYÊN THẢO - Ảnh: DUY LINH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: