Giải ngố... chuyển đổi số

Thứ hai, 16/01/2023 12:42 (GMT+7)

“Momo, VNPay, Zalo Pay hay chuyển khoản ngân hàng gì cũng được”, chị chủ xe nước tắc trên vỉa hè đường Pastuer (Q.3) nói với khách. Người khách mở điện thoại, quét mã QR đặt trên quầy rồi bắt đầu thanh toán. Mọi thứ chưa đầy một phút.

Nhiều năm trước, cách thức giao dịch đó chắc chỉ thấy trong mấycửa hàng lớn hoặc trên phim ảnh. Bây giờ nó phổ biến đến mức, cô bán hàng rong hay chú sửa xe cũng xài… khỏe re.

Ảnh: Lifestylememory (Freepik.com)

AI có xa xôi gì!

Chuyện “quẹt mã - trả tiền” dễ vậy thì ai cũng biết là do các ngân hàng phải chuyển đổi số này nọ rồi. Nhưng có thứ, bạn thấy nó “quen quen” mà đôi khi không nhận ra “thế lực vũ trụ” nào đã tạo nên.

Chẳng hạn như khi bạn lên mạng tìm từ khóa “những mẫu bikini mới nhất” để chuẩn bị cho chuyến đi biển thì từ sáng đến tối, trang cá nhân của bạn chìm ngập sắc màu bikini với đủ chủng loại, mẫu mã, giá cả...

Lướt “top top”, có khi cả ngày bạn chỉ nghe mỗi câu hát “kìa bầu trời xa xăm, nhắn con tôi về...” của anh Hoài Lâm, là vì trước đó, bạn lỡ dừng lại hơi lâu tại một đoạn clip có câu hát ấy.

Cho nhỏ bạn mượn máy tính. Không biết nó tìm gì mà mở lại trình duyệt đã thấy gợi ý “xả xui”, “hên”, “trúng số độc đắc”... khi mới gõ sơ sơ cụm từ “làm sao để...”. Ủa, cái gì vậy?

Thật ra, chẳng có thế lực nào “thao túng tâm lí” bạn cả. Chẳng qua là do sự tài lanh của trí tuệ nhân tạo (AI) thôi. Nó giúp các hãng công nghệ, sàn thương mại điện tử, ứng dụng... phân tích dữ liệu từ thói quen, hành vi mua sắm của người dùng, từ đó bày ra những gợi ý, sản phẩm tương ứng.

Đương nhiên điều đó có ích cho người dùng lắm chứ. Không mất thời gian tìm kiếm nhưng họ vẫn có thể tìm thấy nội dung, món hàng yêu thích, phù hợp nhu cầu. Những người bán hàng hay sáng tạo nội dung cũng dễ tiếp cận khách hàng, khán giả. Nhưng nếu clip nào bạn cũng bấm xem, trend gì bạn cũng tìm cách “bắt” hay canh chốt đơn như chờ... crush chở đi chơi thì... ai mà đỡ được. Khi đó, bạn hoặc mất thời gian (trong khi mỗi ngày chỉ có 24 giờ để làm tất cả mọi thứ), hoặc mất tiền (nếu không cưỡng lại được sự hấp dẫn của những deal dồn dập đập vào mắt) hoặc “dữ dằn” hơn, vừa mất thời gian vừa mất tiền. Bạn biết chọn gì rồi phải không?

Dắt nhau “lên mây”

Đi chơi với lớp, chụp một đống hình, quay một mớ clip, muốn chuyển cho mọi người cùng xem, nhưng kẹt quá, gửi mail thì bị giới hạn dung lượng, nhà mạng thì ì à ì ạch, đó là chưa kể nhỏ bạn hối dồn dập “cần hình dung lượng lớn đăng Face sống ảo bạn ơi”. Đúng là không gì khổ bằng.

Hồi xửa hồi xưa than như thế còn coi được, chứ bây giờ mọi thứ đều có thể “lên mây” rồi, phải khác chứ! Bởi hiện tại có nhiều nền tảng, ứng dụng như Google Drive, Microsoft OneDrive, Dropbox... sử dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing). Hiểu một cách đơn giản, “đám mây” (cloud) chính là những máy chủ ảo trên internet thay vì nằm dưới “mặt đất” là các thiết bị vật lí như máy tính, điện thoại. Người dùng có thể truy cập đến bất kì tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây”, bất cứ lúc nào và bất cứ đâu thông qua internet.

Cái hay dễ thấy của “đám mây” là sự rộng rãi (từ vài G đến vài chục G miễn phí). Do vậy, bạn có thể lưu trữ, chia sẻ file chất lượng cao cho người khác mà không cần phải mang theo lỉnh kỉnh ổ cứng di động hay USB. Với tính năng tự động đồng bộ của dịch vụ, bạn cũng có thể chỉnh sửa, cập nhật tài liệu, hình ảnh ở bất kì đâu miễn là có kết nối internet. Đặc biệt, nếu muốn “lên mây” làm việc nhóm cùng nhau thì mời bạn... cứ tự nhiên. Một số công cụ như Canva (công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến) cho phép bạn cùng người khác sáng tạo sản phẩm mà không cần cài đặt về máy tính cá nhân.

“Không có ứng dụng hay công cụ nào là tốt nhất. Chỉ có phù hợp nhất với nhu cầu, thói quen và khả năng của bạn mà thôi. Đó mới là cách lựa chọn thông minh!”.

Anh Đỗ Trần Bình Minh (CEO AI Education)

“Cá nhân hóa” chuyện học tập

Đi học cũng có nhiều kiểu. Có bạn học bằng tai, tức là thích nghe giảng, thảo luận, tranh biện này nọ. Có bạn lại hào hứng với hình ảnh, video clip. Bạn khác lại thích vừa chơi trò chơi vận động, vừa học... Nhưng vì nhiều lí do, phần lớn đều được dạy nội dung như nhau, phương pháp như nhau.

Kiểu học “chán như con gián” sẽ thay đổi trong tương lai không xa với sự trợ giúp của công nghệ. Xu hướng “cá nhân hóa” chuyện học tập như cách mà TikTok hay YouTube “cá nhân hóa” nhu cầu của người dùng (tự đề xuất nội dung dựa theo thói quen tìm kiếm, nghe/xem) hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, bạn có thể lựa chọn môn học, nội dung cần học, thời gian hoàn thành, hình thức kiểm tra, đánh giá... tùy theo nhu cầu, năng lực, sở thích, định hướng tương lai của mình.

TS Lê Đình Phong (Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Hoa Sen) cho rằng, giải trí, tài chính, thương mại điện tử là những lĩnh vực có chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, phải ghi nhận vai trò thúc đẩy cực lớn của AI. Ngoài ra, AI cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như giao thông công cộng. Như đi xe buýt chẳng hạn, thay vì đứng chờ mòn mỏi ở trạm xe buýt, không biết khi nào ông tài xế thân quen xuất hiện thì giờ đây, với ứng dụng xe buýt TP.HCM, bạn sẽ biết bao lâu nữa xe đến. Với Google Maps, bạn còn có thể chia sẻ lộ trình di chuyển với người khác theo thời gian thực, hay xem quán chị 8, bà 7 “hot rần rần” trên mạng giờ này có đông đúc hay không… Tiện quá đi chứ!

Không gian lớp học sẽ được mở rộng. Không chỉ là phòng học với mấy chục người đủ tính cách và năng lực học chung một lượng kiến thức mà có thể lên đến hàng trăm người cùng quan tâm đến một nội dung. Học sinh cũng sẽ tiếp cận được kho học liệu từ những trường lớn, gặp gỡ kết nối với nhiều thầy cô giỏi...

Anh Đỗ Trần Bình Minh (CEO AI Education - đơn vị ủy quyền của Google for Education) đánh giá, công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực. Nhưng để tận dụng tốt những tiện ích mà điện toán đám mây mang lại thì người dùng cần tìm hiểu cách sử dụng nó sao cho hiệu quả cũng như trang bị những kĩ năng cần thiết như kĩ năng hợp tác trong môi trường số, kĩ năng tìm kiếm và sử dụng tài nguyên có sẵn, phân tích dữ liệu.

Mà nè, đừng nghĩ được “trao quyền” lựa chọn thì làm sao cũng được nha. Nghĩ vậy là ẩu rồi đó, ka ka! Cái gì cũng có “cái giá” của nó hết! Bạn cần biết mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu thế nào, tính cách, mục tiêu nghề nghiệp ra sao để còn liệu đường mà tính. Chưa kể, còn phải có kĩ năng ra quyết định (chọn môn học, loại hình học tập nào phù hợp nhất với mình), kĩ năng quản lí thời gian và nhất là tính chủ động, dám chịu trách nhiệm với chính bản thân. Luyện tập mấy kĩ năng này từ bây giờ là vừa rồi nha.

NAM TRÂN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: