Dồn sức chạy nước rút, chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM

Thứ ba, 02/04/2024 11:29 (GMT+7)

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024 tổ chức hai đợt, vào ngày 7-4 và 2-6.

Dồn sức chạy nước rút, chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Nỗ lực hết mình để chinh phục điểm số

Đặt mục tiêu đạt từ 900-1000 điểm tại kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM và đỗ vào Trường đại học Ngoại Thương, bạn Ngô Phạm Thanh Hiền (lớp 12C2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) có những đêm thức đến 3 giờ sáng để giải đề.

Là học sinh chuyên các môn tự nhiên nên Thanh Hiền gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của khối xã hội. Ngoài ra, việc miêu tả cảm xúc hay luận về một tác phẩm nào đó cũng là điểm yếu của bạn.

Để khắc phục điểm yếu của mình, Hiền phải thường xuyên đọc lại các nội dung trong sách giáo khoa, tham khảo trên mạng những ý chính, cốt lõi trong bài để tìm cách học nhanh và dễ hiểu nhất.

Dù thế mạnh ở các môn tự nhiên nhưng Hiền vẫn thấy lo lắng vì phải nhớ các công thức, cách giải và phải linh hoạt mọi dạng đề. Ngoài ra, phần lý thuyết của những môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cũng khiến bạn đau đầu khi phải suy luận một cách ngắn gọn nhất mà vẫn đầy đủ ý.

Thời gian đầu Nguyễn Thị Ngọc Kiều (lớp 12A3, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) loay hoay chưa biết bắt đầu ôn tập từ đâu. Kiều phải lên mạng xã hội tìm kiếm cụm từ này, hỏi thầy cô trên lớp định hướng quá trình ôn thi.

Ngoài ra Kiều còn lên các hội nhóm trên mạng tìm kiếm những bạn ôn thi giống mình và lập thành nhóm nhỏ cùng nhau giải đề và trao đổi việc học. Đến nay bạn đã sẵn sàng chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới.

Dồn sức chạy nước rút, chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM- Ảnh 2.

Ngọc Kiều mong muốn đạt được 950-980 điểm trong kỳ thi đánh năng lực sắp tới- Ảnh: NVCC

Bạn Phan Đức Huy (lớp 12KC3, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học quốc gia TP.HCM) cho biết bạn gặp khó khăn trong việc học hiểu và học thuộc các môn tự nhiên như Toán, Hóa, Sinh.

Để cải thiện khuyết điểm, Huy thường xuyên xem các bài giảng hướng dẫn cách giải bài tập của thầy cô chuyên ôn thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội, qua đó không những dễ dàng nắm được các công thức mà còn biết thêm nhiều cách giải bài tập nhanh chóng.

"Mình thường học theo một thời gian cố định trong ngày. Sáng mình làm Văn, trưa giải Toán, chiều làm bài tập các môn khác. 

Mỗi ngày mình luôn dành khoảng 1-2 tiếng để giải trí bằng cách đọc truyện, sách, vẽ tranh hoặc xem tivi cùng cha mẹ.

Trong lúc học tập, cha mẹ luôn tạo cho mình một không gian yên tĩnh, mua những món mình thích, và không bao giờ áp đặt điểm số lên mình cả”, Huy chia sẻ.

Cựu binh chia sẻ bí quyết chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực

Bạn Hàng Nhật Long (sinh viên Trường đại học Bách Khoa TP.HCM) đã chia sẻ lại những kinh nghiệm ôn tập của bạn để đạt được con số 1004 điểm thi đánh giá năng lực.

Dồn sức chạy nước rút, chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM- Ảnh 4.

Hàng Nhật Long - Ảnh NVCC

Kinh nghiệm ôn tập của bạn là học đều hết tất cả các môn, nắm vững những kiến thức cơ bản trong đề thi. Sau đó, tìm ra chiến lược làm bài, phân bố thời gian sao cho hợp lý.

Một ngày bạn dành ra khoảng 20 phút cho phần ngôn ngữ, 50-60 phút cho phần toán logic. Còn lại bạn dùng để giải quyết những câu chưa làm được và phân bổ thời gian thư giãn hợp lý.

Bạn Nguyễn Nhật Long (18 tuổi, sinh viên Trường đại học Khoa Học Tự Nhiên) đã chia sẻ lại kinh nghiệm, định hướng ôn tập trong kỳ thi đánh giá năng lực để đạt được con số 980 điểm của mình.

Dồn sức chạy nước rút, chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM- Ảnh 5.

Bạn Nguyễn Nhật Long -Ảnh: NVCC

Khi giải đề, bạn làm cần thực hiện 3 lưu ý:

* Làm bài và tự canh thời gian, sau đó kiểm tra lại đáp án, xem mình sai ở đâu, có bị lố giờ không.

* Sau khi làm xong, biết được kết quả thì tự đặt câu hỏi cho bản thân, tại sao đáp án lại như vậy? Tự giải lại những câu bản thân chưa hiểu, chưa biết làm, tìm ra nguyên tắc của nó. Sau đó áp dụng với những câu có dạng tương tự, đồng thời tìm ra cách giải nhanh nhất, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo độ chính xác.

* Đối với những câu quan trọng chủ chốt trong đề thi, tìm những tài liệu liên quan để đọc, điều này không những bổ sung kiến thức mà còn giúp ích rất nhiều trong cách giải bài.

Vì thời gian làm bài là 150 phút cho 120 câu nên Nguyễn Nhật Long phải sắp xếp thời gian cho phù hợp và làm nhanh nhất có thể. Trong lúc thi, cứ khoảng 5 phút bạn sẽ tô những đáp án đã làm được một lần, tránh trường hợp những phút cuối không tô kịp.

Trong lúc làm bài nên làm các câu dễ trước theo thứ tự từ câu 1 đến 120. Trong quá trình làm những câu khó nên đánh dấu lại. Sau khi đã làm xong tất cả mới quay lại giải quyết câu khó. Đối với những câu bản thân chưa chắc chắn bạn thường sẽ suy luận đưa ra phương pháp loại trừ, đáp án nào phù hợp sẽ giữ lại.

Về kỳ thi đánh giá năng lực

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM được tổ chức trong hai đợt vào ngày 7-4 và 2-6.

Đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.

Số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM đợt 1 năm nay tăng đáng kể với 96.070 lượt đăng ký. Đây là số lượng thí sinh đăng ký đông nhất từ trước đến nay.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: