Chuyện đằng sau chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử

Thứ sáu, 25/06/2021 19:07 (GMT+7)

Bằng các hình thức khác nhau: kêu gọi người thân, chạy bộ, nhắn tin... nhiều bạn trẻ TP.HCM đã góp một phần tiền nhỏ của mình vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID - 19 với hi vọng đẩy lùi dịch bệnh.

Nghe podcast:

TP.HCM đang trải qua những ngày giãn cách trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 với số ca nhiễm hàng ngày đều tăng cao.

"Do tính chất công việc phải thường xuyên di chuyển nên mình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch bệnh. Nhưng may mắn mình đã kịp thời chuyển sang hình thức làm việc online tại nhà. Qua các thông tin trên báo chí, mình thấy được những hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm, các cô chú buôn gánh bán bưng vất vả làm việc để kiếm sống qua ngày. Họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mình biết rằng để chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh chỉ cần có vắc xin.

Khi biết được Chính phủ đang triển khai đàm phán mua vắc xin và ra mắt Quỹ ủng hộ vắc xin kêu gọi toàn dân chung tay để tiến đến một chiến dịch tiêm chủng quốc gia, là một công dân trẻ của thành phố, bên cạnh thực hiện chuyển khoản ủng hộ vào quỹ, mình còn kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp để lan toả chiến dịch. Mình tin rằng nhiều tấm lòng nhỏ khi đã đồng lòng, chung một mục tiêu thì trong thời gian sớm thôi, toàn dân sẽ được tiêm vắc xin, Việt Nam sẽ thành công khống chế dịch bệnh", bạn Trần Tiến Đạt (25 tuổi, Q.uận Bình Thạnh) chia sẻ.

Cũng như các bạn trẻ khác, cách ủng hộ vắc xin của bạn Nguyên Khánh (Q.8) cũng được rất nhiều bạn trẻ tham gia:

"Thời gian này, trên các trang mạng xã hội, các tổ chức uy tín đã phát động kêu gọi mọi người cùng góp vắc xin bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, mình cảm thấy thích thú nhất đó là hoạt động Run for Vaccine nghĩa là, các bạn khi đăng kí tham gia là đã đóng góp 100k vào quỹ vắc xin. Tiếp đó, người chạy sẽ chọn cự ly theo thể lực của mình như: 5km, 10km, 21km, 42km. Khi hoàn thành mỗi cự ly đã đăng kí tức là bạn đã tích luỹ được thêm một số tiền tương ứng mà ban tổ chức đã đề ra.

Người dân chờ tiêm chủng.

Là người yêu thích thể thao, mình đã đăng kí tham gia cự ly 21km. Thời gian này, các điểm công cộng, công viên đều đã ngưng hoạt động. Vì thế, mình đã lấy đoạn đường từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà khoảng 7 km để tham gia. Thay vì chạy xe máy như trước, khi chạy bộ mình có cơ hội được cảm nhận rõ hơn về đoạn đường hằng ngày mình đi qua, thấy cô bán bún, chị bán nước với bảng "chỉ bán mang về", mọi người đều đang thích nghi dần với nhịp sống đang thay đổi. Chạy bộ không chỉ đóng góp tình cảm của mình vào quỹ vắc xin mà còn rất tốt cho sức khoẻ, nâng cao thể lực và còn bảo vệ môi trường. Mình tin rằng không chỉ mình đâu, mà còn nhiều bạn trẻ khác cũng đang góp thêm những bước chân của mình vào những liều vắc xin quý giá".

Bộp ... bộp... Tiếng của những chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt va vào nhau. Hơn 5 năm nay, dù trời đổ mưa hay nắng gắt, cô Sáu Trang (58 tuổi) vẫn đều đều đi nhặt ve chai từ sáng đến chiều.

Xa quê từ những ngày còn niên thiếu, cô Sáu đã coi vùng đất Sài Gòn như quê hương thứ 2 của mình, là ngôi nhà lúc nào cũng mở rộng cửa chào đón những đứa con xa xứ. Thành phố này chứa đựng những kỉ niệm tuổi trẻ của cô. Mối tình đầu nên duyên vợ chồng với biết bao hồi ức đẹp đẽ gắn kết chặt chẽ với từng con hẻm khu Bà Chiểu nơi cô thuê nhà. Hai con người cùng nắm tay nhau, kiếm sống bằng đủ thứ nghề mưu sinh như bán cơm, chạy xe ôm, bán vé số... Khi đã lớn tuổi, cô chuyển sang nghề thu mua ve chai, nhặt chai nhựa để kiếm ít đồng.

Kể từ ngày dịch bùng phát, công việc vì thế mà cũng ảnh hưởng ít nhiều. Một thành phố đã từng rất đông vui, tấp nập giờ đây đang phải nổ lực để vực dậy khỏi dịch bệnh lây lan. Cô Sáu muốn góp chút sức lực của mình cho thành phố này.

Rồi khi thành phố kêu gọi người dân cùng góp vắc xin, những tin nhắn lần lượt được gửi vào điện thoại, cô mừng lắm. Chỉ mới hôm qua thôi, vừa bán được 85k tiền chai nhựa, tối về cô đưa con trai mình ủng hộ hết vào quỹ vắc xin. Cô chia sẻ rằng mình còn đi kiếm được tiền mỗi ngày, chứ nhiều người vì dịch mà bị thôi việc, bị cắt giảm tiền lương thì còn thương hơn, chỉ mong cho dịch bệnh mau hết, Sài Gòn sẽ trở lại những ngày tháng tấp nập, đông vui.

Vừa hoàn thành đợt cách li 21 ngày tại nhà, bạn Kim Dung (25 tuổi, TP. Thủ Đức) nằm trong nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID - 19. Do chung cư có ca nhiễm biến chủng mới của Ấn Độ, gia đình bạn và các hộ dân sinh sống đều nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định cách ly. Mỗi ngày, bạn đều được các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và đo thân nhiệt để đảm bảo rằng sức khoẻ vẫn ổn định. Những tin nhắn động viên từ gia đình và bạn bè, những gói mì tôm, quả trứng gà được tiếp tế chính là động lực lớn nhất để bạn vượt qua khó khăn.

Vắc xin - lớp đề kháng đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống COVID - 19.

"Các anh chị nhớ giữ khoảng cách an toàn, đi đúng khu vực và trình tự nhé" - các nhân viên y tế liên tục dùng loa phát thông báo cho mọi người.

Phía hành lang cánh ngoài, người dân được các bạn TNV hỗ trợ khai báo y tế, đo thân nhiệt, sàng lọc thật kĩ trước khi bước vào khu vực tiêm chủng. Từng hàng ghế giãn cách 2 mét đã được xếp ngay ngắn. Đội hình tiêm chủng hơn 20 người, ai nấy đều đang rất bận rộn với nhiệm vụ của mình: người di chuyển thùng lạnh bảo quản vắc xin, người kiểm tra lại vật dụng y tế, người chỉnh trang lại lớp áo bảo hộ. Công việc tiêm chủng vì thế mà cũng nhịp nhàng hơn rất nhiều.

- "Em cố chịu đau một chút nhé, chị sẽ làm nhanh thôi" - Chị bác sĩ thao tác nhanh nhẹn đang kín mít trong bộ đồ giống như phi hành gia với chiếc kim tiêm trên tay.

Những cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong giây lát nhưng cung cấp được rất nhiều thông tin, hướng dẫn cho người dân xử lý với các triệu chứng khó chịu.

"Khoảng 6 tiếng sau khi tiêm vắc xin, mình bắt đầu sốt, đau đầu và nhức mỏi toàn thân. Tuy nhiên, mình đã được các bác sĩ tư vấn và sàng lọc trước khi tiêm nên cũng thấy an tâm hơn. Mình cảm thấy vui và may mắn khi là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin. mình biết rằng được tiêm phòng tức là mình đang nhận được yêu thương, cỗ vũ của bạn bè quốc tế, của những người dân cả nước chung tay góp sức bằng những số tiền nhỏ bé nhưng trở thành những liều vắc xin vô cùng lớn" - Kim Dung chia sẻ.

Các y bác sĩ, lực lượng y tế cùng ra quân đồng loạt thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.

TÂM HUỲNH

Thiết kế: KHÁNH MIN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: