Có người lính ra đi từ đó không về...

Thứ năm, 25/07/2019 13:43 (GMT+7)

Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng những kí ức về ngày tháng khói lửa nơi chiến trường ở biên giới Tây Nam của 40 năm trước vẫn không bao giờ phai nhạt trong trái tim người lính…

Trong cuốn sách Mùa chinh chiến ấy, cựu chiến binh – tác giả Đoàn Tuấn kể lại rằng bác cũng như nhiều nam thanh niên thời ấy đều tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ngay khi vừa tốt nghiệp trường cấp 3. Vốn đang quen với việc cầm bút, nay phải cầm súng đi chiến đấu nên thường ra trận với một tâm thế rất hồn nhiên, mang cả suy tư học trò vào chiến trận. Do đến từ nhiều vùng miền đất nước nên “văn hóa lính K” cũng trở nên hết sức đa dạng, nhiều màu sắc. Những chàng lính trẻ lúc này không chỉ hát Tiến bước dưới quân kỳ, Cuộc đời vẫn đẹp sao… mà còn biết ca cải lương, không ngần ngại đọc cho nhau nghe những bài thơ lãng mạn.

Nhưng giây phút vui vẻ bên nhau ấy chỉ diễn ra trong tích tắc, vì cuộc chiến vẫn đang còn khốc liệt. Trong các trận đánh nơi vùng đất xa lạ, những “người lính thư sinh” ấy đã có nhiều bỡ ngỡ về những lần đầu: lần đầu cầm súng chiến đấu, lần đầu thấy đồng đội hi sinh thay mình, lần đầu đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết… Bác Đoàn Tuấn còn chia sẻ là khi chiến đấu, mỗi người luôn mang theo lọ thuốc Penicillin trong người với tinh thần sẵn sàng hi sinh bất cứ lúc nào. Không chỉ để sát trùng vết thương mà lọ thuốc còn có tác dụng đựng mảnh giấy có ghi thông tin, lỡ chết thì đồng đội chôn theo. Sau này khai quật lên may ra có thể tìm được mình.

Chưa kể đây không chỉ là cuộc chiến tranh vệ quốc đơn thuần. Ngoài nhiệm vụ giữ trọn vẹn từng tấc đất biên giới, những người lính trẻ còn mang trong mình sứ mệnh thực thi nghĩa vụ quốc tế: giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm cảnh diệt chủng. Một mặt phải chiến đấu, cảnh giác với kẻ thù luôn rình rập. Mặt khác phải cố gắng bảo toàn hình ảnh đúng mực của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở một miền đất xa lạ, không phải quê hương của mình. Trước những dồn nén kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ mười tám, đôi mươi đã vấp phải vô số thử thách, không chỉ liên quan đến sự sống và cái chết mà còn là thử thách về phẩm chất con người. Nhưng họ đã vượt qua tất cả, đã ở lại chiến đấu, chia nhau ngụm nước… từ năm này qua năm khác. Đến năm 1979, cuộc chiến kết thúc và hòa bình đã đến trong niềm vui, nước mắt hạnh phúc của mọi người.

Sau cuộc chiến tranh ấy, những người lính may mắn trở về thường mang theo kỉ vật, người khác mang vết thẹo trên cơ thể do bom đạn gây ra… nhưng tất cả đều không nặng, không đau bằng kí ức chiến tranh, ám ảnh đến dai dẳng.

“5 năm ở trong rừng toàn đi bộ nên về nhà tôi không đi được xe đạp. Nhà cửa thì có cảm giác chật chội, trong khi ở rừng thì mênh mông. Đêm thích nằm võng chứ không quen nằm giường. Tội nhất là mỗi khi đi trên đường nhựa vẫn sợ bị đạp mìn, trong giấc ngủ chập chờn cứ nghe tiếng súng bắn của kẻ thù. Bạn tôi ngày đó cùng ở kí túc xá, đêm ngủ mơ thấy lựu đạn ném vào chiến hào liền lấy chân đạp, trúng ngay cạnh sắt của chiếc giường nên bị gãy chân lần nữa và phải đi viện. Rồi khi đến thăm gia đình của những đồng đội đã ngã xuống, ba mẹ họ cứ chạy đến ôm lấy mình chặt cứng bảo: “Cháu ơi, sao cháu giống con nhà bác thế!” khiến mình không kìm được nước mắt…” – tác giả Đoàn Tuấn kể.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân (từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ 1984 – 1987, tác giả sách Mùa xa nhà) nhớ lại: “Cuộc sống ở Campuchia gian khổ, không có nước uống, tắm giặt nên người chúng tôi hôi như cú. Mùa khô các con suối nhỏ đều cạn khô khốc nên sau 3 năm, tôi trở về là con người hoàn toàn sắt đá. Nhớ rừng quá lại phải đăng ký đi Thanh niên xung phong trên Đak Nông… Kỷ vật chỉ là chiếc balo lỗ chổ lỗ thủng của đạn”.

Nguyên thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Vũ Điền (từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ 1978 – 1980, tác giả sách Rừng khộp mùa thay lá) nói: “Người lính chúng tôi sống thật như nòng súng và tính tình thì thẳng như viên đạn chỉ có một cái đích ngắm để thẳng tới nên sau này hòa nhập với cuộc sống cũng cả là một quá trình dài”. “Với tinh thần xông pha không ngại khó khăn của người lính, mình phải quyết tâm vượt lên. Không chấp nhận số phận này mà phải nỗ lực gấp mấy trăm lần so với những người bình thường nên để hòa nhập và thành công trong cuộc sống” – Tác giả Đoàn Tuấn nhấn mạnh.

Cái được nhiều nhất của những người lính năm xưa chính là tình đồng đội. Nhờ đó mà những kí ức đau thương đó tuy không thể biến mất hoàn toàn theo cuộc chiến nhưng cũng được xoa dịu phần nào.

“Chúng tôi còn được một cái nữa đó là sự bướng bỉnh. Trong cuộc sống, tôi chỉ sợ hai điều, một là sự thật, hai là người tử tế. Sợ hai điều đó là vì mình tôn trọng và lấy đó làm lẽ sống, còn lại những thứ khác tôi không sợ. Chúng tôi luôn sống và làm việc theo tinh thần của người lính trận, không ngại gì cả, kể cả những điều trái ngoe chúng tôi cũng đối đầu luôn” – bác Đoàn Tuấn chia sẻ. Bác Nguyễn Thành Nhân nhấn mạnh: “Tinh thần người lính sẽ sống mãi trong chúng tôi cho đến lúc chết”.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: