Thứ sáu, 03/04/2020 06:57 (GMT+7)

Lam vẫn thường kể tôi nghe về khoảng trời xanh của cậu ấy.

Lam vẫn thường kể tôi nghe về khoảng trời xanh của cậu ấy. Lam vẫn thường cất giấu thật kĩ những mảng kí ức tưởng chừng như đã bong tróc đi bởi thời gian, gom chúng lại thành một góc nhỏ ngọt ngào của riêng mình. Những câu chuyện Lam kể, có tiếng sóng, có tiếng rào rạt của hàng phi lao và có cả mùi cá kho mặn mòi hương biển. Lam bảo rằng, nếu thực sự kí ức của con người sẽ dần đào thải theo tháng năm, thì cậu ấy sẵn sàng đổi đi tất thảy, chỉ để giữ lấy những gì thuộc về mảng trời xanh nơi ấy.

Lam có một người anh trai mà theo như những gì cậu vẫn kể, thì chàng trai ấy đen nhẻm, nhỏ bé nhưng lại mạnh mẽ chẳng ai bằng. Ngày nhỏ dại khi ấy, khi những chuyến đi biển xa khiến cả cha và mẹ lênh đênh suốt những ngày dài, thì
chỉ có riêng cậu bé ấy lo lắng cho Lam. Có đôi lúc tôi vẫn thường nghĩ, Lam yêu khoảng trời xanh nơi ấy, vì vốn dĩ nó gắn liền với một dáng hình mà cậu ấy luôn nhớ thương. Con người ta vẫn thường như thế, yêu cả một nơi rộng lớn chỉ đơn giản vì nơi đó có người ta thương.

Những câu chuyện Lam kể, cứ lặp đi lặp lại như thế, chỉ là những vụn vặt kí ức về cậu trai bé nhỏ mà tuyệt nhiên chẳng có sau này, chẳng có dáng hình của một chàng trai trưởng thành. Tất cả như chững lại ở một mốc thời gian nào đó. “Anh trai cậu giờ như thế nào rồi?”.

Những lời huyên thuyên của Lam bất chợt dừng hẳn. Cô bạn hướng ánh nhìn mịt mờ sang phía tôi rồi cất giọng khẽ khàng, như tự hỏi, như trả lời: “Ừ, bây giờ anh ấy thế nào nhỉ?”.

Tôi biết Lam đã 8 năm rồi, từ ngày cô bạn chuyển về thành phố này và sống đối diện nhà tôi. Ông Năm Côi mà ngày bé tôi vẫn thường chạy sang nhà nghe kể chuyện kháng chiến, là ông nội của Lam. Tôi chẳng biết bố mẹ Lam đâu, chỉ biết mỗi mình Lam đến phố, rồi bầu bạn với ông nội cho đến giờ.

Tôi vẫn nhớ bầu trời hôm ấy rất xanh ngày tôi thấy Lam lần đầu tiên. Cô bé nhỏ nhắn rụt rè gõ cửa nhà tôi rồi ấp úng hồi lâu mới trao xong mớ rau ông nội dặn sang gửi.

“Bạn là người quen của ông Năm sao?”.

“Là cháu nội, mình là cháu nội”.

Lam hay có thói quen nhấn mạnh hai lần những điều mình muốn nói. Khoảng thời gian đầu, tôi cứ nghĩ vì nhút nhát nên cô bạn mới thế. Nhưng hóa ra, đó lại là thói quen. Lam bé nhỏ, nước da cũng ngăm đen vì nắng gió biển cả, nhưng đôi mắt, lại sáng ngời nét lanh lợi. Tôi chẳng hiểu vì sao, từ lần gặp đầu tiên ấy, tôi cứ mãi nhớ hoài ánh mắt rụt rè nhưng long lanh ngời sáng ấy.

Lam học sau tôi một khóa, vì thời điểm chuyển đi gấp gáp khiến chương trình học cứ thế dở dang. Từ khung cảnh kẻ thong dong đạp xe, người lặng lẽ từng bước đến trường cho đến khi tà áo dài tung bay nơi yên sau xe đạp tôi, cả một hành trình dài, chúng tôi đã cùng đi như thế. Lam vẫn luôn là cô bé với ánh mắt sáng ngời, với thói quen lặp lại hai lần những điều mình muốn nói. Còn tôi, vẫn là anh chàng cao kều, của riêng Lam.

Ngày ông Năm mất, trước lúc buông xuôi cõi trần, ông vẫn kịp dúi vào tay Lam hai quyển sổ tiết kiệm, một quyển ông chắt chiu cả đời, một quyển của ba mẹ Lam để lại. Tôi vẫn nhớ khi ấy, Lam đã thẫn thờ hồi lâu khi nghe đến hai tiếng ba, mẹ. Dường như, đã quá lâu rồi, kể từ khi hai tiếng ấy được nhắc đến.

Sau tang lễ, Lam vẫn một tay quán xuyến nhà cửa, vẫn nỗ lực thật nhiều cho những ước mơ của mình. Chỉ là, Lam cứ mãi im lặng, sự yên lặng khiến tôi bất giác bức bối.

“Hay là, mình trở về biển nhé?”. - Tôi đề nghị vào một ngày hoàng hôn đủng đỉnh đến muộn.

Lam vẫn đều tay với công việc của mình, tựa như phớt lờ, tựa như chẳng nghe. Có đến một lúc thật lâu, Lam mới khẽ khàng đáp lại.

“Chờ một chút nữa, một chút nữa thôi được không?”.

Ánh mắt chất chứa quá nhiều nỗi niềm ấy khiến lòng tôi bỗng nhiên đắng chát. “Giờ ông nội đi rồi, cũng chẳng thể lừa con mãi được. Năm đó bão lớn, mưa cũng nhiều, sạc lở cứ thế kéo đến, ba mẹ con cũng bất ngờ ra đi trong đợt bão đó. Thằng Chiến anh con thì cố gắng che chở cho con lúc sập nhà nên cũng không qua được. Ông đã lo không biết phải nói thế nào khi con tỉnh lại. Nhưng chẳng biết nên gọi là phúc hay họa, vì khi tỉnh lại, con lại quên hết. Nội đã nghĩ giấu con cả đời. Nhưng nhìn con vẫn từng ngày nhớ nhung về nơi đó, nội không đành lòng…”.

Những lời ông Năm Côi như dùng hết sức lực thều thào ngày đó, bất chợt cứ văng vẳng bên tôi. Tôi nghĩ Lam sẽ khóc nhiều, nhưng không, cô bạn vẫn cứ thế, cứ lặng lẽ khiến người ta lắng lo. Cho đến một hôm, khi tôi vừa kết thúc ca tối của mình trong cửa hàng làm thêm, đang loay hoay kiểm tra khóa cửa thì bắt gặp bóng dáng quen thuộc đang ngẩn ngơ bên bồn hoa cạnh đấy. Thấy tôi, Lam ngẩng lên hỏi nhỏ: “Về biển cùng tớ, về nhà tớ trước kia, được không?”.

Chuyến xe trong đêm bắt vội, vắng tanh. Tôi ngồi cạnh lối đi, để Lam về phía khung cửa. Ánh mắt cô bạn cứ mãi đau đáu hướng ra phía ngoài, mặc dù nơi ấy, chỉ có màn đêm đen kịt. Tôi hỏi Lam có muốn ngủ chút không, cô bạn chỉ nhẹ lắc đầu rồi bảo muốn nhìn cho đủ những điều đã lạc mất bấy lâu.

Có đôi lần tôi tự hỏi, nếu một ngày bất chợt nào đó, Lam đòi hỏi tôi những điều phi lí bằng ánh mắt trong veo ấy, thì liệu tôi sẽ thế nào? Bởi sự thật ngay lúc này, chỉ cần ánh mắt ấy nhìn tôi, mọi sai trái cũng đều được chính tôi tìm mọi lí lẽ để hóa giải. Mặc dù là, cô ngốc đang bên cạnh tôi đây, có đòi hỏi ai bao giờ, nói chi có chuyện phi lí. Nghĩ tới đó, tôi thấp giọng bật cười.

“Sao thế?”. - Lam quay sang nhìn tôi.

“Nghĩ một vài điều vớ vẩn thôi!”. - Tôi trả lời.

- “Cậu biết mà, đêm khuya thường là lúc mấy suy nghĩ linh tinh cứ xuất hiện”.

“Những câu chuyện vớ vẩn ấy đều liên quan đến tớ phải không?”.

À, tôi quên kể một điều nữa, cô ngốc này vậy mà luôn đoán được trúng phóc những điều tôi nghĩ và vạch trần nó ra bằng một nét mặt rất chi là hiển nhiên.

Lam chẳng buồn hỏi nữa, vì nụ cười theo cô bạn là “ngố tàu” của tôi đã trả lời mất rồi.

Chúng tôi đến biển khi trời vừa hửng sáng. Men theo chút kí ức ít ỏi còn sót lại, Lam cứ quanh co trong những con hẻm như một thói quen, để rồi dừng chân trước một căn nhà khang trang, kiên cố. Lam cứ nhìn đăm đắm vào nơi đó, dường như muốn xuyên qua khoảng thời gian đã lỡ mất, để thấy lại những tháng năm trước đây.

“Nhà tớ khi trước, nhỏ bé hơn đây rất nhiều”. - Giọng cô bạn khàn đi, mái đầu nhỏ cúi xuống, chẳng biết đang nghĩ ngợi gì.

Đứng thêm lúc nữa, Lam đưa tay kéo tay tôi, tiếp tục băng qua những con ngõ bé nhỏ rồi đến biển. Mặt trời khi ấy, vừa lúc hửng lên tròn đầy, như quả bóng to lăn tròn trên chiếc đĩa biển cả. “Tớ vẫn luôn tự hỏi tại sao ngần ấy năm, ba mẹ chưa bao giờ ghé về thăm tớ. Dù bận rộn đến thế nào, vẫn có thể nhàn rỗi 1 hay 2 ngày phải không? Tớ vẫn luôn chờ, hơn cả việc ba mẹ ghé thăm là một vài lời hỏi han của anh tớ. Đã từng có lúc tớ nghĩ rằng, mình là đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi, vì khoảng kí ức những năm ấy gần như trắng xóa. Thế nhưng, hình dáng anh tớ lại rõ nét như vậy, chân thực như vậy trong những giấc mơ”.

“...”

“Thất bại quá phải không? Người được bảo vệ tất thảy như tớ, bao năm qua vẫn luôn oán trách vì nghĩ mình là nạn nhân. Những ngày qua, tớ cứ nghĩ hoài, nên chấp nhận việc này như thế nào, nên tiếp nhận nó ra sao. Nhưng rồi, buồn
cười là, có chấp nhận hay gì đi chăng nữa, thì đó cũng là những việc tớ chẳng đủ sức để thay đổi được”.

“...”

“Kiên này,...”.

Tôi bất giác nín thở, vì biết rằng Lam chuẩn bị nói ra điều khiến cô bạn quẩn quanh suốt những ngày qua.

“Tớ, không còn người thân nữa rồi!”.

Tôi bất giác nhìn sang, có giọt nước mắt khẽ khàng tuôn ra khỏi khóe mi Lam, vô thanh lăn trên bờ má rồi vùi mình trong biển cát mênh mông.

“Lam này, có biết vì sao ngày cậu về phố, người đầu tiên quen biết lại là tớ không?”.

“...”

“Có lẽ anh trai cậu đã mang tớ đến, mong muốn tớ bảo vệ cậu như anh ấy. Mọi chuyện diễn ra, đều có nguyên nhân của nó cả. Có đôi khi, bỏ qua những nguyên nhân sâu xa, con người ta sẽ nhìn được rõ hơn những điều tốt đẹp. Còn nữa, sự yêu thương giữa người với người, không phải chỉ tình thân mới có. Thế nên, cậu vẫn có tớ bên cạnh. Cho đến lúc cậu tìm được ai đó bảo vệ, tớ sẽ bên cạnh cậu. Hoặc giả, cậu có thể chọn tớ là người bảo vệ lâu dài vô thời hạn đó”. - Lần đầu tiên trong đời, má tôi bất chợt nóng bừng và đỏ lên như thế. Cuối cùng cũng đủ can đảm tỏ tình rồi. Lam nhìn tôi, đôi mắt trong veo khẽ chớp.

“Vậy, có cần kí hợp đồng dài hạn không?”. - Nét cười duyên quen thuộc lại xuất hiện.

“Vậy, trở về tớ sẽ soạn thảo hợp đồng nhé?”.

- Tôi bông đùa, cảm thấy lòng còn phơi phới hơn cả ánh dương đang hân hoan ngày mới kia.

DIÊN VỸ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: