Chiến sĩ "nhập vai" giải quyết bạo lực học đường

Thứ ba, 21/07/2020 21:36 (GMT+7)

Tham gia diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, các chiến sĩ teen không chỉ được xem kịch, lắng nghe chia sẻ của chuyên gia mà còn được “nhập vai” để thử sức giải quyết tình huống nữa đó!

Bạo lực học đường - chuyện không của riêng ai

Vừa qua, tại sân trường THPT Dương Văn Thì (Q.9) có hơn 400 bạn chiến sĩ Hoa phượng đỏ đã cùng tham gia diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, do Ban Chỉ huy Chiến dịch Hoa phượng đỏ phối hợp với Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức. Để buổi chia sẻ trở nên sinh động hơn, các anh chị sinh viên đến từ trường ĐH Luật TP.HCM đã đem đến vở kịch về tình huống bạo lực học đường thường xảy ra với nhiều bạn teen. Xuất phát từ những xích mích nhỏ thường ngày như: không ưa nhìn mặt nhau, bạn A thích bạn B nhưng B lại thích C… mà các nhân vật tuổi mới lớn trong vở kịch đã không kiềm được cảm xúc, dẫn đến những tình huống hiếp đáp bạn bè, dùng bạo lực giải quyết vấn đề.

Ths. Trần Ngọc Lan Trang (giảng viên bộ môn Luật hình sự - trường ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ: “Tình trạng bạo lực học đường hiện thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi sự gia tăng về số vụ, sự phức tạp hơn về các hình thức biểu hiện. Nguyên nhân phổ biến bắt nguồn từ mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, đôi khi do bị bắt nạt, bị nói xấu hoặc bị gây hấn rồi phản ứng lại bằng các hình thức bạo lực khác nhau, gây ra hậu quả đáng tiếc”.

Cảnh tòa tuyên án một bạn teen dùng vũ khí gây trọng thương cho bạn mình

Teen “nhập vai” giải quyết vấn đề

Để tăng tính tương tác với teen, khi hai nhân vật chính đang gây hấn căng thẳng, MC bỗng phù phép “cho hóa đá” để tình huống dừng lại và mời các bạn lên sân khấu “nhập vai” giải quyết vấn đề. Không chọn dùng bạo lực theo kịch bản gợi ý, bạn Lê Hoàng Tươi Sáng (lớp 10A4) cố gắng xoa dịu cơn giận dữ và hóa giải mâu thuẫn bằng lời khuyên nhẹ nhàng để mọi chuyện trôi qua êm đềm. Còn bạn Bùi Đức Trọng (lớp 10A2) thì có thái độ cương quyết và cứng rắn hơn khi muốn mọi việc phải được sáng tỏ, có như vậy vấn đề mới được tháo gỡ một cách hiệu quả.

“Ở vai trò nạn nhân, các bạn thường có biểu hiện rối nhiễu hành vi, tự ti, trầm cảm… dẫn đến sức học giảm sút, ngại đến trường, phát sinh các vấn đề về thần kinh, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát chính mình. Đặc biệt, sự ức chế tâm lí có thể dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ: dùng vũ khí gây thương tích như trong vở kịch). Bản thân các bạn là chủ thể của bạo lực cũng phải chịu những hậu quả tiêu cực, vì khi gây bạo lực, chính các bạn cũng sẽ trở thành đối tượng bị thù hằn và bị ghét bởi các nạn nhân cũng như các bạn khác” - cô Trang chia sẻ thêm. Nên nhờ thầy cô, ba mẹ trợ giúp khi có mâu thuẫn xảy ra và hãy kiên quyết nói không với bạo lực học đường teen nhé!

Bài, ảnh: NAM KHA

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: