Đi theo tiếng gọi trái tim mình

Thứ ba, 01/09/2020 22:12 (GMT+7)

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử, cả nước dõi theo sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khí thế hào hùng đó được tái hiện qua lời kể của bác Nguyễn Trọng Xuất (Phó Chủ tịch Thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM) khi bác là một trong những người đứng trong hàng ngũ diễu hành tại Sài Gòn lúc đó.

Tôi gặp bác Xuất tại nhà riêng. Bác năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, giọng trầm ấm, nhẹ nhàng. Bác tươi cười kể lại những kí ức ngày ấy.

Năm 1945, bác Xuất vẫn còn là thiếu niên nên chưa thể tham gia các phong trào biểu tình chống Pháp trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, bác được giao nhiệm vụ canh giữ kho lương thực, thóc gạo của người dân góp vào nuôi quân ta. Mỗi buổi tối, bác cùng các bạn trong tổ thay phiên nhau đứng gác ở kho lương, mỗi nhóm gác trong vòng hai tiếng. Nghe tin lễ độc lập sắp đến, bác rất vui mừng, phấn khởi, và càng vui hơn khi tổ chức chọn nhóm của bác tham dự diễu hành vào ngày 2 tháng 9 tại đường Cộng Hòa (Lê Duẩn ngày nay).

Nhân dân Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) mít tinh chào mừng ngày Độc lập ngày 2/9/1945

Bác Xuất nhớ lại: “Bác được dặn phải chuẩn bị đồng phục để tham gia diễu hành. Đó là quần sọt xanh và áo sơ mi màu gì cũng được. Ngày xưa vải rất thiếu thốn nên không mấy ai có quần dài. Bác may mắn có đủ bộ quần áo như yêu cầu. Trước ngày trọng đại, bác phải ở nhà tự tập cách đi đều bước 1, 2, 1, 2… theo lời dạy của các anh để hôm đó có thể đi diễu hành thật đều, đẹp, long trọng”.

Ngày hôm đó, bác dậy từ sớm, mặc quần sọt, áo sơ mi trắng chỉnh tề, đội nón ca-lô và đeo chiếc huy hiệu của đội Thiếu niên Tiền phong, tập trung cùng các bạn trong nhóm mình để chờ hiệu lệnh. Ở trung tâm Sài Gòn lúc ấy, số lượng người rất lớn, trải dài từ Thảo cầm viên đến dinh Nô-rô-đôm (Hội trường Thống Nhất hiện nay), còn lễ đài được dựng trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), ngay phía sau nhà thờ Đức Bà. Bác Xuất được lệnh đi diễu hành trên đoạn đường này. Không chỉ có người Sài Gòn, nhân dân từ các tỉnh như Tây Ninh, Mỹ Tho, Long An, Cần Thơ… cũng kéo về Sài Gòn tuần hành, biểu dương lực lượng.

Bác và các bạn được ưu tiên đứng ở những hàng đầu trong đoàn diễu hành. Khi có hiệu lệnh, bác bước đều theo tiếng còi, cố giữ thẳng hàng vòng qua các ngả đường. Hai bên đường người dân đứng rất đông, ai cũng hô vang khẩu hiệu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cảm giác của bác lúc đó đầy tự hào và cũng hừng hừng khí thế để góp sức mình cho đất nước.

Sau bài phát biểu của Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu, bác Nguyễn Lưu (Chủ tịch Tổng Công đoàn Nam bộ) đã đứng lên đọc lời thề: “Nếu Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa, chúng tôi quyết không tiếp tay cho Pháp, không đi lính cho Pháp, không cung cấp lương thực cho Pháp”. Cả một rừng người ở đó đã hô lời thề rất khí thế và đầy quyết tâm: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”, vang to như tiếng sấm rền. Bác Xuất cũng dõng dạc giơ cao cánh tay đọc lời thề. Chính khí thế ấy đã tạo nên những trái tim sục sôi ngọn lửa cách mạng, quyết tâm giành độc lập cho nước nhà.

Sau năm 1945, bác Xuất đã chính thức đứng vào hàng ngũ của đội Thanh niên Xung phong, đóng góp hết mình cho Cách mạng và trở thành nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Định sau này. Vẫn mỉm cười, bác Xuất nhớ lại câu nói của một người thầy của mình, cũng là Đảng viên, cách đây 75 năm: “Chỉ cần mình có trái tim yêu nước, thì dù là lúc nào, ở đâu, mình cũng có thể cống hiến”.

NGUYÊN THẢO - Ảnh: NT, TL

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: