Giáo viên nhận xét đề thi văn: Đề an toàn nhưng phân hóa tốt

Thứ năm, 27/06/2024 10:54 (GMT+7)

Theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề thi năm nay thuộc diện an toàn nhưng phân hóa tốt.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUY DƯƠNG

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUY DƯƠNG

Mục tiêu phân hóa đề thi văn thể hiện ở câu 3 của phần đọc hiểu. Ngoài ra, mục tiêu này cũng thể hiện ở câu nghị luận xã hội.

Phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội rất phù hợp với tuổi trẻ hiện nay

Mới nhìn qua, có thể thấy yêu cầu của câu nghị luận xã hội chưa gắn chặt với ngữ liệu của phần đọc - hiểu. Tuy nhiên, nếu thí sinh tinh tế một chút sẽ nhận ra: ý chính của phần đọc hiểu là tính kế thừa và đổi mới. Nếu kế thừa mà không đổi mới thì không có giá trị.

Từ đó, sẽ thấy phần đọc - hiểu là tiền đề cho phần nghị luận xã hội. Câu nghị luận xã hội đưa ra vấn đề tôn trọng cá tính cũng rất phù hợp với lứa tuổi thí sinh.

Ở phần nghị luận văn học, tác phẩm Đất nước được xem là phần trọng tâm khi các giáo viên ôn tập cho học sinh của mình. 

Yêu cầu của đề thi "nhận xét về sự kết hợp cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm" cũng là đặc trưng, là bản sắc của tác giả này.

Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc, giáo viên môn văn, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM cũng cho rằng: "Đề thi văn đã bám sát cấu trúc của đề thi minh họa mà Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố. Phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội rất phù hợp với tuổi trẻ hiện nay.

Đối với phần nghị luận văn học, bài thơ Đất nước cũng là 1 trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình ngữ văn 12.

Đề thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức ngữ văn đáp ứng yêu cầu của 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước và những giá trị văn hóa dân tộc. Xét trong tình hình hiện nay thì đề thi văn năm nay đã chạm đến sự chờ đợi của thầy cô giáo, của học sinh và của xã hội" - ông Phúc nhấn mạnh.

Đề thi Văn năm nay có cấu trúc quen thuộc 

Nhiều giáo viên dạy Văn ở Hà Nội đề thi Văn năm nay có cấu trúc quen thuộc so với các năm gần đây. Phần đọc hiểu có 4 ý nhỏ tương tự như đề thi tham khảo. 

Cô Phạm Thu Phương, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (HN) cho rằng dù quen thuộc và khá căn bản nhưng ở phần đọc hiểu cách hỏi ở câu 3 của phần này có sự mới mẻ và hay. 

Đề yêu cầu thí sinh liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật có tác dụng gì? Cô Phương cho rằng "Nếu đáp án ổn thì đây sẽ là câu có tính phân loại thí sinh". Trong khi đó trong nhiều năm gần đây chỉ câu 4 của phần đọc hiểu mới là câu mang tính phân hóa khi yêu cầu học sinh "rút ra bài học". 

Nhận xét về toàn bộ đề thi, cô Phương cho rằng đề an toàn, căn bản đều là các dạng học sinh đã được ôn tập khá nhiều.

Tuy nhiên một số giáo viên băn khoăn về cách đặt câu hỏi ở câu nghị luận xã hội về "ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính" và cho rằng câu hỏi không thật gắn với tinh thần của cả đoạn ngữ liệu ở phần đọc hiểu. 

Tác giả của đoạn ngữ liệu nói đến việc "đừng tách dời con nước hôm qua với con nước hôm nay", vì "trong sự tinh khiết và sức chảy của con nước hôm nay chứa đựng sự tinh khiết và sức chảy của nước từ ngàn năm trước". 

Dĩ nhiên, tác giả cũng nêu "nếu không có những nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật sẽ bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt".

"Tuy cấu trúc đề thi không bắt buộc câu nghị luận xã hội phải gắn với đoạn ngữ liệu từ phần đọc hiểu, nhưng trong đề thi năm nay, câu nghị luận xã hội không hỏi một vấn đề độc lập mà có liên quan tới đoạn ngữ liệu nên tôi cảm giác nó có chút không chặt chẽ", một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ.

Về phần nghị luận văn học trong đề thi, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) nhận xét: "Hai năm qua, câu nghị luận văn học đều yêu cầu phân tích đoạn trích trong tác phẩm văn xuôi, nên năm nay đề yêu cầu phân tích đoạn trích thơ khiến cho nhiều thí sinh cảm thấy phù hợp. Bởi khi ôn tập, thầy cô và các em đều chuẩn bị tinh thần gặp để phân tích Đoạn trích tác phẩm thơ. Đoạn trích Đất nước của nhà thương Nguyễn Khoa điềm là một trong những nội dung được ôn tập kỹ. 

Đặc biệt, đoạn trích này nằm ở đầu của bài học, đa số học sinh đều nắm được nội dung cũng như hiểu được tinh thần của những dòng thơ này". 

Cô Nguyễn Kim Anh cho rằng đề thi năm nay "dễ thở" đối với đa số học sinh vì quen thuộc, căn bản. Xét về ưu điểm, đề thi cũng hướng học sinh đến những nội dung có ý nghĩa. 

Thầy Nguyễn Duy Phú (giáo viên môn ngữ văn Trường TH-THCS-THPT Tre Việt cơ sở huyện Hóc Môn) nhận xét đề thi bám sát theo cấu trúc mà bộ đã hướng dẫn.

Ở phần Đọc - hiểu có 4 câu, được chia theo 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng; tuy nhiên đề đã có sự thay đổi tập trung về năng lực giải quyết vấn đề của học sinh hơn là vận dụng lý thuyết văn học, câu 1 và câu 2 là tìm thông tin từ ngữ liệu; câu 3 đòi hỏi thí sinh phải vận dụng, phân tích được giá trị nghệ thuật của hình ảnh liên tưởng.

Câu 4 yêu cầu học sinh phải rút ra được bài học về cuộc sống từ suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quang Thiều, câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải hiểu được những tầng nghĩa của "giọt nước" và "đại dương" từ đó liên tưởng đến những vấn đề của đời sống và thể hiện những quan điểm, chính kiến của mình.

Nhìn chung, yêu cầu của phần Đọc - hiểu khá vừa sức với học sinh, các bạn dễ dàng đạt được mức điểm khả quan nếu bám sát và ôn luyện thật kỹ theo cấu trúc của bộ. Yêu cầu của bài nghị luận xã hội tương đối gần gũi và thiết thực với đời sống - "ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính".

Để hoàn thành tốt bài làm, thí sinh cần có sự liên hệ thực tế với nhận thức và những hành động của bản thân; tuy nhiên, tránh đưa ra những dẫn chứng chung chung, thiếu tính xác thực khiến bài làm không thuyết phục, xác đáng.

Dạng đề nghị luận văn học quen thuộc, yêu cầu có 2 phần: phần 1 là phân tích nội dung và phần 2 là đánh giá/ nhận xét về một vấn đề nghệ thuật được đặt ra từ tác phẩm. Khả năng phân loại thí sinh phụ thuộc vào khả năng cảm thụ văn học.

Là một trong số các giáo viên thực hiện công tác gác thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt (giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã An Khê, Gia Lai) cho rằng đề thi văn năm nay ra đúng theo cấu trúc mẫu đề thi tốt nghiệp THPT 2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng từ trước. Đa phần học sinh làm bài trong tâm thế thoải mái và có cảm xúc. Nhiều thí sinh xin thêm đến tờ giấy thi thứ hai.

Cụ thể, cô nhận xét: "Về phần đọc - hiểu văn bản, ngữ liệu đoạn trích hay. Câu hỏi rõ ràng, không đánh đố học sinh. Câu 3 và câu 4 mang tính phân loại đối tượng.

Yêu cầu của bài nghị luận xã hội lạ hơn so với mọi năm - nói về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đề bài này dễ "kích thích" thí sinh có những suy nghĩ mới mẻ, thú vị, nhất là với các em có cá tính mạnh mẽ.

Một số ý kiến cho rằng câu này khó, nhưng với tôi, sự mới lạ này sẽ tạo ra nhiều hứng thú cho các bạn học sinh giỏi, giúp các bạn thỏa sức bày tỏ quan điểm cá nhân".

Cũng theo cô Nguyệt, với nghị luận văn học, đề ra 2 yêu cầu: thí sinh thực hiện phân tích đoạn thơ và nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc, suy tư của tác giả thể hiện trong đoạn thơ. Yêu cầu thứ nhất ở mức bình thường, học sinh đa phần có thể làm bài ổn định. Yêu cầu thứ hai có tính phân loại hơn - dễ với học sinh khá, giỏi; tuy nhiên học sinh trung bình sẽ hơi "chật vật".

Mời xem gợi ý giải đề thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chính thức bắt đầu hôm nay (27-6). Buổi sáng thí sinh thi môn ngữ văn, buổi chiều thi toán. Ngày 28-6, buổi sáng thi bài thi khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, buổi chiều thi ngoại ngữ. Ngay sau mỗi buổi thi, mời bạn đọc xem gợi ý giải đề thi tại tuoitre.vn và phụ trang giải bài thi trên nhật báo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17-7-2024. Thí sinh có thể xem điểm nhanh tại https://tuoitre.vn/diem-thi.htm hoặc tại trang quản lý thi của bộ.

Ngày 20-7, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước. Tại ngày hội, các chuyên gia sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến quy trình xét tuyển, cách thức đăng ký, xử lý, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ.

Chương trình diễn ra tại khuôn viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (quận 10, TP.HCM) và khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vào cửa tự do, mời phụ huynh và thí sinh tham gia.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: