Hướng dẫn gợi ý làm bài môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Thứ năm, 06/06/2024 12:34 (GMT+7)

Mời bạn xem hướng dẫn gợi ý làm bài môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.

Hướng dẫn gợi ý làm bài môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM- Ảnh 1.

Hướng dẫn gợi ý làm bài môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM- Ảnh 2.

Đề văn tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - Ảnh: MAI TRÚC

Hướng dẫn gợi ý làm bài môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Câu 1: Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu (3 điểm)

a) Theo văn bản, hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024

- Diễn ra trong thời điểm đặc biệt là kỉ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Chủ đề là "Tôi yêu Tổ quốc tôi".

Học sinh chỉ cần nêu đúng 2 ý trong nội dung trả lời trên. Mỗi ý được xác định đúng: 0,25 điểm

b) Thành phần biệt lập trong đoạn cuối của văn bản: thành phần phụ chú (vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc).

Học sinh chỉ cần nêu đúng 2 ý trong nội dung trả lời trên: gọi tên thành phần biệt lập và nêu yếu tố ngôn ngữ liên quan. Mỗi ý được xác định đúng: 0,25 điểm.

c) Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu về những người lính ở quần đảo Trường Sa như sau:

- Đoạn thơ đã nêu bật những đặc điểm sau của những người lính ở quần đảo Trường Sa: tuổi đời rất trẻ, mang trong tim tình yêu nước lớn lao, ý chí mạnh mẽ vượt lên gian khó thử thách để giữ vững bình yên cho Tổ quốc.

- Những đặc điểm ấy đã làm nên vẻ đẹp trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết, mãnh liệt khát khao được cống hiến cho đất nước quê hương.

Mỗi ý được xác định đúng: 0,5. Học sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, miễn hợp lý và thuyết phục. 

d) Học sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lý và thuyết phục; lưu ý đảm bảo dung lượng theo yêu cầu. Có thể theo gợi ý sau:

Em sẽ tổ chức hoạt động "Xếp thành hình Tổ quốc" để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ.

Nguyên nhân:

- Khi xếp thành hình Tổ quốc, các bạn sẽ hình thành được ý thức về toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vì Trường Sa, Hoàng Sa là hai phần không thể tách rời với đất nước.

- Giúp các bạn học sinh hiểu được rằng bên cạnh việc cố gắng học tập tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, các bạn cần phải chú ý đến những tình cảm lớn, những vấn đề thiêng liêng như chủ quyền biển đảo, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

- Hành động nhỏ này sẽ chạm tới hàng triệu trái tim người dân Việt, sẽ cho người xem những bài học quý giá về lòng yêu nước.

Câu trả lời cần nêu rõ hoạt động (0,25) và nêu 3 nguyên nhân khiến bản thân lựa chọn hoạt động ấy, mỗi nguyên nhân được 0,25.

Câu 2: Viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) để bàn về lời khuyên: Biết nghĩ bằng con tim (3 điểm)

a) Yêu cầu cần đạt (0,5 điểm)

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài tổng kết được vấn đề. 

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Học sinh có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Sau đây là một hướng giải quyết đề bài.

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Biết nghĩ bằng con tim. 

 Giải thích

- "Con tim" trong ý kiến không hiểu theo nghĩa sinh học mà là yếu tố tượng trưng cho cảm xúc, tình cảm, cho lòng yêu thương, cho sự thấu cảm. Theo đề bài, "nghĩ" được hiểu là suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về con người và cuộc sống. (0.25 điểm)

- Nội dung của lời khuyên: Chúng ta cần biết suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về sự vật hiện tượng quanh mình với thái độ tích cực, bằng cảm xúc chân thành, bằng sự thấu cảm đầy tinh tế (0.25 điểm)

Bàn luận: 

- Biểu hiện: (0,5 điểm)

Khi "biết nghĩ bằng con tim", chúng ta sẽ có những suy nghĩ, nhận thức, đánh giá tích cực về con người và cuộc sống. Đặc biệt, đối với người khác, khi ta sở hữu lí trí có sự điều hướng bởi tình cảm, cảm xúc, ta sẽ dễ dàng chia sẻ với những quan điểm khác biệt, ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để thấu hiểu cảm xúc, tâm trạng của họ.

- Nguyên nhân: (0,5 điểm)

Như nội dung trong đề bài, theo thói thường, chúng ta thường nghĩ bằng khối óc – suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về con người, cuộc sống bằng lí trí, trí tuệ, kiến thức,… 

Đặt ra vấn đề "nghĩ bằng con tim" là một gợi ý rất thú vị. Trước đây, người ta đề cao chỉ số IQ (Intelligence Quotient, hay được hiểu là chỉ số thông minh của não bộ con người) của mỗi cá nhân, coi trọng trí tuệ sâu sắc, phản xạ nhanh nhạy. 

Tuy nhiên, theo thời gian, EQ (Emotional Quotient, chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người) lại được đánh giá cao. "Biết nghĩ bằng con tim" là biểu hiện quan trọng của chỉ số này.

- Tác dụng: (0.5 điểm)

Việc suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về sự vật hiện tượng quanh mình với thái độ tích cực, bằng cảm xúc chân thành, bằng sự thấu cảm đầy tinh tế giúp chúng ta chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống. 

Hơn thế, điều này còn giúp ta sống giàu tình cảm hơn, biết tiết chế cảm xúc của bản thân và dễ thông cảm với người khác. 

"Biết nghĩ bằng con tim" giúp chúng ta có cơ hội thành công hơn trong cuộc sống xã hội, nhờ có lối sống lành mạnh, suy nghĩ, quyết định đúng đắn và việc luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh, được nhiều người yêu mến, tôn trọng.

Bài học nhận thức và hành động: (0.5 điểm)

- Hiểu được ý kiến trên, ta phải phê phán những người hành xử thuần lý trí, cho rằng lý trí là một lựa chọn tối ưu trong mọi vấn đề. 

Nếu chọn cách sống này, đồng nghĩa với việc những người đó chấp nhận sống một cuộc đời không trọn vẹn khi mặt tinh thần và tình cảm đang bị đánh giá thấp hơn tầm quan trọng vốn có của nó. 

Dần dần họ cũng sẽ bị chai sạn về mặt tình cảm, không có rung động trước sự chuyển biến muôn màu muôn vẻ của vạn vật. 

Đồng thời, cách hành xử theo cảm tính cũng khiến người ta dễ thất bại vì trượt dài trong nhầm lẫn giữa suy diễn và suy luận, khó làm việc theo nhóm, để cảm xúc chi phối mọi việc.

- Để có thể "nghĩ bằng con tim", chúng ta cần tương tác nhiều hơn với người thân, mọi người xung quanh. 

Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần tham gia nhiều công việc nhóm, các dự án cộng đồng để có cơ hội nhìn nhận bao quát và sâu sắc hơn về người khác, chấp nhận những sự khác biệt của họ, cảm thông và tìm cách hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình để có sự gắn kết tốt hơn với xã hội. 

Hơn thế, chúng ta cũng cần học cách thấu hiểu cảm xúc của chính mình vì khi hiểu được chính mình thì khả năng "biết nghĩ bằng con tim" đối với người khác cũng lớn dần theo.

Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

c) Sáng tạo (0.25 điểm)

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

 Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 3: (4 điểm)

Đề 1: 

Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người.

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25 điểm)

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài tổng kết được vấn đề.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Sau đây là hướng giải quyết đề bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận (0.5 điểm):

- Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang, là nhà văn mà cuộc sống và sáng tác gắn liền với vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình. Truyện ngắn của ông có cốt truyện khá hấp dẫn, chi tiết chọn lọc, tình huống đặc sắc và kịch tính cao, đậm chất Nam Bộ với lối viết giản dị, ngôn từ mộc mạc.

- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được đưa vào tập truyện cùng tên, viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.

- Trong tác phẩm, tình cha con thiêng liêng đã được tái hiện đầy xúc động, đặc biệt là qua nhân vật bé Thu.

Nội dung: Cảm nhận tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha (2.0 điểm):

Có sự chuyển biến theo thời gian:

- Bé Thu phản ứng lạ kì: "Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng" khi người đàn ông mặt thẹo (Anh Sáu) đến gần và lặp lại: "Ba đây con! Ba đây con!" thì "nó thấy lạ quá, nó chớp mắt lên nhìn … mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: " Má! Má!".

- Trong 2 ngày đêm tiếp theo, mặc kệ những lời âu yếm, vỗ về của anh Sáu, bé Thu một mực thờ ơ, lạnh lùng đến mức bướng bỉnh, ngang ngạnh, khó hiểu: "càng vỗ về, con bé càng đẩy ra", không chịu gọi một tiếng "ba", khi bị dọa đánh, bị buộc phải gọi thì nói trống không.

- Một hành động rất trẻ con mà cũng rất đáng yêu của Thu đó là khi nồi cơm sôi, Thu có thể thoát khỏi thế khó khăn (nhắc nồi cơm xuống để chắt nước) nhưng Thu quyết không thỏa hiệp. Cô bé hành động theo sự bướng bỉnh "loay hoay nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm".

- Đỉnh điểm của hành động chối bỏ ấy là trong bữa cơm. Trong giây phút bùng nổ ấy, Thu "lặng lẽ đứng dậy" nhưng lại tạo tiếng động gây chú ý "cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to". 

Cô bé mong muốn được dỗ dành nhưng vẫn giữ sự cố chấp. Thu không thể chấp nhận một người khác thay thế ba nó - người ba mà nó khắc ghi từ tấm ảnh chụp chung với má nó. Trong sự cứng đầu của con bé còn ẩn chứa cả kí ức đầy kiêu hãnh về người cha. Chính vì vậy, sự ương ngạnh của bé hoàn toàn không đáng trách. 

Cô bé còn quá nhỏ, làm sao có thể thấu hiểu những tình cảnh ác liệt, éo le của người lớn, chiến tranh cũng như chấp nhận những bất thường xảy ra trong cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc.

- Thế nhưng, thái độ và tình cảm bé Thu khi đưa tiễn ông Sáu và đồng đội thay đổi thật đột ngột, kì lạ đến khó hiểu.

Đầy tha thiết, xúc động trong cảnh chia tay:

- Trong buổi sáng cha lên đường: "Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng ở góc nhà, lúc đứng tựa cửa […], vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương… đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa". Một vẻ mặt, ánh mắt và cái nhìn như thế ắt phải chuẩn bị cho cái gì khác lắm sắp xảy ra.

- Đến khi ông Sáu - người luôn âu yếm, làm thân, vỗ về nó trong hai ngày đầu lại chỉ đứng nhìn nó, khe khẽ nói: "Thôi! Ba đi nghe con!". Chính cái lời chào tạm biệt ấy đã làm nổ tung mọi kìm nén trong lòng, làm trào dâng mọi cảm xúc. Nó bỗng kêu thét lên: "Ba…a…a…ba!". Chỉ khi tiếng kêu đó được thét lên thì mọi người mới vỡ lẽ ra rằng nó thèm được gọi ba như thế nào. 

Nguyễn Quang Sáng đã đặc tả rất chân thực, cảm động: "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng, và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa". Thu đã "vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó… 

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: "Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở lại với con!". Cô bé đã "hôn ba nó cùng khắp,.. hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa".

- Sự lưu luyến vỡ òa này có nguyên nhân của nó: trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. 

Sự nghi ngờ bấy lâu nay vì vậy được giải tỏa và có cảm giác em đã ân hận khi "thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn". Vì thế trong lúc này, tình yêu và niềm quyến luyến người cha bùng lên thật mạnh mẽ và cuống quýt, trong đó có cả lòng hối hận... 

Đoạn văn thật cảm động, cách tả ấn tượng và phù hợp với tâm lí trẻ em. Nguyễn Quang Sáng đã tháo gỡ nút thắt rất khéo léo và hợp lí. Hành động ôm hôn thắm thiết, mạnh mẽ, hối hả của bé Thu như muốn bù đắp tình cảm cho những ngày trước đó.

Nghệ thuật: 

Tình tiết câu chuyện diễn biến bất ngờ nhưng hợp lý, lựa chọn ngôi kể phù hợp có sự đan xen miêu tả, bình luận, suy nghĩ với giọng kể giàu cảm xúc, chân thực, khắc họa nhân vật sinh động với diễn biến tâm lí tinh tế, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, đậm đà màu sắc Nam Bộ.

Liên hệ để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người (0.5 điểm):

- Tác phẩm liên hệ: Bếp lửa (Bằng Việt), Nói với con (Y Phương), Con cò (Chế Lan Viên),…

- Gia đình là một trong những không gian quan trọng nhất đối với mỗi người, đem đến cho chúng ta những tình cảm đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong cuộc sống.

- Gia đình chính là nôi êm, là tổ ấm để con người lớn lên và trưởng thành trong tình yêu, kì vọng của người thân. Hạnh phúc gia đình thật giản dị nhưng ý nghĩa biết bao khi tình yêu thương, sự bảo bọc của gia đình là mãi mãi và vô điều kiện.

- Ở nơi đó, ta có cảm giác an toàn, ấm áp và yên bình tuyệt đối, cho ta niềm tin rằng bất cứ khi nào ta cũng có thể tìm thấy người bảo vệ, người cố vấn và người đồng hành trong những khó khăn.

c) Sáng tạo (0.25 điểm)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm) 

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đề 2: Viết bài văn đáp ứng các yêu cầu trong tình huống mà đề bài nêu ra. (4 điểm)

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25 điểm)

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài tổng kết được vấn đề.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. (3.0 điểm)

Sau đây là hướng giải quyết đề bài:

Vấn đề được gợi ra từ tình huống (0.5 điểm): Chia sẻ bài phân tích có giá trị về một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ), chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong mỗi người. 

Giải quyết vấn đề (2 điểm):

- Giới thiệu vấn đề nghị luận (tác giả, tác phẩm/ đoạn trích)

- Phân tích một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) cần thấu đáo, hợp lí, kết hợp hài hòa giữa nội dung tư tưởng (đề tài, chủ đề, cảm hứng, thông điệp,…) và vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật .

- Qua việc phân tích phải làm nổi rõ tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong người viết (Sinh thành từ cảm xúc chân thành của tác giả, thơ ca tác động vào người đọc, giúp người đọc thấu cảm những cung bậc mạnh mẽ và lắng sâu của thi nhân, để cùng rung động, cùng yêu thương, cùng hạnh phúc, … với bao ý tình mà thơ ca chuyển tải. 

Qua thơ ca, người đọc "mượn hồn ta để hiểu hồn người", để biến thơ thành "tiếng gọi đàn", thành "một điệu hồn kết nối bao tâm hồn đồng điệu"), khiến cho giám khảo thấy được học sinh thật sự ấn tượng về ngữ liệu mình đang cảm nhận, thực sự có những cảm xúc chân thành đối với ngữ liệu và nội dung cần làm rõ.

c) Sáng tạo (0.25 điểm)

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: