Đường về hôm nay đã vắng bóng cha...

Thứ bảy, 04/12/2021 18:42 (GMT+7)

“Hồi còn sống, dù bận chở khách nhưng ba luôn dành thời gian đưa đón mình đi học, đi chơi. Giờ vẫn con đường quen thuộc ấy, nhưng ngồi trước mình, không còn tấm lưng vững chãi của ba nữa…” – giọng Trịnh Nguyễn Thanh Trường (lớp 7 trường THCS Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) run run khi nhắc về người ba quá cố đã qua đời vì Covid 19.

Thanh Trường kể, ba của bạn ra đi trong những ngày Sài Gòn đang đỉnh dịch, lặng lẽ, trầm lắng đến nao lòng. Bạn nhớ lại: “Tối đó, mình đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng ho của ba. Thấy ba thở dốc, mẹ kê cao gối cho ba dễ thở rồi giục mình đi ngủ. Lúc đó, mình nghĩ, ba khó thở một chút rồi thôi, đâu ngờ, ba đi luôn..”.

Từ lúc ba mất, ba mẹ con Trường về tá túc nhà ông bà nội để tiết kiệm tiền thuê trọ. Ông bà nội lớn tuổi, lại già yếu nên gánh nặng kinh tế đè lên vai mẹ. Thời điểm đó, em trai của Trường chỉ mới 2 tuổi, vẫn bám hơi mẹ nhưng mẹ đành gửi em cho bà để đi làm. Thế là ngày ngày, sau khi học online, Trường lại lăng xăng bày trò chơi cùng em để bà nội tranh thủ làm việc nhà. Bạn cũng cho biết, sau khi đi học lại, nhà không có ai đưa đón thì bạn sẽ tự chạy xe đi học.

Ba của Nguyễn Phương Long (lớp 5, trường tình thương Tân Sơn Nhì, Q.Bình Tân) cũng không may qua đời vì Covid 19. Long hiện sống cùng mẹ trong căn phòng trọ ọp ẹp trong một con hẻm nhỏ của phường Bình Trị Đông B. Trụ cột của gia đình mất đi, cuộc sống vốn dĩ nhiều khó khăn của hai mẹ con nay lại càng khó khăn hơn. Mẹ Long là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, người ta thuê gì làm nấy, từ giúp việc nhà, phụ quán ăn đến rửa chén bát thuê….Có những hôm, mẹ đi làm tận Bình Dương, Đồng Nai, những lúc như thế, Long phải tự lo cơm nước cho mình. Hỏi bạn ở nhà một mình có sợ không, bạn cười hiền: “Mình đâu có ở một mình, mình ở cùng ba mà. Những lúc mẹ đi làm, mình nấu cơm rồi đặt lên bàn thờ ba, rồi mời ba cùng ăn với mình”.

Ba của Hong Thiếc Quang (lớp 1, trường Bình Trị 1, Q. Bình Tân) ra đi mà chưa kịp thực hiện lời hứa sẽ dẫn bạn vào lớp 1, đưa đón bạn đi học mỗi ngày. Trong ngôi nhà tranh tối tranh sáng của gia đình, di ảnh của ba Quang được đặt trên chiếc bàn nhỏ nằm ở góc nhà, khói hương nghi ngút. Trong ngôi nhà ấy, Quang, mẹ và bà nội già yếu nương tựa vào nhau. “Bà già yếu, Quang còn nhỏ, lại mới vào lớp 1, phải học online nên cần mẹ hỗ trợ nhiều, thế nên, cô không thể đi làm mà chỉ có thể nhận may gia công ở nhà. Những ngày dịch, công việc của cô lúc có lúc không nên sống nhờ vào tình thương của họ hàng, làng xóm...Hiện tại, công việc của cô có đỡ hơn một chút, cô đang ráng gom góp để mua điện thoại mới cho con học online, vì điện thoại cũ cứ bị hư suốt, con mất bài hoài” – mẹ Quang trầm tư.

Những ngày này, những bạn nhỏ như Trường, như Long, như Quang…vẫn đang làm quen với cuộc sống “bình thường mới”. Cuộc sống “bình thường mới” của các bạn, sẽ khó khăn hơn nhiều bạn, do thiếu bóng dáng của người cha thân yêu, tuy nhiên, Ngôi nhà cầu vồng tin rằng, các bạn sẽ nghị lực vượt qua, như lời hứa của Thanh Trường: “Mình phải thật mạnh mẽ, để ba yên lòng!”.

Nhà của cầu vồng là chương trình chăm lo thiếu nhi khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 do báo Khăn Quàng Đỏ phát động. Trong thời gian qua, với sự tài trợ của nhóm Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh, Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chương trình đã trao tặng 38 suất học bổng cho thiếu nhi có người thân mất trong đại dịch Covid-19 (mỗi suất gồm 5 triệu đồng và quà). Mong rằng, với sự chia sẻ từ cộng đồng, các bạn sẽ sớm nguôi ngoai nỗi đau mất mát, tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

KHANG NGỌC
(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: