Không được sử dụng Atlat trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh nên làm gì?

Thứ sáu, 14/03/2025 12:23 (GMT+7)

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thí sinh không được mang Atlat địa lý vào phòng thi. Học sinh nghĩ gì về quy định mới này?

Không được sử dụng Atlat trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh nên làm gì?- Ảnh 1.

Thí sinh sử dụng Atlat địa lý Việt Nam tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cho bài thi tổ hợp khoa học xã hội - Ảnh: THẢO NGỌC

Atlat là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp các bạn học sinh làm bài thi địa lý tra cứu nhanh các thông tin về địa hình, khí hậu, tài nguyên, dân cư,…

Do đó, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không được sử dụng Atlat trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến nhiều học sinh băn khoăn.

Bạn Trần Kim Ngọc (lớp 12XH-Lý 1, Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) - vừa giành giải nhất môn địa lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 TP.HCM - cho rằng quy định mới sẽ tạo ra hai luồng suy nghĩ khác nhau.

"Đối với vài bạn, đây có thể là thử thách vì Atlat vốn là công cụ hỗ trợ quan trọng, giúp phân tích và giải quyết một số câu hỏi nhanh chóng mà không cần học thuộc lý thuyết. Áp lực sẽ càng tăng cao nếu các bạn đã quen với việc sử dụng Atlat trong suốt quá trình học tập và ôn luyện.

Tuy nhiên, với những bạn nắm chắc kiến thức, mình nghĩ đây lại là cơ hội để chứng minh bản thân có kiến thức và kỹ năng địa lý vững vàng mà không cần đến tài liệu hỗ trợ", Ngọc chia sẻ.

Ngọc cũng cho biết trong các kỳ thi học sinh giỏi, bạn đã quen với việc làm bài mà không cần Atlat địa lý. Thế nên sự thay đổi này không gây hoang mang, lo lắng cho bạn.

Ngược lại, cũng có một số học sinh bày tỏ sự lo lắng khi không được sử dụng Atlat trong phòng thi.

Với bạn Khánh An (học sinh lớp 12, quận 6, TP.HCM), Atlat giúp ích cho bạn rất nhiều trong các bài kiểm tra và thi thử.

"Không có Atlat, mình sẽ phải ghi nhớ nhiều thông tin hơn, đặc biệt là các đặc điểm phân bố khoáng sản, khí hậu, dân cư. Bởi nếu quên, sẽ không thể mở Atlat để đối chiếu. Điều này làm tăng áp lực thi cử đối với cá nhân mình", An bày tỏ.

Cùng chung suy nghĩ, Gia Hào (học sinh lớp 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết bạn không chọn địa lý làm môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng trước nay khi học và làm bài ở lớp, bạn hay nhìn bản đồ trong Atlat để xác định tài nguyên, khí hậu của từng vùng. 

Giờ không thể áp dụng cách đó nữa, bạn cho rằng các học sinh phải học kỹ hơn, hiểu sâu hơn mới có thể làm bài tốt. 

Bạn Trương Đức Thịnh (lớp 12A15, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP.HCM) hoàn toàn ủng hộ quy định mới. "Tụi mình đã nghe về khả năng thay đổi này từ trước nên không quá bất ngờ. Theo mình, đây là một thay đổi tốt, giúp phân loại học sinh rõ ràng hơn. 

Nếu bạn nào thực sự hiểu bài, nắm chắc kiến thức sẽ không bị ảnh hưởng. Điều này cũng đảm bảo sự công bằng hơn trong thi cử", cậu bạn nói.

Thay đổi phương pháp học tập để thích ứng

Để thích nghi với quy định mới, Khánh An vạch ra phương pháp học tập mới. "Từ hôm nay, mình sẽ tập ghi nhớ theo sơ đồ tư duy, luyện làm bài với các dạng câu hỏi không có Atlat. Mình cũng dành thời gian đọc kỹ sách giáo khoa và làm nhiều bài tập hơn để nhớ thông tin tốt hơn".

Còn Kim Ngọc cho biết bạn vẫn sẽ học địa lý theo cách thức cũ, tương tự như khi ôn thi học sinh giỏi thành phố. Ngoài việc học lý thuyết, bạn cũng chú trọng thực hành - thường xuyên luyện tập khả năng ghi nhớ và phân tích thông tin qua việc đọc bản đồ, biểu đồ.

"Hãy luyện tập giải đề mà không nhìn vào Atlat để xác định mình có thể làm được bài đến đâu nếu không có công cụ hỗ trợ. Thiếu kiến thức chỗ nào thì bồi dưỡng, ôn tập thêm chỗ đó. Như vậy khi vào phòng thi, bạn sẽ không còn hoang mang khi thiếu tài liệu tra cứu", Ngọc hiến kế.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thí sinh được mang vào phòng thi: bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Cấm mang vào phòng thi: giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu; thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Tuy nhiên, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh không được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi. Đây là một trong những điểm mới trong quy chế thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Quy định này được áp dụng với học sinh theo chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Với những thí sinh vẫn theo chương trình 2006 nhưng chưa tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức đề thi riêng, cho phép sử dụng Atlat như trước đây.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: