Cử tạ Paralympic 2024 (Powerlifting) thi đấu ra sao?

Thứ năm, 05/09/2024 06:21 (GMT+7)

Cử tạ (Powerlifting) là môn thể thao lâu đời được đưa vào nội dung thi đấu tại các kỳ Paralympic.

Cử tạ Paralympic 2024 (Powerlifting) thi đấu ra sao?- Ảnh 1.

Lê Văn Công (bìa phải) với tấm HCĐ Paralympic 2024 - Ảnh: AFP

Trang chủ Google Doodle vừa xuất hiện hình ảnh môn cử tạ Paralympic (Powerlifting). Đây cũng là môn mà lực sĩ Lê Văn Công đã giành huy chương đồng cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2024.

Cử tạ Paralympic là môn phát triển nhanh nhất

Theo trang web Paralympic, cử tạ là môn thể thao phát triển nhanh nhất xét về số lượng người tham gia, hiện được tổ chức tại hơn 100 nước. 

Hiện tại, ngoài Paralympic tổ chức 4 năm 1 lần, còn có giải vô địch thế giới và các giải đấu khu vực dành cho các vận động viên người khuyết tật.

Lịch sử môn cử tạ Para

Từng xuất hiện tại Paralympic Tokyo1964 nhưng mãi đến Paralympic New York 1984, môn cử tạ mới được công nhận là một nội dung thi đấu chính thức.

Dù vậy, trong lần đầu tiên được công nhận, môn thi này chỉ dành cho nam giới. Khi đó có 16 vận động viên nam từ 6 quốc gia tham gia thi đấu.

Đến năm 2000, tại Paralympic Sydney 2000, hạng mục cử tạ dành cho nữ mới lần đầu được giới thiệu lần đầu tiên.

Giải đấu đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về mức độ cạnh tranh. Tại Paralympic Tokyo 2020, môn cử tạ thu hút 178 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.

Tại Paralympic Paris 2024, môn cử tạ có đến 180 vận động viên tham gia tranh tài. Có tổng cộng 20 bộ huy chương cho 20 hạng cân thi đấu (gồm 10 dành cho nam và 10 dành cho nữ).

Luật thi đấu của môn cử tạ Paralympic 

Mỗi vận động viên người khuyết tật (thuộc 1 trong 8 loại khiếm khuyết theo quy định) chọn trọng lượng tạ để nâng. 

Với sự hỗ trợ của huấn luyện viên, vận động viên sẽ gỡ tạ khỏi giá theo lệnh của trọng tài, hạ tạ xuống ngực, giữ tạ trong vài giây. Sau đó lại đẩy tạ lên cho đến khi tay duỗi thẳng hoàn toàn và khuỷu tay khóa chặt.

Khi xác định rằng vận động viên đã hoàn thành động tác nâng, trọng tài sẽ ra lệnh để vận động viên đặt tạ trở lại giá.

Kết quả các lần nâng sẽ được 3 trọng tài quyết định dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể. Đồng thời vận động viên cũng có 3 lần thử. Người nâng được trọng lượng nặng nhất sẽ là người chiến thắng.

Ngoài ra, vận động viên có thể thực hiện lần nâng thứ 4 để phá kỷ lục Paralympic hoặc kỷ lục thế giới. Tuy nhiên, lần thử này không ảnh hưởng đến kết quả thi đấu cuối cùng.

Khoảnh khắc đáng nhớ của đoàn Việt Nam với môn cử tạ Para

Ngày 4-9, lực sĩ Lê Văn Công đã giành huy chương đồng tại Paralympic Paris 2024 với mức tạ 171kg.

Dù đây là huy chương đồng đầu tiên cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại giải đấu năm nay nhưng lại là lần thứ 4 lực sĩ Lê Văn Công đạt thành tích ở hạng mục thi đấu này.

Anh hiện giữ kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg với thành tích 183,5kg. Thành tích này được anh thiết lập tại giải vô địch thế giới diễn ra ở Mexico vào năm 2017.

Còn tại Paralympic 2016, anh giành huy chương vàng với thành tích 183kg và tại Paralympic 2020 là huy chương bạc.

Ở nội dung này, một lực sĩ khác của đoàn Việt Nam là Nguyễn Bình An đã thi đấu không thành công.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: