Đọc ngay những tựa sách này để thấy tiếng Việt giàu đẹp như thế nào

Thứ sáu, 08/11/2024 13:28 (GMT+7)

Tiếng Việt giàu đẹp là tên bộ sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, cũng là lời khẳng định của các tác giả về sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt.

Đọc ngay những tựa sách này để thấy tiếng Việt giàu đẹp như thế nào- Ảnh 1.

Từ phải qua: nhà báo Lê Minh Quốc, PGS.TS TrầnThị Ngọc Lang, GS.TS Nguyễn Đức Dân, PGS.TSTrịnh Sâm và nhà báo Dương Thành Truyền trong buổi giao lưu, chia sẻ chủ đề Tiếng Việt giàu đẹp - Ảnh: NXB Trẻ cung cấp

Nước len lỏi vào lời ăn tiếng nói hằng ngày

Nhà báo Dương Thành Truyền (tác giả sách Tình ca tiếng nước ta) chia sẻ: “Khi đọc Triết lý tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Đức Dân, chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị. 

Chẳng hạn, nhiều quốc gia trên thế giới dùng chữ “đất” để chỉ đất nước, còn người Việt lại dùng chữ “nước” để chỉ về Tổ quốc. 

Như vậy, từ “nước” đi vào lời ăn tiếng nói của chúng ta rất sâu đậm. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta hay nói “quá giang” (giang có nghĩa là con sông - PV) mặc dù đi ké xe, hoặc đi bộ nhưng vẫn phải lội nên có từ “lội bộ”...”.

Ăn uống đi sâu vào đời sống

PGS.TS Trịnh Sâm (tác giả sách Đi tìm bản sắc tiếng Việt) cũng chỉ ra một cách sử dụng tiếng Việt khá thú vị khác trong đời sống đương đại.

 “Chúng ta thường gắn các sự vật, sự việc với chuyện ăn uống. Ví dụ khi nói về tình yêu, chúng ta sẽ có các cụm: “hâm nóng tình yêu”, “tình yêu nguội lạnh”... 

Còn học trò thường nói vui với nhau: “học cho nhiều rồi cũng bội thực”, “đọc nhiều đâu có tiêu hóa nổi”... Kể cả việc nhận xét “ngon, dở” không chỉ dùng cho món ăn mà còn cho các thứ khác. Chẳng hạn: “Chiếc xe này chạy ngon quá”, “Người này ứng xử dở quá”...”.

Tiếng Việt phương Nam đa sắc màu

PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang (tác giả sách Tiếng Việt phương Nam) “bật mí”: “Tôi đã dành thời gian tìm hiểu các khía cạnh địa lý, tự nhiên, xã hội, văn hóa... ảnh hưởng đến tiếng Việt ở Nam bộ như thế nào và phát hiện ra nhiều điều thú vị. 

Chẳng hạn, khi tiếp xúc với người Chăm, người Hoa, người Khmer thì người Việt chúng ta đã có những sự tiếp nhận và biến tấu sao cho phù hợp.

Người Khmer có chữ “ên” nghĩa là một mình, nhưng để phát âm cho thuận tai thì người Việt thêm chữ “mình” vào trước thành “mình ên”. Hay chúng ta vay mượn những tiếng gọi của người Hoa để dùng hằng ngày như: chế, tía, bòn... Tên món ăn cũng có nhiều từ mượn: xíu mại, lạp xưởng, xí muội... và được dùng như từ toàn dân. Chính điều này góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa và từ ngữ tiếng Việt của chúng ta”.

Nên xem từ vay mượn là từ thuần Việt

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc (tác giả sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm) nêu quan điểm rằng chúng ta nên xem những từ vay mượn tiếng nước ngoài là từ thuần Việt.

“Bởi vì người cho vay mượn chưa chắc biết và hiểu người Việt đã sử dụng chúng thế nào”. Thường chúng ta không sử dụng “xác chữ” như nguyên bản mà sẽ biến tấu sao cho phù hợp với văn hóa, ngữ cảnh nước mình.

Chẳng hạn, chúng ta có khẩu ngữ “xài líp ba ga” có nghĩa là xài cho thỏa thích, cho đã đời. Trong đó, “líp” là từ vay mượn libre tiếng Pháp có nghĩa là tự do, tùy ý; còn “ba ga” vay mượn bagage cũng của Pháp nghĩa là hành lý. 

Thời xưa, khi đi xe đò thì ai mang bao nhiêu hành lý sẽ bị tính tiền bấy nhiêu. Nhưng nếu nhà xe cho hành khách đem bao nhiêu cũng được, không tính khối lượng hành lý để quy ra tiền thì tức là cho họ gửi “líp ba ga”.

Như vậy, từ một cụm từ chỉ sự việc A người Việt lại dùng cho nhiều sự việc B, C... khác nhau. Khi đi mua hàng, nghe người bán rao “giảm líp ba ga” là biết mặt hàng đó đang giảm giá hết cỡ, hay chủ tiệc mời khách cứ “ăn uống líp ba ga” là biết bữa nay được một chầu no nê, xả láng tới sáng...

Tiếng Việt ngược xuôi, xuôi ngược

Nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ thêm: “Ở nước ngoài, trong đề thi thường có câu hỏi cho 5 - 7 từ đảo lộn vị trí để học sinh ghép lại thành câu có nghĩa, đúng ngữ pháp nhưng với Việt Nam thì không. 

Như tên bài hát Đêm thành phố đầy sao thì có người đọc lại thành “Sao đầy phố thành đêm”; hoặc đại gia sẽ hỏi “Tiền nhiều để làm gì?” còn người khác hỏi lại “Làm gì để nhiều tiền?”... Người Việt chúng ta có thể nói ngược, nói xuôi, thậm chí là sáo chữ nên nhà thơ Hàn Mặc Tử mới có thể biến 1 bài thơ thành 6 bài, vua Thiệu Trị sáng tác 1 bài thơ Vũ trung sơn thủy thành 64 bài”.

Tiếng Việt cắc cớ cũng cứng cựa

Là một tựa sách mới của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc viết, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành.

Thông qua tập sách này, bạn sẽ biết thêm được nhiều từ ngữ dùng để chỉ sự vật, sự việc tuy có thay đổi theo thời gian nhưng vẫn phản ánh cách ăn nói lịch lãm, uyển chuyển, sâu sắc của người Việt mình.

Đồng thời cho thấy tiếng Việt tràn đầy sức sống, thừa khả năng biến hóa, tiếp cận, tiếp nhận thêm vốn từ nước ngoài, đáp ứng được mọi nhu cầu của người sử dụng trong mọi thời đại.

Đọc ngay những tựa sách này để thấy tiếng Việt giàu đẹp như thế nào- Ảnh 3.

Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM cung cấp



Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: