Đặc khu là gì? Bao nhiêu tỉnh, thành có đặc khu sau sáp nhập?

Thứ tư, 02/07/2025 09:47 (GMT+7)

Sau sáp nhập, 9 tỉnh, thành có đặc khu. Trong đó có trường hợp 1 địa phương sở hữu 3 đặc khu.

Đặc khu là gì? Bao nhiêu tỉnh, thành có đặc khu sau sáp nhập? - Ảnh 1.

Đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Sau sáp nhập, một loạt huyện đảo, thành phố đảo chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu.

Các tỉnh, thành có 1 đặc khu

Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị (tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị cũ sáp nhập) có diện tích 12.700 km2, dân số 1.870.845 người.

Tỉnh mới có 78 đơn vị hành chính cấp xã, 69 xã, 8 phường, 1 đặc khu Cồn Cỏ.

Thành phố Đà Nẵng

TP Đà Nẵng (TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũ sáp nhập) có diện tích 11.859,59 km2, dân số 3.065.628 người.

TP mới 94 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 70 xã, 23 phường, 1 đặc khu Hoàng Sa.

Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi cũ sáp nhập) có diện tích 14.832,55 km2, dân số 2.161.755 người.

Tỉnh mới có 96 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 86 xã, 9 phường, 1 đặc khu Lý Sơn.

Khánh Hòa

Tỉnh Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa cũ sáp nhập) có diện tích 8.555,86 km2, dân số 2.243.554 người.

Tỉnh mới có 65 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu Trường Sa.

Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng (tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng cũ sáp nhập) có diện tích 24.233,07 km2, dân số 3.872.999 người.

Tỉnh mới 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 103 xã, 20 phường, 1 đặc khu Phú Quý.

TP.HCM

TP.HCM (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM cũ sáp nhập) có diện tích 6.772,59 km2, dân số 14.002.598 người.

TP.HCM mới 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 54 xã, 113 phường, 1 đặc khu Côn Đảo.

Các tỉnh, thành có 2 đặc khu

Quảng Ninh

Quảng Ninh là 1 trong 11 tỉnh, thành không thuộc diện sáp nhập.

Sau khi tổ chức lại theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Quảng Ninh có 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã, 30 phường, 2 đặc khu Vân Đồn và Cô Tô.

Thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng (TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cũ sáp nhập) có diện tích 3.194,72 km2, dân số 4.664.124 người.

Thành phố mới có 114 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 67 xã, 45 phường, 2 đặc khu Cát Hải và Bạch Long Vĩ.

Tỉnh có 3 đặc khu

Trong số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, An Giang là địa phương duy nhất có đến 3 đặc khu.

Tỉnh An Giang (tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang cũ sáp nhập) có diện tích 9.888,91 km2, dân số 4.952.238 người.

Tỉnh mới có 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 85 xã, 14 phường, 3 đặc khu Kiên Hải, Phú Quốc và Thổ Châu.

Như vậy, cả nước hiện có tổng cộng 13 đặc khu thuộc 9 tỉnh, thành.

11 đặc khu Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo trước đây là 1 huyện đảo.

Riêng đặc khu Thổ Châu trước đây là xã Thổ Châu (thuộc TP Phú Quốc cũ), rồi được tách ra thành 1 huyện riêng, sau đó trở thành đặc khu cùng với Phú Quốc.

Đặc khu là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê:

- Đặc khu là đơn vị hành chính đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng riêng về kinh tế, chính trị hoặc quân sự.

- Còn đặc khu kinh tế là khu vực dành riêng để thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, với những chính sách có ưu đãi.

Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Điều 1, Chương 1, dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nêu rõ:

- Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại hải đảo;

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.

- Đặc khu tại hải đảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: