Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng "hậu chia tay"?

Thứ hai, 02/05/2022 09:40 (GMT+7)

Làm gì để vượt qua nỗi buồn sau khi chia tay người mình thích là trăn trở của rất nhiều cặp đôi teen.

CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Nếu từng “đường ai nấy đi” với người mình thích thì có lẽ bạn sẽ hiểu khoảng thời gian sau đó khó khăn thế nào. Đầu tiên, bạn phải đối mặt với nỗi buồn đi kèm sự nhớ nhung những kỉ niệm hai bạn đã có cùng nhau.

“Mình cảm thấy rất buồn và nhớ đến đằng ấy sau khi chia tay. Mỗi lần đi chơi cùng bạn bè, người thân mình đều không thể vui vẻ. Chỉ cần đi ngang qua những nơi bọn mình đã từng đi cũng khiến bản thân có chút chạnh lòng. Phải rất lâu sau mình mới quên được hình ảnh của bạn ấy” - bạn Nguyễn Thị Thanh Trúc (trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) nhớ lại.

Có một số bạn, sau khi chia tay liền quyết định tìm đến mối quan hệ mới để nhanh chóng quên đi người cũ. Tuy nhiên, những mối quan hệ ấy thường không kéo dài, như câu chuyện của cậu bạn Lê Trần Khánh Dư (Q.Tân Bình): “Khi mới chia tay với “ấy ơi”, mình bắt đầu trò chuyện và “thả thính” những bạn nữ xung quanh để khỏi nghĩ tới người ta. Nhưng càng làm như vậy, bản thân mình càng cảm thấy buồn và nhớ đến những gì cả hai đã trải qua. Không những thế, mình còn làm tổn thương những bạn khác. Nên mình quyết định đã dừng lại và FA một thời gian để tâm trạng trở nên ổn định hơn”.

CÓ NÊN QUAY LẠI?

Chia tay xong, rất nhiều bạn sẽ có mong muốn quay lại với người đó, để không phải chịu những nỗi buồn dai dẳng. Tuy nhiên chuyện này cũng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

NÊN KHÔNG NÊN

Có nên quay lại?

Bạn Trịnh Trần Anh Tú (trường THPT Đào Sơn Tây, TP. Thủ Đức) cho biết: “Mình nghĩ khi cả hai còn tình cảm với nhau hoặc chuyện cãi nhau không quá to tát thì chúng mình nên nói rõ mong muốn cho đằng ấy hiểu và thay đổi để cả hai thêm thấu hiểu hơn”. Khác với quan điểm của bạn Anh Tú, cô bạn Phạm Nguyễn Ngọc Mỹ (Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Nếu cả hai đã quyết định chia tay thì việc quay lại là rất khó. Vì khi chia tay thì một trong hai đã hết tình cảm hoặc cảm thấy không phù hợp. Nên khi quay lại chỉ khiến đối phương cảm thấy mệt mỏi hơn thôi”.

Nguyên nhân

Cả hai còn tình cảm dành cho nhau.
Đối phương chỉ nói chia tay khi nóng giận nhưng thật lòng lại không muốn.
Đằng ấy vẫn luôn dành sự quan tâm cho bạn.
Sự tin tưởng không còn nguyên vẹn (bị lừa dối, có sự xuất hiện của người thứ ba...).
Tình cảm cả hai đã trở nên nhạt dần.
Bản thân cảm thấy “say nắng” một người khác.

Giải pháp

Cậu bạn Minh Tú (Q. Bình Thạnh) cho rằng để việc chia tay không xảy ra, chúng ta nên kiểm soát lời nói mỗi khi cãi nhau. Tú cho biết: “Khi có mâu thuẫn, chúng mình nên hạn chế nói hai từ chia tay. Bởi lẽ điều đó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy bạn không trân trọng mối quan hệ này nữa và dẫn đến những rạn nứt không mong muốn. Thay vào đó, khi cãi nhau chúng ta nên dành cho cả hai khoảng không gian riêng để bình tĩnh suy nghĩ. Sau đó sẽ nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề”. Nếu bản thân đã cố hết sức nhưng bạn thực sự cảm thấy không thể vui vẻ trong mối quan hệ này, thì chia tay chính là giải thoát cho nhau. Chuyện quay lại là không thể trong trường hợp này, vì mọi thứ đã có những tổn thương khó hàn gắn. Nhiều bạn còn tâm sự rằng sau khi quay lại, vấn đề chẳng những không được giải quyết mà còn nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhiều tổn thương hơn. Dừng lại vẫn là cách tốt nhất.

KẾT:

Chúng ta không cần tạo áp lực cho bản thân, bắt mình phải yêu thương một ai đó khác ngay sau khoảng thời gian vừa mới chia tay. Hãy tham gia một lớp học mới, dự án mới để giữ mình bận rộn, vui vẻ, có nhiều người bạn mới. Điều đó sẽ giúp bạn thấy nhẹ nhàng hơn là mãi sống trong nỗi buồn của chính mình.

PHƯƠNG AN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: