Chơi "năm mười" bằng điện thoại

Thứ hai, 06/02/2023 14:37 (GMT+7)

Mong muốn tìm về những món đồ chơi tuổi thơ và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc, anh Lâm Huỳnh Quốc Tuấn (sinh viên Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM) đã cho ra đời tựa game từ ý tưởng đồ chơi truyền thống mang tên NĂM MƯỜI.

Quốc Tuấn

Poster NĂM MƯỜI

@ Chào Tuấn, lí do từ đâu để bạn cho ra đời tựa game NĂM MƯỜI?

- Cái tên “NĂM MƯỜI” được mình lấy cảm hứng từ cách gọi trò chơi trốn tìm của người miền Nam. Người chơi sẽ đi tìm lại hình ảnh của những món đồ chơi truyền thống mà bây giờ khó thấy hoặc không còn sản xuất nữa. Đồng thời, nó còn mang ý nghĩa là độ tuổi lên năm lên mười của những đứa trẻ thích vui chơi và tìm tòi.

NĂM MƯỜI xoay quanh câu chuyện sản xuất đồ chơi của những làng nghề truyền thống: từ tìm kiếm nguyên liệu, cách làm cho đến việc trao đổi hay buôn bán... Đến với tựa game, người chơi sẽ được hóa thân thành Tít - một em bé hiếu động, ham học hỏi và xuất thân từ gia đình có truyền thống làm lồng đèn lâu đời. Từ những chiếc lồng đèn mà gia đình làm ra, Tít mang bán kiếm tiền hoặc đổi lấy những vật phẩm, nguyên liệu mới lạ hơn để sáng tạo ra những món đồ chơi khác. Trò chơi được đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam thu nhỏ với những nhân vật quen thuộc như: ông bố tài ba, người mẹ hiền hậu với bộ đồ thun lạnh đặc trưng, cô bán tạp hóa mặc áo bà ba đội nón lá, hay ông bác lớn tuổi đầu đội mũ cối...

Mùa trung thu năm 2021, mọi hoạt động gần như bị đóng băng hoàn toàn bởi đại dịch, chưa bao giờ mình khát khao được cầm trên tay chiếc lồng đèn đến như vậy. Thế là mình đã bắt đầu tìm hiểu về đồ chơi trung thu nói riêng và đồ chơi truyền thống Việt nói chung. Càng tìm hiểu sâu hơn về các làng nghề, mình càng thấy đây là một đề tài thực sự thú vị. Và từ đây mình có ý tưởng chọn NĂM MƯỜI làm đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa.

Bối cảnh game

@ Lí do vì sao Quốc Tuấn chọn hình thức cho dự án của mình là game mobile?

- Chỉ là lúc ấy mình tự hỏi: trung thu này mọi người đã không có dịp chơi lồng đèn rồi, nếu tình hình dịch kéo dài, có khi nào cô chú làng nghề bỏ nghề? Có khi nào người ta quên mất luôn đồ chơi trung thu không và còn cả những món đồ chơi truyền thống khác nữa khi mà ở thời điểm hiện tại, mọi người ai cũng có smartphone. Vậy nên mình chọn cách tiếp cận là game mobile, để vừa có thể giải trí, vừa có cơ hội tìm hiểu những món đồ chơi truyền thống độc đáo.

@ Quốc Tuấn đã bắt đầu thực hiện dự án như thế nào?

- Mình mất gần bảy tháng để thực hiện NĂM MƯỜI, bắt đầu từ việc tìm kiếm thông tin về đồ chơi truyền thống. Trong lúc tìm kiếm tư liệu, mình bất ngờ khi phát hiện một số món đồ chơi cổ của Việt Nam đến nay vẫn được trưng bày ở các bảo tàng nước ngoài như Pháp, Mỹ, Trocadero... Khi đã có đủ tư liệu, mình tiếp tục lên ý tưởng, phác thảo, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thiết kế. Riêng phần video giới thiệu game mình làm thêm kịch bản và lựa chọn nhạc sao cho phù hợp.

Mình cũng mượn NĂM MƯỜI để kể câu chuyện của chính bản thân. Hầu hết những chất liệu từ nội dung đến hình ảnh đều được lấy từ những món đồ chơi ngày bé của mình, từ cách bài trí nội thất, đồ đạc trong nhà, đến các địa điểm quen thuộc như chợ đầu mối, nhà xưởng, bến xe...

Tạo hình các nhân vật trong game

Trong lúc nghiên cứu đề tài, việc đi lại thời điểm đó rất khó khăn nên mình không có tư liệu thực tế. May mắn mình nhận được sự hỗ trợ của một người bạn, cậu ấy đã có dịp đi trải nghiệm thực tế về chủ đề này và ghi hình lại từ những năm trước.

@ Cuối cùng, điều mà Quốc Tuấn mong muốn nhất ở NĂM MƯỜI là gì?

- Mình muốn gửi gắm câu chuyện về làng nghề đồ chơi, về những người nghệ nhân ngày ngày giữ lửa cho một nét văn hóa truyền thống. Đồng thời còn là câu chuyện về một lớp trẻ say mê tìm hiểu, gìn giữ văn hóa dân tộc. Dù chỉ mới là ý tưởng game nhưng mình hi vọng rằng NĂM MƯỜI có thể góp một phần nhỏ nào đó giúp nhiều bạn trẻ, cả những người nước ngoài có đam mê tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

VĂN TÂN - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: