Chuyện đáng yêu ở tiệm trà đá

Thứ năm, 04/03/2021 16:40 (GMT+7)

Ở “cửa tiệm này”, teen không chỉ tìm được người chuyện trò, chia sẻ mà còn lĩnh hội thêm được nhiều kiến thức, kĩ năng bổ ích.

“Trà đá” là từ quen thuộc ở với người Việt Nam. Người ta thường nói với nhau “ngồi xuống làm một ly trà đá” và từ đó mọi người bắt đầu chia sẻ, bắt đầu một câu chuyện. Tiệm Trà Đá cũng bắt đầu từ những điều đáng yêu như thế. Bởi bất cứ teen nào muốn “hỏi chuyện” và cần giúp đỡ, đội ngũ admin sẽ có mặt.

Trà Đá Mentor là bắt nguồn từ xu hướng mentoring. Đây là dự án nho nhỏ bước ra từ fanpage Tiệm Trà Đá được thành lập bởi các bạn trẻ. Tại Trà Đá Mentor, khi mentee cần người hướng dẫn, “Tiệm” sẽ giúp bạn tìm kiếm và kết nối với một mentor phù hợp. Mối quan hệ giữa một người từng trải (mentor) và người đang cần được định hướng, hỗ trợ (mentee) là bước đệm quan trọng để định hướng bản thân và xây dựng những giá trị cốt lõi cho mentee. Bởi lẽ khi ấy bên cạnh teen sẽ có một người luôn lắng nghe và sát cánh cùng bạn trong quá trình thực hiện các dự định, ước muốn cá nhân và tìm hiểu bản thân.

Thay đổi bản thân chưa bao giờ là một điều dễ. Nó đòi hỏi sự kiên trì lâu dài, ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn và sự khôn ngoan biết mình cần làm gì. Bền bỉ là mấu chốt để thay đổi và cũng là thứ khó nhất để đạt được. Mentor sẽ ở bên động viên, nhắc nhở, hỗ trợ bạn để duy trì động lực dài hơi khi chán nản. Song, mentor không phải là người đưa ra giải pháp mà chính mentee sẽ phải tự ý thức được vấn đề của bản thân để thay đổi lối tư duy và hành động để tự thân định hướng phát triển sau này.

Ở “tiệm trà đá”, các mentor là những anh chị sinh viên đã đạt được nhiều thành tích cao trong nhiều lĩnh vực như học tập, kĩ năng, dự án, săn học bổng… Anh Trung Hiếu (co-founder Tiệm Trà Đá) kể: “Khoảng thời gian trung học phổ thông vô cùng quan trọng trong việc định hướng và ảnh hưởng một người sẽ là ai trong tương lai. Chính vì vậy, tụi mình đã quyết định thành lập dự án với mong muốn lan tỏa giá trị tích cực đó của mentoring cho các bạn trẻ. Tụi mình đã tạo nên bầu không khí của mentor và mentee thân thuộc như bạn bè, gia đình. Bất kể khi nào các bạn cần, đều có thể nhắn tin hỏi tụi mình”. Quá trình “mentoring” trong giai đoạn đầu diễn ra vô cùng khó khăn vì các mentor và mentee không thể gặp mặt trực tiếp do dịch Covid-19 và khoảng cách địa lí. Chính nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của các mentor mà quá trình học diễn ra dễ dàng hơn.

Anh Lâm Duy (founder dự án) kể: “Mình cảm thấy mình may mắn trong cuộc sống khi có những điều kiện thuận lợi từ bạn bè và gia đình để học tập. Điều kiện thuận lợi dành cho mình cũng đồng nghĩa với việc mất đi những cơ hội đó cho người khác.

Ví dụ, khi bạn được nhận ở một trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh cao cũng đồng nghĩa hàng chục người khác sẽ không có cơ hội nhập học. Sự may mắn đó (đến từ điều kiện ngoại cảnh, không phải từ nỗ lực của bản thân mình) khiến mình cảm thấy có trách nhiệm với cộng đồng, giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Tuy nhiên, mình không muốn thu hẹp ý nghĩa của ‘dự án cộng đồng’ chỉ là các hoạt động từ thiện hay tổ chức phi chính phủ. Mình nghĩ các doanh nghiệp xã hội hay thậm chí các tập đoàn lớn có trách nhiệm xã hội cũng đang làm tốt việc xây dựng xã hội”.

Ở “tiệm trà đá” mỗi bạn đều có câu chuyện riêng của mình. Chị Dương Ngọc Ánh (mentor của dự án) không ít lần đối diện với những cảm xúc tiêu cực của các bạn mentee khi không tìm được hướng đi cho bản thân: “Lắng nghe, cảm thông là điều tất yếu nhưng quan trọng hơn là mentor phải có khả năng hướng mentee theo một hướng phát triển tích cực hơn. Chắc hẳn trong câu chuyện mentee kể đôi khi sẽ có những cụm từ tiêu cực được sử dụng, thì đây sẽ là việc đầu tiên một mentor cần để ý. Ví dụ như, khi nghe mentee chia sẻ: “Bạn ấy chửi em”. Mentor có thể hỏi lại là: “Bạn ấy chính xác đã nói những gì?”, sau đó thì mình có thể hỏi nhẹ nhàng hơn: “À có phải ý em là bạn ấy thiếu tôn trọng em?”. Khi giải quyết vấn đề của mentee, mentor sẽ không đưa ra lời khuyên ngay từ đầu mà sẽ tìm ra điểm cốt lõi của vấn đề đó và giúp mentee tự giải quyết nó. Có như thế thì sau này khi gặp chuyện khó khăn các bạn ấy cũng sẽ biết cách để đối phó với từng vấn đề một. – chị kể.

Infographic: KIM NHUNG

Còn Bạn Thanh Kiệt (THPT chuyên Lê Hồng Phong) chia sẻ: “Khi biết đến dự án Trà Đá Mentor mình rất hứng thú đợi dự án hoàn tất giai đoạn khởi động để đăng kí trở thành mentee. Trước đây, mình từng tiếp cận hình thức trao đổi kiến thức 1 kèm 1 khi học ngoại ngữ. Mentor của mình là du học sinh ở nước ngoài nên tụi mình đã trao đổi những kiến thức về tiếng Anh cũng như định hướng du học. Hiện tại, nếu có một mentor ở Việt Nam, mình nghĩ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn”.

Một xíu về “nghề” mentor

Mentoring là một mô hình giáo dục với hình thức “1 kèm 1” khá phổ biến trên thế giới. Đây là mối quan hệ giữa một người (mentor) có kinh nghiệm trong các vấn đề về cuộc sống, đặc biệt đã ‘từng trải’ trong những lĩnh vực mentee cần phát triển và mentee (người cần hướng dẫn) người mong muốn học hỏi để phát triển tiến thân. Họ đưa ra những góc nhìn đa chiều, có giá trị hay chia sẻ những câu chuyện cá nhân ‘thú vị’ giúp mentee học hỏi và phát triển.

TƯỜNG VY - KIM NHUNG
Thiết kế: YẾN NHI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: