Học trò chuyên Lê Hồng Phong bất ngờ khi người dịch manga Naruto là 'người quen'

Chủ nhật, 09/03/2025 17:53 (GMT+7)

Người dịch bộ manga Naruto sang tiếng Việt là thầy Phạm Huỳnh Anh Việt - giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Học trò chuyên Lê Hồng Phong bất ngờ khi người dịch manga Naruto là 'người quen'- Ảnh 1.

Thầy Phạm Huỳnh Anh Việt - giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: NVCC

Một ngày đầu tháng 2, trang Facebook của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM) bất ngờ xuất hiện một bài đăng ẩn danh với nội dung: "Fact: Dịch giả Naruto là thầy Anh Việt - giáo viên tiếng Nhật của trường".

Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý của học sinh.

Cơ duyên để thầy giáo trở thành dịch giả

Nhiều bạn không giấu sự ngạc nhiên xen lẫn phấn khích khi biết rằng người dịch bộ manga Naruto sang tiếng Việt chính là thầy Phạm Huỳnh Anh Việt - giáo viên dạy tiếng Nhật tại trường.

Từ nhỏ thầy Việt đã thích đọc truyện tranh nên quyết định theo đuổi con đường dịch thuật. Công việc đầu tiên của thầy là dịch manga cho TVM Comics.

Tại đây, thầy được phân công dịch nhiều bộ shonen manga (truyện tranh dành cho thiếu niên). Khi Naruto - một trong những bộ manga bán chạy nhất thế giới - được phát hành tại Việt Nam, thầy được giao trọng trách chuyển ngữ.

“Khi nhận dịch Naruto, tôi vừa hào hứng vừa áp lực. Hào hứng vì đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận một bộ manga dài tập, lại có cơ hội tiếp cận tác phẩm yêu thích hoàn toàn bằng tiếng Nhật.

Nhưng cũng lo lắng vì Naruto đã quá quen thuộc với độc giả, liệu phong cách dịch của tôi có được đón nhận không? Tôi chỉ biết cố gắng hết sức để truyền tải trọn vẹn tinh thần của bộ truyện”, thầy Việt kể lại.

Về sau, khi Nhà xuất bản Kim Đồng mua lại bản quyền Naruto, thầy Việt một lần nữa được mời dịch lại bộ truyện.

Thời gian này, thầy Việt đang học thạc sĩ tại Nhật Bản. Nhờ vậy, thầy có cơ hội tiếp cận sâu hơn với văn hóa và ngôn ngữ bản địa, giúp việc dịch thuật trở nên trọn vẹn hơn.

Quá trình dịch Naruto kéo dài nhiều năm, từ khi thầy còn ở Việt Nam, trong thời gian học tại Nhật đến khi trở về nước. Sau này, do bận rộn với công việc giảng dạy, thầy dừng dịch ở tập 49. Từ tập 50, một dịch giả khác tiếp tục đảm nhận bộ truyện.

Theo thầy Việt, dịch một bộ manga dài hơi như Naruto không chỉ đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ mà còn cần sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Nhật Bản. Một trong những thách thức lớn nhất mà thầy gặp phải chính là sự khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia.

“Có những câu thoại nếu chỉ dịch nghĩa đơn thuần thì rất dễ, nhưng để giữ đúng tinh thần của bộ truyện thì phải cân nhắc rất nhiều. Tôi muốn truyền tải hết những yếu tố văn hóa Nhật Bản trong Naruto đến độc giả Việt Nam”, thầy chia sẻ.

Một trong những phần khó nhất đối với thầy Việt chính là lời thoại của nhân vật Bát Vĩ (Hachibi) - người được tác giả miêu tả là thích rap và thơ Haiku. Việc làm sao để dịch những câu thoại của nhân vật vừa có vần điệu, vừa đúng ngữ nghĩa đã khiến thầy trăn trở rất nhiều.

Là người chịu trách nhiệm chuyển ngữ chính thức Naruto sang tiếng Việt, thầy Việt nhận được không ít phản hồi từ độc giả. Khi được hỏi về một trong những phản hồi khiến bản thân nhớ nhất, thầy hài hước cho biết đó là lần một độc giả góp ý rằng câu thoại thầy dịch thấy... sai sai.

“Lúc đó tôi dùng một cấu trúc câu bị động trong tiếng Nhật, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì cách diễn đạt đó lại không phổ biến. Sau phản hồi này, tôi càng chú ý hơn trong việc trau chuốt câu chữ để bản dịch tự nhiên hơn”, thầy nhớ lại.

Từ trang truyện đến bục giảng

Ít ai ngờ rằng công việc dịch manga lại giúp ích rất nhiều cho thầy Việt trong sự nghiệp giảng dạy. Trước khi sang Nhật học thạc sĩ, thầy từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học và THPT ở TP.HCM..

Trong thời gian này, thầy cũng tổ chức các chương trình giao lưu dành cho học sinh cấp ba, tạo sự kết nối rộng rãi với cộng đồng giáo dục.

Học trò chuyên Lê Hồng Phong bất ngờ khi người dịch manga Naruto là 'người quen'- Ảnh 3.

Thầy Việt chụp ảnh selfie với học sinh - Ảnh: NVCC

Năm 2014, khi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mở lớp chuyên tiếng Nhật, mời thầy về giảng dạy chính thức. Từ đó, thầy gắn bó với trường cho đến nay.

Thầy bộc bạch: “Trước đây, tôi thiên về kỹ năng nghe, nói nhiều hơn vì thường xuyên làm công việc thông dịch. Nhưng khi dịch Naruto, tôi có cơ hội ôn lại rất nhiều kiến thức ngữ pháp.

Sau này khi đứng lớp dạy tiếng Nhật, điều đó giúp ích cho tôi rất lớn, vì tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ phong phú hơn cho học sinh”, thầy Việt dí dỏm tiết lộ.

Với thầy Việt, để trở thành dịch giả giỏi, điều quan trọng nhất chính là kiến thức vững chắc về ngôn ngữ. Không chỉ hiểu nghĩa của từ, người dịch cần phải am hiểu sâu sắc về ngữ pháp, sắc thái biểu đạt và bối cảnh sử dụng để có thể chuyển ngữ một cách tự nhiên, chính xác.

Ngoài ngôn ngữ, kiến thức về văn hóa cũng là yếu tố quan trọng. Truyện tranh Nhật Bản không đơn thuần là những câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, phong tục và tinh thần của đất nước mặt trời mọc. Vì vậy, dịch manga không chỉ cần chính xác mà phải giữ được tinh thần nguyên bản của tác phẩm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: