Đừng chủ quan khi nuốt phải xương cá

Thứ tư, 17/05/2023 16:27 (GMT+7)

Các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Bình Dân kịp thời phẫu thuật cứu tính mạng một bệnh nhân tên G (Bến Tre) khi chị bị xương cá rô phi xuyên thủng thực quản và thủng động mạch chủ ngực

Cụ thể, sau khi ăn cá rô phi, chị G. thấy khó chịu ở vùng cổ. Chị nuốt thêm vài miếng cơm thì thấy tức ngực. Đến chiều cùng ngày,cảm thấy cơn đau không giảm nên chị đi khám.

Tại thời điểm cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân, chị G. sốt, vẻ mặt lừ đừ, đau tức ngực và mệt nhiều. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị vật sắc nhọn xuyên thành thực quản, làm thủng động mạch chủ ngực phức tạp, phải hội chẩn toàn viện để phẫu thuật.

Dựa trên chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ lần tìm và bộc lộ đoạn động mạch chủ ngực bị xương cá xuyên thủng đã tạo một túi giả phình (do vết thủng làm máu rò rỉ ra và đóng lại ở các mô xung quanh). Khâu mạch máu đòi hỏi phải kẹp mạch máu ngăn lưu lượng máu chảy để các bác sĩ có thể thao tác.

Đây là bước khá áp lực về thời gian, vì bác sĩ phải thực hiện chính xác và nhanh chóng nhất nhằm tránh nguy cơ động mạch chủ bị kẹp quá 30 phút sẽ gây hoại tử các tạng trong ổ bụng do thiếu máu nuôi.

Các bác sĩ kiểm tra vết thương cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Theo các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật hiếm gặp này, đường di chuyển của mảnh xương cá rất “thử thách”. Dị vật đã xuyên thành thực quản ra ngoài lồng ngực rồi đâm thủng động mạch chủ ngực xuống (đoạn 1/3 trên). Đặc biệt, mảnh xương cá không còn ở vị trí như hình ảnh trên phim CT-scan chụp trước đó mà trôi tự do trong lồng ngực.

Việc một dị vật có cạnh sắc nhọn rời khỏi thực quản, mang theo vi khuẩn, đâm thủng động mạch chủ ngực và đang di chuyển tự do trong khu vực trung thất là cực kỳ nguy cơ vì đây là khu vực chứa hầu hết các cơ quan và mạch máu quan trọng của cơ thể. Người bệnh có thể tử vong vì thủng động mạch chủ gây mất máu hoặc viêm, áp xe trung thất do vi khuẩn, dịch tiêu hóa thoát vào trung thất.

Sau gần 30 phút tìm kiếm, các bác sĩ đã xác định được dị vật là một chiếc xương cá và gắp ra ngoài. Chiếc xương cá có chiều dài khoảng 3cm, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 0,6cm.

BS.CKII. Nguyễn Phú Hữu, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân cho biết, trong những trường hợp cấp cứu nuốt dị vật đường tiêu hoá, xương cá là dị vật thường gặp nhất.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo:

Thứ 1: Khi chế biến món ăn cần lấy lấy sạch xương cứng và sắc để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật.

Thứ 2: Trong hoặc sau bữa ăn, nhất là đang ăn các loại thức ăn có xương cứng và sắc, nếu thấy đau đột ngột ở ngực, bụng thì nên nghĩ đến khả năng đã nuốt phải xương.

Thứ 3: Khi đã biết nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời và hiệu quả. Người bệnh đừng cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho “trôi” vì có nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.

KHANG NGỌC

Ảnh: Bệnh viện Bình Dân cung cấp

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: