Học làm "siêu nhân xanh"

Thứ sáu, 03/04/2020 06:38 (GMT+7)

Vấn đề bảo vệ môi trường đang là một trong những điều cấp thiết của thế giới, vì thế những ngành học về trái đất, môi trường, nông nghiệp… đang trở nên “hot” hơn bao giờ. Bạn đã sẵn sàng trở thành “siêu nhân xanh” trong tương lai chưa?

Nhu cầu nhân lực tăng cao

Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng… diễn ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nặng nề về kinh tế và đời sống. Hiện nay, 5 tỉnh ở khu vực ĐBSCL gồm: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và Cà Mau đang chịu hạn mặn nghiêm trọng, khiến ruộng lúa và vườn cây ăn trái của bà con nông dân rơi vào cảnh thiếu nước tưới, đường sá sụt lún, người dân thiếu nước sinh hoạt… Đứng trước tình thế cấp bách đó, vai trò của các nhà khoa học môi trường hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường sống hiện nay. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia môi trường tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nguồn nhân lực ngành môi trường của các doanh nghiệp trong những năm qua khá ổn định. Trong giai đoạn hướng đến 2020 - 2025, Xây dựng - Kiến trúc - Môi trường được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm. Do đó, việc lựa chọn ngành học về môi trường hiện nay mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho teen.

Học một ngành làm được nhiều nghề

Nếu như trước đây, ngành môi trường thường rất ít teen đăng kí học vì sợ ra trường khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành thì bây giờ ngược lại. Chỉ với một ngành học môi trường, bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau hay còn gọi là đa ngành nghề. Anh Phạm Hữu Giàu (nhân viên quản lí Kĩ thuật tại Nông trại Hữu cơ Đà Lạt) chia sẻ: “Chỉ với một ngành học về môi trường, bạn có thể làm các công tác xử lí chất thải và rác thải hoặc chuyên viên HSE (viết tắt của Health - Safety - Environment) giám sát an toàn - môi trường, kĩ sư an toàn… tại các doanh nghiệp hoặc trở thành nhà khoa học nghiên cứu tại các phòng Lab tùy theo năng lực”.

Chị Tạ Thị Phương Thảo (nhân viên nghiên cứu Giống cây trồng tại công ti Sakata Việt Nam) cho biết thêm: “Nhiệt độ trái đất tăng lên từng ngày, hạn hán hoặc ngập mặn xảy ra thường xuyên hơn nên chị và đồng nghiệp phải chọn lọc những giống chịu nhiệt, chịu mặn để bà con nông dân có thể đảm bảo năng suất cây trồng, từ đó đảm bảo lượng cung - cầu thực phẩm trên thị trường. Còn bạn bè của chị sau khi tốt nghiệp thì đi làm việc ở cơ quan Khuyến nông Nhà nước hoặc các bộ phận đưa ra chính sách nông nghiệp, cũng là một hướng đi hấp dẫn để bạn tham khảo”.

Có nhiều cách để trở thành “siêu nhân xanh”

Cũng theo xu hướng đa ngành nghề hiện nay, bạn tốt nghiệp ngành học khác nhưng vẫn có thể làm trong lĩnh vực môi trường bằng cách tự bổ sung thêm kiến thức về sống xanh, tái chế an toàn… cho mình. Chị Đinh Thùy Linh (nhân viên Marketing cho Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường The Organik House) kể: “Chị rất quan tâm đến giải pháp cho doanh nghiệp khi kinh doanh F&B (viết tắt của Food and Beverage Service - lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống) sao cho ít tác động đến môi trường nhất. Trong quá trình thực tập ở công ti, chị tranh thủ tìm hiểu và tham gia hoạt động tình nguyện về môi trường, kết hợp kiến thức và kĩ năng chuyên ngành kinh tế mình học được ở trường để từ đó đề ra giải pháp xanh như: chuyển đổi ống hút nhựa sang ống hút cỏ bàng, dùng hộp bã mía thay cho
hộp xốp… giúp tăng lợi ích cho công ti”.

Những ngành học trong tầm ngắm

Bạn có thể tham khảo và đăng kí tuyển sinh ngành Công nghệ Kĩ thuật Môi trường - ĐH Duy Tân; ngành Khoa học Môi trường - ĐH Lạc Hồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ngành Quản lí và Công nghệ Môi trường - ĐH Bách Khoa…

QUỲNH HƯƠNG - THANH PHONG - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: