Ghé Đoan Nữ thưởng thức món đậu phụ nướng nghệ ngon hết sẩy

Thứ hai, 16/04/2018 16:58 (GMT+7)

Đậu phụ là món ăn dân giã quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt. Nhưng đậu phụ nướng lại là nét riêng có và độc đáo tại chợ Kinh Đào (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Tp.Hà Nội). Nơi đây gìn giữ bí quyết tạo ra những miếng đậu nướng đặc biệt.

Không quá nhộn nhịp hay ồn ào, phiên chợ quê dân dã với nhiều gian hàng được bày trí đơn giản và gọn gàng. Lần đầu đến nơi đây, tôi háo hức đi một vòng cho thỏa niềm nhớ góc chợ nơi quê nhà. Ánh mắt tôi ngay lập tức bị thu hút bởi người phụ nữ thôn quê đôn hậu bên những miếng đậu vàng ruộm.

Bà Bùi Thị Gần với hàng đậu nướng vàng ươm trong phiên chợ làng khi được hỏi về món đậu nướng chỉ riêng có ở đây thì vui vẻ kể: “Đậu phụ ở đâu cũng bán, nhưng đậu nướng thì ở đây là số một. Ai cũng thích và lựa chọn cho bữa cơm gia đình mình”.

Cầm miếng đậu vàng ươm, nghi ngút khói cùng hương thơm của nghệ, chúng tôi nghe câu chuyện bà kể. Bà bán đậu nướng tại chợ làng đã được 16 năm. Đậu nướng làm kì công hơn, đòi hỏi nhiều kĩ thuật trong việc gia giảm nguyên liệu. Người làm đậu phải thức từ 3 giờ sáng. Nhưng giá bán thì vẫn rất bình dân chỉ 2 nghìn đồng một miếng.

Sở dĩ được gọi là đậu nướng bởi nguyên liệu chính vẫn là đỗ tương, bột nghệ và muối trắng. Mỗi gia đình đều có bí quyết riêng về tỉ lệ giữa các thành phần. Điều đó góp phần quyết định sắc vàng và vị bùi của miếng đậu khi đem nướng. Loại than củi được dùng để nướng đậu là củi nhãn.

Nếm miếng đậu nướng, người ăn sẽ cảm nhận ngay được vị ngậy của đậu, thơm của nghệ, miếng đậu trong miệng mềm và không bị bở. Màu vàng bắt mắt điểm thêm những chấm nâu đặc trưng khi lửa nướng đậu hơi quá. Thoang thoảng là hương thơm của than củi nhãn còn vương lại. Tất cả đượm tình người nướng đậu, tình quê mộc mạc nơi đây.

Tưởng như đơn giản, nhưng để làm ra chiếc đậu nướng cũng thật kì công. Như bà Gần nói thì: “Để có được những miếng đậu nướng thơm, mềm, không bị bở và vàng tươi màu nghệ thật không dễ dàng”.

Muốn bánh có màu vàng tươi, phải kén chọn nghệ già. Có như vậy đậu mới có màu ưng ý, mùi thơm đặc biệt và không có mùi hăng của nghệ. Đỗ tương đem ngâm nước ít nhất 6 tiếng và phải canh nước cẩn thận bởi đỗ sẽ hút nhiều nước và nở. Sau khi ngâm xong rửa lại đỗ cho sạch và nhặt những hạt đỗ bị hỏng bỏ đi, nếu không sẽ làm đậu bở và không mềm. Việc còn lại là tạo khuôn cho sản phẩm.

Món ăn quê đặc biệt này, không chỉ thơm ngon mà giá cũng phù hợp. Sản phẩm bà làm ra không chỉ có đậu nướng mà còn có đậu trắng tươi, đậu nghệ tươi và đậu nghệ nướng. Phần nhiều khách chọn đậu nướng vì hấp dẫn bởi sắc vàng tươi của vỏ đậu, vị bùi hơn khi nướng lại vẫn mịn và mát, dân dã, không xa xỉ. Chỉ với vài nghìn đồng, đậu nướng đã làm cho bữa cơm gia đình gần gũi và chan chứa yêu thương.

Nhiều người ghé qua hàng đậu nướng của bà Gần vui vẻ chia sẻ: “Đậu nướng ở đây là số một. Vừa ngon, bổ và lành. Ăn sẽ thấy rất mát. Bởi được nướng trực tiếp không chiên qua dầu mỡ nên ăn nhiều mà không thấy ngán.”

Gần 20 năm gắn bó với hàng đậu nướng, bà Gần luôn vui vẻ và đầy tâm huyết. Bà vui vì đã góp phần làm cho những bữa cơm gia đình của người làng bà thêm ngon, bổ và lành.

Tạm biệt bà, chúng tôi không quên mua mang theo những miếng đậu vàng ươm. Những miếng đậu nướng nơi thôn quê đượm tình đất, tình người. Một mùa hoa gạo đã đưa chân tôi qua nơi này, nhưng hồn tôi níu lại mãi với sắc vàng của đậu nướng.

Bài, ảnh: VŨ ĐỨC ANH (CTV Hà Nội)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: