Hai nam sinh xứ Huế sáng tạo 'cánh tay robot' ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI

Thứ hai, 07/03/2022 09:55 (GMT+7)

Sau một khoảng thời gian dài miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, Nguyễn Khoa Hùng (lớp 11) và Võ Tá Thanh Minh (lớp 12) - học sinh trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã chế tạo thành công “Hệ thống cánh tay Robot mô phỏng hoạt động cánh tay người ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI”.

Nói về lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu này, Khoa Hùng và Thanh Minh cho hay nhận thấy những khó khăn, nguy hiểm của người lao động khi phải làm việc trong các môi trường độc hại, cả hai đã nảy ra ý tưởng sẽ chế tạo ra một cánh tay có thể điều khiển các hoạt động từ xa và linh hoạt như cánh tay người.

Khoa Hùng và Thanh Minh thuyết trình về dự án của mình

Lên ý tưởng xong xuôi, từ đầu năm 2021, Khoa Hùng và Thanh Minh đã bắt tay vào nghiên cứu, phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp điều khiển cánh tay robot trên thế giới và tại Việt Nam, tìm hiểu về các tài liệu liên quan đến lập trình, trí tuệ nhân tạo rồi lựa chọn linh kiện điện tử, lắp đặt và thử nghiệm…

“Vì khối lượng công việc rất nhiều nên tụi mình phải cố gắng hết sức để cân bằng giữa việc học và việc nghiên cứu. Tận dụng những giờ giải lao hay thời gian rảnh trong tuần, thay vì đi chơi thì cả hai sẽ thực hiện nghiên cứu. Các thầy cô trong trường cũng tạo điều kiện, không đặt nhiều áp lực trong việc học cho tụi mình đồng thời hỗ trợ, chỉ bảo tận tâm nên quá trình nghiên cứu cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.”, Khoa Hùng tâm sự.

Tuy vậy, có những lúc cả Khoa Hùng và Thanh Minh phải rơi vào bế tắc khi động cơ liên tục bị cháy đồng thời các phương pháp điều khiển được áp dụng như flex sensor, chiết áp... cũng không hiệu quả.

Quá trình nghiên cứu của cả hai cũng gặp nhiều khó khăn

Sau một thời gian dài mày mò sáng tạo, thiết kế lập trình trên máy và lắp đặt thiết bị, “Hệ thống cánh tay Robot mô phỏng hoạt động cánh tay người ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” của Khoa Hùng và Thanh Minh cũng đã chính thức ra đời.

Hệ thống này được điều khiển bằng phương pháp nhận dạng hình ảnh, cử chỉ tay người. Cụ thể khi thực hiện nhận dạng, dữ liệu sẽ được truyền tới cánh tay robot thông qua sóng vô tuyến. Sau khi nhận dữ liệu, bộ phận mạch chính của cánh tay sẽ chuyển các dữ liệu thành các góc quay tương ứng cho các động cơ hoạt động. Chính vì vậy, ngoài việc ứng dụng vào các thí nghiệm ở môi trường độc hại, hệ thống cánh tay robot còn có thể ứng dụng trong đa lĩnh vực giống như cánh tay của con người.

“Hệ thống cánh tay Robot mô phỏng hoạt động cánh tay người ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” của 2 nam sinh

Bên cạnh đó, phần thân cánh tay được thay thế từ khung nhựa sang khung kim loại và sử dụng các động cơ công suất lớn, xi-lanh khí nén để tăng sức bền và khả năng chịu tải. Phần điều khiển cũng được ứng dụng bo mạch để có tốc độ xử lý và tính ổn định cao.

Sau khi nghiên cứu thành công, dự án của Khoa Hùng và Thanh Minh được mang đi tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp tỉnh và xuất sắc đạt được giải Nhất. Đồng thời, “Hệ thống cánh tay Robot mô phỏng hoạt động cánh tay người ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI” cũng đã trở thành đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế tranh tài tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia trong thời gian sắp tới.

ÁNH DƯƠNG

Nguồn ảnh: NVCC

(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: