Hậu quả khôn lường từ 1 bình luận chế giễu trên mạng xã hội

Thứ bảy, 12/04/2025 08:51 (GMT+7)

Câu chuyện bắt đầu chỉ từ một bình luận trên mạng xã hội. Thái, một học sinh chia sẻ bức ảnh đi du lịch cùng gia đình, khoác lên mình bộ trang phục sặc sỡ và tóc uốn xoăn.

Từ 1 bình luận chế giễu... đến thương tích 40% - Ảnh 1.

Không gian phiên tòa giả định. - Ảnh: CHI HỘI LUẬT SƯ

Lộc, bạn học cùng trường, đã để lại một bình luận chế giễu, xúc phạm ngoại hình và giới tính của Thái. Không dừng lại ở đó, Lộc còn hẹn gặp Thái ngoài đời với lời lẽ đe dọa.

Câu chuyện có thật

Mâu thuẫn ngày càng leo thang và cuộc gặp mặt giữa hai bạn đã dẫn đến một cuộc xô xát nghiêm trọng. Hậu quả là Thái bị thương tích đến 40%, còn Lộc phải đối diện với hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.

Đây là một câu chuyện được tái hiện trong phiên tòa giả định về chủ đề Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, diễn ra vào sáng ngày 31-3 tại Trường THCS Trần Quốc Toản (quận Bình Tân).

Phiên tòa giả định này là một phần trong chương trình do Chi hội Luật sư phối hợp cùng Chi hội Thanh niên tổ chức. Mục đích của chương trình là giúp học sinh hiểu rõ hơn về hậu quả của bạo lực học đường và cách ứng xử văn minh trong môi trường học tập.

Hậu quả khôn lường

Tại phiên tòa, Lộc bị tuyên án phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, với hình phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. 

Điều này có nghĩa là Lộc không phải vào tù ngay mà phải chịu sự giám sát, nếu vi phạm trong thời gian này sẽ phải thi hành án.

Khoảnh khắc xúc động nhất của phiên tòa là khi mẹ của Thái đứng lên bày tỏ lòng cảm thông với bị cáo. 

Cô nghẹn ngào nói: “Các cháu còn nhỏ, tương lai còn dài, sự việc có phần do sự thiếu quan tâm của người lớn chúng ta, bị cáo cũng bằng tuổi con tôi. Tôi xin Quý tòa xem xét giảm hình phạt để bị cáo có cơ hội sớm trở về với gia đình, tiếp tục đi học”.

Phiên tòa kết thúc với một thông điệp mạnh mẽ: Bạo lực học đường không chỉ làm tổn hại sức khỏe và danh dự của nạn nhân mà còn để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng đối với người gây ra.

Vì vậy, việc học cách kiểm soát cảm xúc, ứng xử văn minh và biết tôn trọng, thấu hiểu người khác là điều vô cùng quan trọng để xây dựng môi trường học đường an toàn, nơi mỗi người đều có thể là chính mình mà không sợ bị tổn thương.

Cẩn thận với những lời nói

Bạo lực không chỉ đến từ hành động mà còn từ lời nói. Một câu trêu chọc vô ý có thể làm tổn thương người khác sâu sắc. Đôi khi, chỉ một bình luận trên mạng cũng có thể đẩy một ai đó vào tổn thương, cô lập hoặc thậm chí là nguy hiểm.

Trước khi nói điều gì, hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Một lời nói có thể cứu vớt nhưng cũng có thể làm tổn thương một con người.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: