Đọc sách mùa dịch: Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Thứ sáu, 16/07/2021 18:29 (GMT+7)

Một tự truyện giản dị mà thâm sâu được Haruki Murakami góp nhặt từ những nghiền ngẫm của ông khi chạy bộ.

Lời tựa của cuốn sách mở ra cho ta một trường suy ngẫm: "Đau khổ là tự nguyện". Đứng trên lập trường của một người chạy bộ, hay từ bất kì vị trí nào, những đau đớn là không thể tránh khỏi, song việc có vượt qua nó hay không lại tuỳ thuộc rất nhiều vào chính mỗi cá nhân. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã thuật lại hành trình tham gia những buổi chạy đua Marathon hay cuộc đua Ba môn phối hợp mà ông đã kinh qua với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua các chặng. Hầu hết những trải nghiệm ấy chẳng hề dễ dàng, song với ý niệm "đau khổ là tự nguyện", ông vẫn dần dà vượt qua mọi thử thách mình đề ra.

Haruki Murakami ở Marathon năm 1983 (hình ảnh được trích từ sách)

Thi thoảng, ông vẫn lặp lại quan điểm của những "người ngoài" khi họ nhìn vào lối sống của ông. Có gì đó "vô bổ", "phù phiếm" hoặc thậm chí "điên rồ" khi có ai đó chạy 26,2 dặm (khoảng 42km) từ Athens đến Marathon (đoạn đường Marathon khởi thuỷ từ câu chuyện của huyền thoại Pheidippides) dưới cái nắng gay gắt của Hy Lạp chẳng vì một cuộc thi nào. Song Haruki Murakami vẫn quyết định làm điều ấy (phần vì sự chính trực của mình) và ấy là một sự lựa chọn.

Lý giải cho sự đau khổ tự nguyện ấy, ông viết: "Có thể nó là một hành động vô ích nào đó, như tôi đã nói trước đây, đổ nước vào một cái chảo cũ có lỗ thủng dưới đáy, nhưng ít nhất công sức ta đổ ra cho nó vẫn còn lại. Dù nó có ích lợi cho cái gì hay không, tuyệt vời hay toàn toàn không, nghĩ đến tận cùng thì điều quan trọng nhất là cái ta không thể nhìn thấy mà có thể cảm thấy trong tim mình."

Nhan đề của mỗi chương là một nét chấm phá cá tính của tác giả. Chỉ một chi tiết nhỏ song cô đọng được chọn ra làm tiêu đề tạo cảm giác thú vị, kích thích sự tò mò với độc giả. Dòng thời gian qua từng chương tuy có chút "lộn xộn" song lại mang đúng tinh thần "một cuốn sách trong đó tôi suy ngẫm những thứ khác nhau và chuyển ý nghĩ thành lời".

Văn phong khiêm nhường, gần gũi mà mạnh mẽ của Haruki Murakami có sự tương đồng với cách ông chạy bộ. Chẳng hề huênh hoang song lại vô cùng đáng nể. Trong mối tương quan giữa viết văn và chạy bộ, tác giả còn mở ra những suy ngẫm về hành vi thể chất và hành vi tinh thần.

Có những định kiến nhất định của người ta về lối sống của một tiểu thuyết gia. Có phải một lối sống không lành mạnh mới tạo ra một nghệ sĩ đủ khả năng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị? Lành mạnh và không lành mạnh có nhất thiết phải nằm ở hai thái cực đối lập nhau trong một quang phổ? Tất cả những điều đó được ông lý giải qua hành trình chạy bộ của chính mình và cụ thể hơn là qua quyển sách này.

Lắng nghe hành trình bền bỉ với "nghiệp chạy bộ" của Haruki Murakami, phần nào ta cảm thấy được đồng cảm và truyền động lực trước những khó khăn của cuộc sống và những lựa chọn "gây đau khổ" của chính mình. Ấy là một tác phẩm sâu lắng mà sau khi đọc, thi thoảng tôi lại tự vấn trong tiềm thức: "Đau khổ là tự nguyện".

ĐOAN DUNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: