Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet

avatar THÁI BÁ DŨNG

Thứ hai, 04/09/2023 18:00 (GMT+7)

Sáng 4-9, một lễ khai giảng vô cùng đặc biệt đã được tổ chức tại nóc Ông Bình - điểm trường được bao quanh bởi rừng già Ngọc Linh ở xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Lễ khai giảng này có những điều 'lần đầu tiên' thật cảm động.

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 1.

Hai giáo viên phụ trách ở điểm trường nóc Ông Bình dẫn học sinh vào dự lễ khai giảng - Ảnh: B.D.

"Âm thanh mà các con đang nghe là tiếng trống trường, nơi các con ngồi là lễ khai giảng mà có lẽ chưa một lần các con được thấy" - giọng thầy Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Trà Dơn (Nam Trà My) Trương Công Một cất lên bùi ngùi trong khoảnh sân bùn đất.

Khai giảng của "những điều đầu tiên"

Thầy Một nhìn về những ánh mắt tròn xoe, những cái đầu khét nắng đang hướng về mình. "Các con có vui không?" - thầy hỏi. Lũ trẻ ống chân lấm lem, đứa quay ngang, đứa nhìn dọc rồi đồng thanh trả lời: "Dạ vui!".

"Ừ nhỉ, hôm nay thầy cũng vui mà. Vì sao các con biết không? Vì khai giảng lần này là lần đầu tiên thầy trò chúng ta có một buổi lễ đầy đủ sân khấu, hoa tươi, băng rôn chào mừng năm học mới, cờ Tổ quốc và tấm ảnh Bác Hồ đặt trang trọng".

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 2.

Điểm trường nóc Ông Bình - Ảnh: B.D.

Buổi lễ khai giảng đặc biệt vào sáng 4-9 được thầy cô giáo và các nhà hảo tâm khắp cả nước góp sức tặng học sinh Ca Dong ở nóc Ông Bình, thôn 3, xã Trà Dơn. Đây là điểm trường đặc biệt khó khăn, nơi không có sóng điện thoại, không điện lưới.

Thầy Trương Công Một cho biết Trường Trà Dơn có tổng cộng 12 điểm trường với tổng cộng 525 học sinh, nằm rải rác ở 4 thôn của xã Trà Dơn.

Đồng bào nơi đây đa phần là bà con Ca Dong, sống dựa lưng vào núi, no đói nhờ rừng. Với họ, việc cho con đến trường là cả một câu chuyện đầy cố gắng.

Nóc Ông Bình - nơi diễn ra lễ khai giảng sớm vào sáng 4-9 - chỉ là một trong 11 điểm trường nằm lẩn giữa rừng già.

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 3.

Phụ huynh Ca Dong nghỉ đi rẫy để dự lễ khai giảng, lần đầu tiên họ hát Quốc ca trong lễ khai giảng của con - Ảnh: B.D.

Thầy Một đứng ở khoảnh sân lấm lem bùn, tay chỉ về một đỉnh núi cao bảng lảng mây trắng trên đỉnh Ngọc Linh rồi nói: "Dù tách biệt nhưng nóc Ông Bình vẫn chưa phải là nơi khó tiếp cận nhất. Vẫn còn 3 ngôi làng nằm dưới tán rừng già như ba ụ nấm bạc ở trên kia, gồm nóc Ông Tuấn, nóc Ông Tiến và nóc Ông Hành.

Từ đây lên đó đi bộ mất tầm 1,5 giờ nữa, thầy cô mỗi lần vào là mất mọi liên lạc, cuối tuần mới trở ra. Vì xa quá và mọi thứ quá khó tiếp cận nên chúng tôi quyết định chọn ở nóc Ông Bình để đánh trống gọi học sinh tựu trường sớm".

Món quà đặc biệt cho những hy sinh lặng thầm

Anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB thiện nguyện Bạn Thương Nhau (Đà Nẵng) - cho biết cách đây nhiều tháng, khi trực tiếp lên nóc Ông Bình, chứng kiến một thầy giáo và một cô giáo đều khoảng 30 tuổi lầm lụi bám điểm trường lẻ để dạy chữ cho học trò, anh đã bùi ngùi.

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 4.

Trong khi thầy Nhân cho trẻ ăn no thì cô Tý tết đầu tóc tươm tất để học sinh dự lễ khai giảng - Ảnh: B.D.

"Thầy Nguyễn Văn Nhân - phụ trách khối tiểu học - mới 26 tuổi, vừa lấy vợ ở trung tâm xã. Còn cô Nguyễn Thị Tý - phụ trách mầm non - cũng chỉ 32 tuổi. Chồng cô Tý bị ung thư máu và mất cách đây ít năm.

Đến và thấy những gì thầy cô đang cống hiến tuổi thanh xuân ở giữa rừng thẳm, chúng tôi không nghĩ rằng có những con người đã chấp nhận mọi thiệt thòi để góp phần đem ánh sáng đến bản làng" - anh Nam nói.

Anh Nam nói điều khó tin nhất là cả cô Tý lẫn thầy Nhân vẫn là giáo viên hợp đồng, mỗi tháng lãnh không hơn 4 triệu đồng nhưng họ đã ở đó qua 4 năm. Hằng ngày vẫn dạy đọc, dạy viết cho lũ trẻ" - anh Nam nói.

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 6.

Thầy Nhân đọc thư chúc mừng năm học mới của Bác Hồ do thầy chép lại - Ảnh: B.D.

Từ sự xúc động mãnh liệt ấy, anh Nguyễn Bình Nam đã về lại thành phố và quyết định gọi thêm bạn bè thực hiện một dự án lớn: tài trợ xây mới điểm trường ở nóc Ông Bình.

Từ sáng 3-9 đoàn xuất phát từ Đà Nẵng mang theo băng rôn chào mừng năm học mới, lá cờ Tổ quốc tươi rói, bó hoa tươi, một tấm ảnh Bác Hồ và thật nhiều bánh kẹo.

Do lễ khai giảng diễn ra sớm nên chưa có thư của Chủ tịch nước, đoàn phải lấy lá thư Bác Hồ từng chúc mừng năm học mới cho học sinh rồi chép lại bằng bút bi, đưa cho thầy giáo Nhân đọc.

Chuyến đi đặc biệt, đoàn còn cõng lên núi một chiếc trống trường.

10h sáng 4-9, toàn bộ bà con người Ca Dong ở nóc Ông Bình đã nghỉ đi rẫy. Họ bồng bế con, miệng nhai trầu đỏ quạch ngồi bao quanh khoảnh sân bùn đất, nơi con em họ được mặc những bộ quần áo mới tinh để dự lễ khai giảng.

Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet - Ảnh 7.

Thầy Trương Công Một đánh tiếng trống trường khai giảng lần đầu tiên vang lên ở nóc Ông Bình - Ảnh: B.D.

Thầy Trương Công Một chia sẻ do quá khó khăn, các năm trước lễ khai giảng chỉ làm đơn sơ với nghi thức gói gọn, thầy cô lấy xoong nồi gõ phát ra tiếng động thay tiếng trống trường.

Ngày 4-9 này là lễ khai giảng "lịch sử" khi lần đầu tiên có sân khấu, có băng rôn, có ảnh Bác Hồ… Và cũng là lần đầu tiên nơi đây vang lên tiếng trống trường trong sự tò mò, lạ lẫm của con trẻ.

Trong lễ khai giảng, hình ảnh thầy giáo người Ca Dong Nguyễn Văn Nhân mặc chiếc áo trắng, chân đi giày Tây, ống quần được ủi phẳng phiu, ngực đeo cà vạt bước lên cầm tờ giấy đọc thư chúc mừng năm học mới của Bác Hồ khiến nhiều người rưng rưng.

Thầy Nhân nói bộ quần áo, cà vạt mình mặc là do nhóm bạn anh Nguyễn Bình Nam bí mật mua lên tặng trong đêm trước lễ khai giảng. "Mình rất bất ngờ, cảm giác xúc động lắm vì có quần áo mới, cũng lần đầu đeo cà vạt, sơ vin lên bục giảng" - thầy Nhân xúc động nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: