Được dân bản góp tiền cho đi học, cô bạn Lào Cai nỗ lực hết mình

Thứ tư, 21/05/2025 10:45 (GMT+7)

Khi trời còn mờ sương, Phùng Thị Thúy đón xe lên Hà Nội. Hành trang của bạn có học phí được những người dân trong bản dành dụm, gom góp trao tặng.

Được dân bản góp tiền cho đi học, cô bạn Lào Cai nỗ lực thực hiện lời hứa - Ảnh 1.

Cô bạn Phùng Thị Thúy - Ảnh: NVCC

Tấm lòng của người dân bản

Đó là ký ức 3 năm trước của bạn Phùng Thị Thúy (21 tuổi), quê ở thôn Nậm Giang 2, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Thúy lớn lên với núi đồi, tiếng chim rừng hót mỗi sáng cùng người dân hiền hòa và chân chất. Ngày ngày, mọi người lên nương phát cỏ, lấy rau, chuối cho lợn ăn. Thế nhưng, đằng sau khung cảnh bình yên ấy là nỗi vất vả của bố mẹ Thúy và người dân trong bản.

“Có năm được mùa thì mất giá, có năm được giá lại mất mùa. Do đó, từ nhỏ, mình đã thương bố mẹ và khao khát lấy con chữ để có cuộc sống tốt hơn”, Thúy nói.

Hồi cấp 1, bạn đến lớp không chỉ vui mà còn với hy vọng tìm tri thức và mở ra cánh cửa tương lai. Cô bạn được truyền cảm hứng bởi chị Chảo Yến- cô giáo người Dao đầu tiên của xã giành học bổng du học châu Âu.

Năm 11 tuổi, Thúy rời bản đến trường nội trú cách nhà 50 km. Bố mẹ lo lắng nhưng bạn biết đó là lựa chọn tốt nhất để được học.

Những ngày đầu xa nhà, Thúy trùm chăn khóc vì nhớ bố mẹ. Nhưng chính môi trường nội trú đã rèn giũa bạn và chứng kiến những vấp ngã, trưởng thành.

Cô bạn nhớ mãi khoảnh khắc mình trúng tuyển vào đại học, tâm trạng vừa mừng vừa lo. Bố mẹ Thúy cười nhưng ánh mắt trĩu nặng suy tư.

Bố từng nói với Thúy rằng, bố ít chữ nhưng sẽ cố để con học hành tử tế. Câu nói ấy khiến Thúy rơi nước mắt và càng quyết tâm học thay phần bố mẹ. May mắn thay, trường đại học giảm 70% học phí cho Thúy, giúp gia đình giảm bớt gánh nặng. Tuy nhiên, phần còn lại bố mẹ vẫn tất tả lo toan.

Một tối ở bản, khi ba mẹ Thúy tổ chức bữa cơm tối thì các cô chú họ hàng, thậm chí hàng xóm không ruột rà đến dúi tiền vào tay Thúy.

“Có người cho 1 triệu, 2 triệu, có người 100 nghìn, 200 nghìn đồng. Hình ảnh đó hằn sâu trong tâm trí mình”, Thúy nhớ lại. Khoảnh khắc khiến cô bật khóc là khi ông hàng xóm chăn trâu dúi vào tay cô 20.000 đồng. Nó trở thành sức mạnh để cô bạn bước tiếp.

Hành trình đi tìm tri thức của cô bạn Lào Cai

Ở Hà Nội, Thúy là sinh viên năm 3 chuyên ngành Quản lý hoạt động Tư tưởng - Văn hóa, khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Là người đầu tiên trong bản đỗ đại học ở Hà Nội, Thúy không thấy áp lực mà tràn đầy động lực. Cô bạn chia sẻ: “Mình thấy may mắn bởi nhận được sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, gia đình và người làng mình”.

Được dân bản góp tiền cho đi học, cô bạn Lào Cai nỗ lực thực hiện lời hứa - Ảnh 3.

Thúy sôi nổi tham gia các hoạt động được tổ chức ở Hà Nội - Ảnh: NVCC

Thúy quyết định lập kênh TikTok Thúy Trên Bản để chia sẻ văn hóa quê hương. Mỗi lần về bản, cô ghi lại hình ảnh hái quả rừng, nhặt rau rừng hay bắt chuột đồng thu hút hàng triệu lượt xem. Mỗi lần đi rẫy, Thúy quay cảnh ăn cơm giữa núi đồi, nơi ruộng bậc thang trải dài, suối nhỏ róc rách bên những tán cây xanh mướt.

Những video ấy không chỉ đẹp mà còn khiến người xem cảm nhận được sự bình yên và hồn hậu của vùng cao.

Nhìn lại hành trình của mình, Thúy biết ơn tình người ở bản làng. Dù gia đình khó khăn, dân bản từng sẻ chia rau củ, góp tiền giúp cô vượt qua những ngày thiếu thốn. Tình nghĩa ấy khiến Thúy luôn mang trong mình lời hứa với quê hương.

Cô quyết tâm học tập, làm việc để góp phần xây dựng Nậm Giang 2, chứng minh rằng chỉ cần có ý chí và sự hỗ trợ, giấc mơ nào cũng có thể thành hiện thực.

Sắp tới, cô bạn dự định tổ chức các buổi chia sẻ tại bản, khuyến khích các em nhỏ theo đuổi học hành, đồng thời kết nối các nguồn lực như học bổng, sách vở để hỗ trợ giáo dục vùng cao.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: