Hướng đi nào cho học sinh trượt lớp 10 trường công lập?

Thứ năm, 04/07/2024 16:29 (GMT+7)

Nếu trượt cả 3 nguyện vọng lớp 10 vào trường công lập, vẫn còn nhiều hướng đi khác mà teen có thể xem xét.

Hướng đi nào cho học sinh trượt lớp 10 trường công lập?- Ảnh 1.

Một buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Phú - Ảnh: NTN

Trường THPT dân lập, tư thục là một lựa chọn

Thầy Hoàng Gia Thành (phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Đức) rất thấu hiểu và đồng cảm với tâm trạng của các bạn học sinh trượt cả 3 nguyện vọng vào các trường công lập.

Tuy nhiên, theo thầy Thành, lúc này các bạn cần bình tĩnh để xác định hướng đi tiếp theo cho mình. Vào trường THPT công lập không phải là con đường duy nhất để các bạn bước chân vào đại học. Hiện nay, các trường THPT tư thục cũng là một địa chỉ tin cậy để các bạn tiếp tục con đường học tập của mình.

Khi học tại các trường tư thục, các bạn vẫn học chương trình THPT không khác gì các trường công lập. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên của các trường cũng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Và quan trọng hơn cả, sau khi hoàn thành chương trình cấp 3, các bạn hoàn toàn có thể thi tốt nghiệp THPT và đăng ký vào các trường đại học không khác gì học sinh THPT công lập.

Hướng đi nào cho học sinh trượt lớp 10 trường công lập?- Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS - THP Hồng Đức tham gia chương trình Gặp gỡ khoa học năm 2023 - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Để lựa chọn một môi trường phù hợp khi viết tiếp 3 năm THPT, thầy Thành khuyên các bạn hãy tham khảo các thông tin trên cổng thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin trên website các trường THPT tư thục. 

Từ đó, các bạn chọn cơ sở giáo dục phù hợp với các tiêu chí như lực học của bản thân, tài chính của gia đình, khoảng cách địa lý, mục tiêu đào tạo của nhà trường có phù hợp với định hướng của bản thân không…

Bên cạnh đó, các bạn nên đến trực tiếp ngôi trường mà mình muốn lựa chọn để tham khảo và nghe tư vấn để có quyết định phù hợp với yêu cầu của bản thân cũng như những điều kiện khách quan khác.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề mở ra nhiều con đường

Theo thầy Nguyễn Trọng Nhân - thạc sĩ Tâm lý, giảng viên kỹ năng mềm KDC Education - chia sẻ, trong câu chuyện viết tiếp con đường học tập và phát triển nghề nghiệp, các em cần học cách nhìn thẳng, nhìn thật vào lực học của bản thân. Mỗi học sinh sẽ có những năng lực khác nhau và môi trường học tập theo đó cũng sẽ khác nhau.

Thầy Nhân cho rằng trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề cũng sẽ là những lựa chọn phù hợp nếu các bạn nhìn thấy được ưu điểm của nó.

Một phần khiến các bạn e dè vì còn định kiến rằng chất lượng đào tạo của trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên là kém chất lượng và sẽ gây khó khăn cho việc học tập sau này ở bậc cao hơn.

Nhận định này đã không còn phù hợp và đúng khi các cơ sở giáo dục như trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… ngày càng được quan tâm và đổi mới nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo như các đơn vị THPT khác trên cả nước.

Thực tế cho thấy, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên tốt nghiệp ra trường vẫn có bằng tốt nghiệp THPT và học tiếp tục ở các bậc cao đẳng, đại học nếu các bạn đủ điều kiện xét tuyển.

Đối với chương trình đào tạo của các trường trung cấp nghề, các bạn sẽ giảm được thời gian, chi phí học tập so với học sinh học tiếp THPT. 

Điểm khác biệt ở trường trung cấp nghề là học sinh sẽ được đào tạo song song hệ văn hóa THPT và hệ đào tạo nghề mà học sinh đăng kí theo học.

Như vậy, sau 2 năm học sinh sẽ nhận được 2 bằng: bằng THPT và bằng trung cấp chính quy. Ngoài ra, các bạn cũng có cơ hội theo học tại các trường cao đẳng, đại học có phương thức tuyển sinh liên thông sau khi tốt nghiệp.

"Xét một cách khách quan nhất, các học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì truờng nào tất cả đều mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho các bạn. Điều quan trọng là các bạn có thật sự quyết tâm và nghiêm túc với lựa chọn của mình hay không. Điều đó mới thật sự quyết định đến kết quả tương lai"
Thầy Nguyễn Trọng Nhân


Mình đã chọn trung tâm giáo dục thường xuyên khi trượt lớp 10

Mình là Minh Hằng (21 tuổi), cựu học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP.HCM).

Quay ngược thời gian về thời khắc mình bước ra khỏi phòng thi tuyển sinh 10, bản thân mình không mấy tự tin vào bài thi. Lúc đó, mình vẫn nghĩ rằng sẽ đậu những nguyện vọng đã đặt ra, dù biết khả năng chỉ 50/50.

Từ ngày thi xong cho đến ngày công bố điểm thi và điểm chuẩn, mình khá lo lắng.

Điểm thi của mình lúc đấy cũng trung bình khá. Nhưng mình thật sự bất ngờ vì điểm chuẩn tăng lên đột biến. Một phần là do cách sắp xếp các nguyện vọng của mình chưa hợp lý, nên mình trượt cả 3 nguyện vọng.

Hướng đi nào cho học sinh trượt lớp 10 trường công lập?- Ảnh 4.

Minh Hằng - Ảnh: NVCC

Điểm thi cách với điểm chuẩn ở nguyện vọng 3 của mình gần 3 điểm, nên mình không còn cơ hội dù đó là nguyện vọng cuối cùng.

Sau khi biết tin, gia đình buồn nhiều lắm. Ba mẹ không trách, nhưng để lộ trên gương mặt là nỗi buồn. Mẹ mình hỏi: "Vậy còn trường nào khác không con?", mình đã khóc khi nghe mẹ hỏi như vậy.

Khi ấy, mình không biết rằng có tồn tại hệ giáo dục thường xuyên – một con đường khác cho các bạn có điểm tuyển sinh 10 không như ý.

Tìm hiểu Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, mình mới biết rằng đây cũng là trường công, và đào tạo các môn toán, văn, tiếng Anh,... như các trường THPT khác. Đến tận thời điểm ấy, mình mới nhận ra rằng vốn dĩ có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng bản thân chúng ta không biết.

Câu chuyện của mình, có thể đâu đó sẽ có được sự đồng cảm của các bạn. Học hành là một quá trình cần có sự nỗ lực, kiên trì rèn luyện và kết quả không tốt, không đồng nghĩa mọi thứ đã kết thúc. Hãy thử cho chính mình một cơ hội, học ở môi trường mình chưa từng nghĩ đến, đó cũng là trải nghiệm trong cuộc đời này.

Chúc các bạn có lựa chọn tốt nhất cho bản thân của mình nhé!

MINH HẰNG

(sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: