Học sinh Thực Hành Sư Phạm Trà Vinh làm chất thử thực phẩm bẩn từ quả cau

Thứ tư, 10/04/2019 17:04 (GMT+7)

Bạn biết đấy, formol là chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu nó được dùng trong bảo quản thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Vậy làm sao mình phát hiện chúng trong thực phẩm bẩn? Bạn Ngô Huỳnh Gia Thư và bạn Nguyễn Hoàng Ngọc Linh (lớp 12 A, trường Thực Hành Sư Phạm Trà Vinh) đã thể nghiệm thành công trong việc chiết tách Tanin trong quả cau trắng và ứng dụng nó trong định tính formol trong thực phẩm.

Ý tưởng bắt đầu từ… ông ngoại.

Hằng ngày, ông ngoại của Linh dùng trái cau nấu nước uống vì tin rằng trong trái cau có vị thuốc dân gian mà ông cần. Theo đông y, trong quả cau có hàm lượng Arecoline giúp kiểm soát phần nào bệnh của ông. Thắc mắc về vị thuốc này, Linh muốn tìm hiểu xem ngoài Arecoline, trong trái cau có chất gì? Linh và Thư đã thu gom trái cau, tiến hành chiết xuất tìm ra loại chất rất quen thuộc trong hóa học là Tanin.

Linh đang tìm hiểu những tác dụng có được từ quả cau

Cùng bắt tay vào thí nghiệm

Quả cau khi được mang về sẽ xử lí thành bột cau (sấy ở nhiệt độ 90oC), sử dụng phản ứng định tính để xác định có tanin trong mẫu cau. Thư tiến hành hòa tan với nước theo tỉ lệ 1:60 (g/ml), sau đó trộn bột cau với aceton và nhiều bước khác để định lượng % tanin. Kết quả thử nghiệm được gởi đi kiểm định tại Phòng TNCS trường đại học Cần Thơ xác định có: 29.40% Tanin trong bột cau.

Thư là bạn đồng hành đang nghiên cứu các hợp chất trong bột cau

Các bước định tính, định lượng Tanin phức tạp là vậy nhưng để thử Formol trong thực phẩm thì cực kỳ đơn giản. Học sinh có thể thực hiện ở nhà bằng cách: Cho ống nghiệm có chứa nước trụng bún (có Formol) vào tanin và cho vào cốc nước nóng. Khoảng 5 phút sau sẽ xuất hiện lớp bọt (váng màu vàng nhạt nổi lên) chúng bám dính trên thành ống nghiệm. Nhờ đó, chúng ta biết được thực phẩm có chưa Formol vì thực phẩm sạch sẽ không có hiện tượng này.

Thầy Lương hướng dẫn, kiểm tra thí nghiệm thử Formol của hai bạn

Theo thầy Huỳnh Thiên Lương, giáo viên bộ môn Hóa Học, nhận định: “Với sự nhiệt tình, ham học hỏi, các em đã nghiên cứu chiết tách được hợp chất tanin từ quả cau trắng, một loại cây được trồng làm kiểng rất phổ biến ở địa phương. Từ hoạt chất này, các em đã nghiên cứu thành công cách đơn giản để nhận biết sự có mặt formol trong bún, bánh phở. Cách này ai cũng có thể tự làm tại nhà. Với kết quả nghiên cứu này, có thể mở rộng nghiên cứu thêm khả năng ứng dụng của hoạt chất này có trong quả cau trắng như: trị bệnh tiểu đường (theo dân gian), hỗ trợ trị bệnh tiêu chảy cho trẻ em... chế tạo polime sinh học (poliphenol formaldehit)...”

Chú Thạch Tha Lai - Phó Giám đốc Sở giáo dục Trà Vinh trao giải nhất cho các thí sinh (năm học 2017 - 2018)

Việc nhận biết thực phẩm có chứa chất gây hại cho sức khỏe là việc làm cần thiết, đặc biệt là với các loại thực phẩm chúng ta thường xuyên sử dụng hằng ngày. Các bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều này ở nhà và nuôi dưỡng nhiều ý tưởng mới mẻ để cùng nhau nói không với thực phẩm bẩn nhé!

Lê Nhi

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: