Lần đầu đi phỏng vấn xin việc – 6 điều nhất định phải biết

Thứ hai, 23/11/2020 18:00 (GMT+7)

Lần đầu đi phỏng vấn xin việc, bạn chắc hẳn sẽ ít nhiều cảm thấy lo lắng, hồi hộp vì thiếu kinh nghiệm “chinh chiến”.

Đừng quá lo lắng, những kinh nghiệm hay ho dưới đây sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho lần phỏng vấn đầu tiên và tránh mắc phải những sai lầm không đáng có.

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi tham gia phỏng vấn

Khi gửi lời mời phỏng vấn cho ứng viên qua điện thoại hoặc email, đa số nhà tuyển dụng đều đính kèm theo các loại giấy tờ mà ứng viên cần cung cấp. Ứng viên trước khi tham gia phỏng vấn nhất định phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đó có thể là chứng minh nhân dân, bản sao các giấy tờ tùy thân, bản sao bằng cấp hoặc giấy khen…

Nếu bạn để quên hay không chuẩn bị kịp tất cả giấy tờ được yêu cầu thì sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Vì thế bạn cần chuẩn bị chúng từ sớm, đừng để “nước đến chân rồi mới nhảy”. Bên cạnh đó, bạn hãy soạn ra và kiểm tra giấy tờ thật kĩ lưỡng vào tối hôm trước ngày phỏng vấn rồi cho sẵn vào bìa hồ sơ (hoặc bìa nhựa cứng). Hôm sau bạn chỉ cần thong dong cầm đi mà không phải vội vã lục tung mọi thứ. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị ít nhất 2 bộ hồ sơ giấy tờ giống nhau nhằm có cái “phòng thân” khi chẳng may có vấn đề bất trắc xảy ra.

Đến trước giờ hẹn ít nhất 15 phút

Ngay lần đầu đi phỏng vấn xin việc mà ứng viên đã đến muộn thì thật chẳng ra sao. Một số ứng viên mới đi phỏng vấn lần đầu đều có suy nghĩ chủ quan, không muốn đến sớm để tránh phải đợi lâu. Tuy nhiên, nếu bạn đi sát giờ hẹn phỏng vấn thì nguy cơ đến trễ là rất cao. Bởi vì bạn cần phải đề phòng các tình huống bất ngờ xảy ra như va quạt, tắc đường hay lạc đường…

Dù là phỏng vấn cho công việc biên dịch tiếng Nhật, IT hay Marketing thì tốt nhất bạn nên canh thời gian sao cho đến điểm hẹn phỏng vấn tối thiểu sớm 15 phút. Muốn vậy bạn cần tra kĩ trên bản đồ về đoạn đường sẽ đi xem lối đi nào thuận tiện nhất. Thậm chí trước đó một hôm bạn nên thử đi đến nơi phỏng vấn để làm quen với đường xá cũng như tìm hiểu trước các trở ngại trên đường (nếu có).

Ăn mặc chỉn chu, lịch sự

Lần đầu đi phỏng vấn xin việc có nhiều ứng viên ăn mặc không phù hợp, hoặc là quá sơ sài, thiếu trang trọng hoặc quá lòe loẹt, phô trương. Điều này sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng.

Ngoại hình là yếu tố đầu tiên đập vào mắt người phỏng vấn. Một người ăn mặc không gọn gàng, không phù hợp với buổi phỏng vấn chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng không hài lòng. Do vậy bạn cần tìm hiểu kỹ về môi trường công sở của công ty ứng tuyển để có cách chọn lựa trang phục phù hợp.

Chẳng hạn, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí giáo viên thì nên mặc áo dài. Nếu bạn ứng tuyển vào công ty kế toán, công ty luật hoặc những nơi có yêu cầu về tính chuẩn mực thì nên mặc set đồ công sở với quần tây (hoặc váy), sơ mi và áo vest. Nếu bạn nộp đơn vào những công ty có nét văn hóa gần gũi, thoải mái như công ty thiết kế, công ty truyền thông - marketing thì có thể diện trang phục cá tính hơn.

Dù ở đâu thì bạn cũng nên lựa chọn màu trang phục thuộc gam trung tính như trắng, be, đen… và có kiểu dáng thanh lịch, trang nhã để phù hợp với mọi tình huống.

Tìm hiểu kĩ về công ty ứng tuyển

Trước khi tham gia phỏng vấn, nhất là đối với người lần đầu đi phỏng vấn xin việc, bạn phải chú ý tìm hiểu kĩ lưỡng về công ty ứng tuyển. Ví dụ như tên đầy đủ, người sáng lập, số năm hoạt động, lĩnh vực hoạt động, văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn, phương hướng… Sau đó, ghi chép và hệ thống hóa trong sổ tay riêng để ghi nhớ, kết hợp với các kiến thức chuyên môn có liên quan đến công việc. Việc này giúp bạn trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng một cách dễ dàng hơn. Đồng thời nó còn cho họ thấy được bạn là ứng viên chuyên nghiệp, chu đáo và thật sự quan tâm, hứng thú đối với vị trí việc làm.

Đừng quá đặt nặng vấn đề lương bổng

Bất kì ai tìm kiếm việc làm đều quan tâm đến mức lương và các chế độ đãi ngộ. Điều này là tất yếu và cần thiết. Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa là bạn nên đặt vấn đề tiền bạc lên trên hết. Mới lần đầu đi phỏng vấn, ứng viên đã sỗ sàng ra “yêu sách” về lương bổng với nhà tuyển dụng là điều hoàn toàn không nên. Nó cho thấy ứng viên quá xem trọng về vật chất mà “bỏ lơ” sự tận tâm, cống hiến cho công việc.

Bên cạnh đó, ứng viên cũng không nên nhắc hoặc hỏi đi hỏi lại nhiều lần về tiền lương với nhà tuyển dụng. Điều đó sẽ khiến họ khó chịu. Nếu bạn là ứng viên tiềm năng mà họ cần, họ sẽ tự khắc chủ động đề cập về lương với bạn vào lần phỏng vấn kế tiếp.

Chuẩn bị sẵn câu hỏi

Không chuẩn bị sẵn bất kì câu hỏi nào là sai lầm phổ biến của ứng viên đi phỏng vấn lần đầu. Đa số đều thụ động trả lời từng câu hỏi của nhà tuyển dụng mà không chủ động đặt vấn đề ngược lại với họ. Những ứng viên như vậy đều sẽ bị “hòa lẫn” vào hàng trăm, hàng nghìn ứng viên “tẻ nhạt” khác.

Để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần chuẩn bị sẵn từ 1 - 3 câu hỏi thông minh, khéo léo. Trước khi kết thúc phỏng vấn, bao giờ nhà tuyển dụng cũng hỏi ứng viên rằng: “Bạn có câu hỏi nào đặt ra cho chúng tôi không?”. Lúc này, những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị sẵn sẽ phát huy tác dụng. Nên nhớ rằng đó phải là những câu hỏi có giá trị, chứng tỏ sự ưu việt của bạn chứ không phải là những câu sáo rỗng, vô hồn.

Tâm trạng của những “lính mới” lần đầu đi phỏng vấn xin việc đều thiếu tự tin, hồi hộp, bất an và dễ mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, nếu tham khảo và áp dụng các kinh nghiệm trên đây, buổi phỏng vấn của bạn sẽ diễn ra thật hoàn hảo và mỹ mãn nhất. Chúc bạn phỏng vấn thành công!

PHA LÊ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: