Có thể bạn chưa biết: 6 cách học tiếng Anh lạ mà hay

Thứ sáu, 16/07/2021 18:29 (GMT+7)

Học từ vựng và làm thế nào để nhớ chúng một cách thật hiệu quả luôn là vấn đề muôn thuở đối với những người học tiếng Anh.

Cùng Mực Tím "nghía" qua 6 cách học tiếng Anh vừa thú vị vừa dễ nhớ dưới đây nhé. Đảm bảo sẽ giúp bạn cải thiện được rất nhiều về khả năng sử dụng tiếng Anh hằng ngày.

Đã bao giờ bạn lướt qua những bài đăng từ vựng trên Facebook, Instagram và những dòng trích dẫn tiếng Anh vô cùng "xịn" rồi tiện tay “lưu lại để học sau vậy”. Thành thật đi, có chắc chúng ta sẽ thật sự là “học sau” không? Có một quy tắc là não bạn chỉ có thể ghi nhớ tối đa 3 từ một lúc một cách hiệu quả thôi, nhấn mạnh là nhớ một cách HIỆU QUẢ nhé. Chúng ta có thể nhồi nhét 10-20 từ một lúc, nhưng ngày mai hỏi lại liệu chúng ta có còn nhớ hay đã quên?

Thay vì vậy, khi thấy những bài đăng nhiều từ này, chọn ra 3 từ thích nhất và học một cách thật HIỆU QUẢ, đừng tiếc những từ còn lại. Sau mỗi buổi học tiếng Anh, bạn cũng nên áp dụng tip này bằng cách điểm lại trong đầu 3 từ đã học hôm nay trước khi đóng sách vở và đóng cả... não lại nhé.

Từ vựng là muôn hình muôn vẻ, mỗi từ có thể mang nhiều ý nghĩa sắc thái khác nhau, nên việc không hiểu hết nghĩa của từ mà dùng sai hoàn cảnh là không thể tránh khỏi. Giải pháp là, thay vì lẩm nhẩm 7749 lần "apple apple apple danh từ danh từ danh từ quả táo quả táo quả táo", bạn hãy học thế này: Apple is a red fruit (quả táo), Apple is the most important part of the eye (con ngươi), [Điền tên Crush vào] is the apple of my eyes (người thương yêu).

Việc này sẽ giúp bạn không cần phải xoắn não suy nghĩ xem từ loại là gì, nên đặt câu với từ này như thế nào, nên đi cùng giới từ gì, ngữ cảnh có đúng không, đơn giản là vì bạn có 1 ví dụ ngay trong đầu. Bạn sẽ dùng ngôn ngữ một cách native (bản xứ) hơn vì não bộ của bạn đã mặc định rằng từ đó phải được dùng theo cụm thế này. Khi nói hoặc viết, cả cụm và câu sẽ tự động "phát" ra một cách mượt mà, chứ không phải từng từ rời rạc không có cú pháp rõ ràng.

Khi đã lỡ bỏ công ghi nhớ 1 từ rồi thì đừng tiếc thêm vài giây để tra từ điển để biết thêm các từ loại khác của nó. Một khi đã nhớ từ gốc, thì chỉ cần nhìn thoáng qua vài giây là não bộ sẽ ghi lại gia đình (word family) của nó rất nhanh. Chưa kể là các từ loại giống nhau thường có các hậu tố giống nhau, ví dụ, tính từ có -al (national), -le (gentle), danh từ có -tion (nation), -ness (gentleness)... Về mảng này thì chúng ta có thể dùng từ điển online Cambridge Dictionary nhé, chỉ cần nhập 1 từ thì kết quả sẽ hiển thị luôn cả "dòng họ" của nó :> Việc này sẽ đặc biệt hữu ích cho việc viết essay formal và nâng tầm paraphrase (viết lại câu).

Một ngôn ngữ chứa đựng cả một nền văn hóa và lối tư duy khác nhau. Ngày còn bé lúc mới bắt đầu học ngôn ngữ thì từ điển Anh-Việt là rất hữu ích để giúp người học hiểu được những nền tảng cơ bản. Nhưng từ trình độ A2 (tương đương lớp 6,7) trở lên, hãy tập thói quen dùng từ điển Anh-Anh để định hình lối tư duy đúng với tinh thần của ngôn ngữ.

Tưởng tượng khi gặp con mèo, chúng ta mất 0.5s để não bộ xử lí được nó là 'con mèo' thêm 0.5s để dịch qua tiếng Anh 'a cat'. Thay vì vậy, khi học định nghĩa và ví dụ bằng tiếng Anh, não đã kết nối hình ảnh con mèo với chữ 'a cat' và chúng ta sẽ không phải mất thêm 0.5s để dịch nó. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, trong những trường hợp khác, bạn sẽ bắt gặp những từ được hình thành từ nền văn hóa của quốc gia của họ nên sẽ không thể tìm được từ tương đương trong tiếng Việt.

Kết hợp những tip từ vựng trước đây, chúng ta sẽ chọn 3 từ để học, học bằng cả câu tiếng Anh, kèm word family. Trong ngày hôm đó, ta cần phải giữ 3 từ đó trong đầu mình và cố gắng áp dụng nó cho những thứ mình nhìn thấy, gặp phải, nhiều nhất có thể. Ví dụ: Hôm nay ta chọn học từ persuade (v.) thuyết phục thì chúng ta sẽ học thế này:

- Sáng nay bạn ghé xe bánh mì quen thuộc đầu đường, theo thói quen sẽ lẩm nhẩm "I'll persuade auntie Banh Mi to give me more meat". (Mình sẽ thuyết phục dì Bánh Mì cho thêm thịt)

- Sau đó bạn đến trường , đang ngồi gặm bánh mì thì có một em cún đến nhìn bạn bằng ánh mắt long lanh "His persuasive eyes give me no choice but to give him some meat from my Banh Mi". (Ánh mắt đầy thuyết phục của chú cún không cho mình lựa chọn nào khác ngoài việc phải cho nó thịt từ ổ Bánh Mì ngon lành của mình)

Cứ tiếp tục làm vậy với 2 từ còn lại và áp dụng suốt ngày hôm đó thì chắc chắn bạn đã ghi nhớ được từ đó một cách hiệu quả rồi đó.

Xem phim tiếng Anh để học từ là chuyện "xưa như Trái Đất" rồi đúng không? Nhưng xem như thế nào và học như thế nào cho đúng, và quan trọng hơn.... không bị lười? Vì tâm lí xem phim cứ mỗi khi màn hình hiện 1 từ mới, bạn lại lật đật dừng lại, mở từ điển tra, rồi học vội học vàng, kết quả là sau khoảng 5-7 từ, sẽ bắt đầu quên, mà phim thì lại cứ bị gián đoạn, mất hay. Vì thế, việc bị mất động lực sau vài ngày là không tránh khỏi.

Do đó, áp dụng mẹo học số 6 này sẽ cho bạn một trải nghiệm vừa xem phim vừa học từ vựng hiệu quả hơn. Một số series phim nên xem để học tiếng Anh là FRIENDS, The Office, How I met your mother, Grey's anatomy.

NHI NGUYỄN

(Nguồn: Con Mèo dạy con Chó tiếng Anh)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: