Khi thiếu niên nói...

Thứ sáu, 03/04/2020 06:58 (GMT+7)

Là sân chơi để teen bày tỏ những tâm sự thầm kín, những bức xúc khó giãi bày, chương trình Thiếu niên nói đã ghi lại dấu ấn sâu đậm và thu hút lượng khán giả đông đảo.

Thiếu niên nói là chương trình truyền hình thực tế đề cập đến những tâm tư, nguyện vọng của các bạn học sinh. Chương trình sử dụng phân cảnh là một sân khấu cao được dựng giữa sân trường, gọi là “bục dũng khí”. Nơi đây, các bạn học sinh được tự do bày tỏ những câu chuyện đặc biệt mà phụ huynh hay thầy cô đều không được biết trước. Có những tâm sự thật đáng yêu, chẳng hạn như “ba ơi con không thích ăn giá”, “bạn thân ơi sao mày làm lơ tao” nhưng cũng có nhiều nỗi niềm xúc động như “ba đừng đánh mẹ được không”. Dù là câu chuyện nào đi nữa, điều quan trọng là các teen đã có cơ hội nói ra thay vì giữ trong lòng.

Phía sau bục dũng khí

Trong vòng một năm thực hiện, ê kíp tổ chức đã làm việc với 200% công lực từ khâu tìm kiếm học sinh, trao đổi với phụ huynh và nhà trường cho đến “chăm sóc” tâm lí cho các teen trước và sau khi tham gia chương trình. Chị Hoàng Oanh (biên tập) chia sẻ: “Hơn 3.000 bài khảo sát là số lượng trung bình của một trường gửi về cho tụi mình. Vì là khảo sát tự nguyện nên các teen viết vào đó những điều rất thầm kín. Có bạn giọng văn đầy lạc quan, nhưng khi gặp gỡ tụi mình và được hỏi chuyện liền bật khóc. Thì ra, mẹ không cho cô nàng cắt tóc, phải nuôi thật dài dù cho mái tóc rất nặng và vướng víu”.

Từ bài khảo sát cho đến khi bước lên bục dũng khí là hành trình vượt qua những giới hạn của bản thân. Chỉ những teen thực sự can đảm mới dám đứng trước toàn thể thầy cô, bạn bè và cha mẹ để nói ra tất cả khúc mắc. Cô bạn Gia Linh (lớp 12A18 THPT Hùng Vương, Q.5) tâm sự: “Mình tham gia Thiếu niên nói để kể về quá trình khởi nghiệp từ năm 13 tuổi. Lúc đó, ba mình vướng vào cá độ đá banh nên phải bán hết nhà cửa, xe cộ. Mình đã dành cả mùa hè để đi làm thêm kiếm tiền đỡ đần cho gia đình. Buổi sáng, mình phụ cô giáo dạy cho các em tiểu học. Chiều tối, mình bán quán trà
sữa. Dành dụm được ít tiền, mình chuyển sang kinh doanh bánh tráng trộn, đến nay đã có được thương hiệu riêng. Thầy cô trong trường cũng hay mua bánh tráng ủng hộ mình, mỗi lần đặt hàng vẫn không quên kèm theo câu: bán thì bán chứ nhớ học nha con”.

Con muốn được lắng nghe

Anh bạn Xuân Hoàng (lớp 12A3 THPT Hermann Gmeiner, Gò Vấp) trải lòng: “Ban đầu, mình ngại lắm nên không dám chia sẻ nhưng nghĩ lại đây chính là cơ hội để ba mẹ hiểu và ủng hộ giấc mơ của mình. Mình cực kì mê hip hop, từ hồi lớp 7 cơ, cứ xem clip người ta nhảy rồi học theo. Đến nay, mình đã “ẵm” kha khá giải thưởng từ cá nhân cho đến tập thể và làm biên đạo cho rất nhiều trường cấp ba. Ngặt nỗi ba mẹ luôn cấm cản mình theo hip hop, lí do là nghề này không ổn định lại hay gặp nhiều chấn thương rất nguy hiểm. Có dạo mình đi hoài, ba mẹ làm gắt cấm không được nhảy nữa mà phải chuyên tâm học. Đứng trên bục dũng khí, mình lấy hết can đảm để giao kèo với ba mẹ. Mình hứa không để kết quả học tập sa sút và ba mẹ cũng sẽ cố gắng mở lòng để chấp nhận đam mê của mình”.

Thêm một nhịp cầu để người lớn hiểu thêm về teen mình và mình cũng có cơ hội bày tỏ những điều đang suy nghĩ, phải không teen?

THỦY VY - Ảnh: BTC, NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: