Lắng nghe mùa xuân về (*)

Thứ ba, 31/01/2017 13:32 (GMT+7)

Ngay từ những năm cấp hai, mỗi lần tai tôi bắt được giai điệu ca khúc “Lắng nghe mùa xuân về”, trong lòng đều chợt dâng lên cảm giác bồi hồi, xao xuyến kì lạ, như thể ca khúc ấy vang lên chính là dấu hiệu rõ ràng nhất: Mùa xuân sắp về.

Thuở ấy, tôi thích ca khúc này vì cái nhịp điệu lúc nhẹ nhàng, lúc mãnh liệt như dòng chảy cảm xúc, cứ tự nhiên mà cuốn người ta thuận theo dòng chảy ấy. Về sau trưởng thành hơn, tôi nhìn ca khúc dưới con mắt mang nhiều sắc thái phân tích hơn một chút. Ví như, tựa đề “Lắng nghe mùa xuân về” chính là nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Có ai từng băn khoăn, làm sao ta có thể lắng nghe mùa xuân, khi mà bước chân của thời gian chắc chắn nhẹ hơn cả bước chân của một thiếu nữ e ấp? Người ta lắng nghe mùa xuân về bằng tiếng chim rộn hót xa vời và cánh hoa đào bỗng như cười, bằng cả giọt sương nào rơi thật êm và mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng. Những ca từ thật đẹp ấy gợi tôi nhớ đến nhà thơ Hữu Thỉnh đã dùng hương ổi phả vào trong gió se như một dấu hiệu nhận biết nàng thu đang chùng chình bước đến. Phải nhạy cảm, phải tinh tế, và phải yêu lắm những mùa xuân mới có thể cảm nhận nó đến từ những đổi thay, rung động rất đỗi nhẹ nhàng.

Ca khúc nhắn gửi chúng ta hãy biết cảm nhận, hãy mở rộng lòng mình để nhận ra những đổi thay dù là nhỏ bé nhất. Các thi nhân xưa chẳng phải tự dưng mà có thể sáng tác những “thiên cổ lệ cú” về thiên nhiên và tình yêu thiên nhiên, cũng như vị trí của con người trong mối quan hệ song phương với vạn vật. “Lắng nghe mùa xuân về” thêm một lần nhắc nhở tôi nên biết hòa mình vào thiên nhiên, vào thế giới bao la rộng lớn. Vì chỉ khi ta thực sự mở rộng tâm hồn để đón nhận, ta mới nhạy cảm trước những rung động của thời gian.

Lắng nghe mùa xuân về. Biểu diễn: Mỹ Linh

Nhưng, điều khiến tôi yêu nhất, và đối với tôi chính là cái hồn của bài hát, cái hồn nhân văn và triết lí đã níu giữ tình yêu mến của tôi, chính là hai câu hát:

“Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa

Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà?”

Có lạ không? Ngày xuân đầu tiên đến với chàng trai ấy sao mà giản đơn thế? Với Romeo, hình ảnh nàng Juliet xuất hiện trên ban công đã khiến không gian ngập tràn ánh sáng rực rỡ dẫu lúc ấy đang là màn đêm tối thẫm. Thế mùa xuân đến với chàng trai trong câu hát ấy, liệu là mùa xuân của đất trời, hay là mùa xuân tỏa rạng từ ánh sáng của tình yêu?

Thực ra, đối với chúng ta, có đôi khi mùa xuân đến giản đơn lắm, chẳng phải sao?! Người ta yêu nhau, nhìn thấy nhau liền tưởng ấm áp như xuân về; đứa con xa nhà mấy năm gặp lại mẹ cha liền thấy lòng mình ngập sắc xuân hạnh phúc. Mùa xuân của đất trời sẽ mãi tuần hoàn, nhưng tuổi xuân của con người nào được một lần thắm lại. Nên phải chăng, đến cùng ca khúc “Lắng nghe mùa xuân về” chính là muốn nhắn nhủ chúng ta hãy “lắng nghe” tiếng mùa xuân về trong chính trái tim và tâm hồn mình? Đất trời điểm tô mùa xuân bằng những giọt sương tinh khôi, bằng những sắc hoa yêu kiều, thì chúng ta điểm tô mùa xuân trong trái tim bằng yêu thương, bằng niềm tin và hạnh phúc. “Và chúng ta lại đón giao thừa…Phút giây lặng lẽ mong chờ, chứa chan niềm tin yêu.” Xuân này, có bao nhiêu người con không được đón khoảnh khắc giao thời bên mẹ cha, có bao nhiêu đứa con xa xứ không được đón giao thừa trên quê cha đất tổ Việt Nam? Nhưng tôi tin, chỉ cần trái tim chúng ta luôn chan chứa niềm tin và tình yêu, tình cảm chúng ta vẫn chạm đến nhau bất chấp khoảng cách. Mùa xuân của đất trời tuần hoàn, mùa xuân tuổi trẻ chẳng một lần thắm lại, phải, nhưng mùa xuân ta dựng xây bằng tình yêu thương trong trái tim thì mãi mãi bất diệt. Nói cho cùng, có phải chăng mùa xuân ta cần “lắng nghe”, mùa xuân ta cần vun đắp, mùa xuân ta cần trân trọng nhất… chính là mùa xuân trong trái tim mỗi con người?!

LÊ HUỲNH AN THỦY (P.2, Q.11)

*Bài tham dự sân chơi Giai điệu mùa xuân của bạn đọc. Xem thể lệ và cách thức tham gia tại đây

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: